Hồi đầu 2020, nhiều trang báo đưa tin nữ diễn viên Kristen Dunst, từng thủ vai Mary Jane trong bộ ba Spider-Man của đạo diễn Sam Raimi, có khả năng trở lại trong Spider-Man: No Way Home cùng nhiều ác nhân hùng hậu từ phim cũ như Green Goblin (Willem Dafoe), Doctor Octopus (Alfred Molina) và Electro (Jamie Foxx). Tuy nhiên, Dunst không xuất hiện trong bộ phim vừa ra rạp hôm 17/12.
Mary Jane là ví dụ mới nhất cho xu hướng “hoài cổ có chọn lọc” kỳ quặc tại Hollywood. Kinh đô điện ảnh đang hồi sinh nhiều gương mặt quen thuộc khi tái khởi động (reboot) các thương hiệu điện ảnh kinh điển bằng phần phim mới. Nhưng họ cũng đồng thời gạt nhiều nhân vật mang giới tính nữ ra khỏi kế hoạch này. Cây bút Adam White của The Independent đặt câu hỏi đây có phải biểu hiện của bệnh trọng nam khinh nữ chưa được chữa trị tận gốc của Hollywood.
Những bóng hồng "mất tích"
Trước khi Spider-Man: No Way Home ra mắt, trong các cuộc phỏng vấn, nữ diễn viên Kristen Dunst liên tục được hỏi về việc cô có trở lại với vai Mary-Jane hay không. Hồi tháng 11, trong bài phỏng vấn với Total Film, nữ diễn viên 39 tuổi khẳng định: “Không, tôi là người duy nhất không trở lại. Ai lại để một bà già như tôi xuất hiện trong phim”.
Mary Jane Watson, Rachael, Charlotte "Charlie" Blackwood và Dana Barrett là các nhân vật nữ chính bị bỏ quên khi Hollywood tái khởi động thương hiệu phim Spider-Man, Blade Runner, Top Gun và Ghostbusters. Ảnh: IMDb. |
Khoảng 2/3 thời lượng Blade Runner 2049, đạo diễn Denis Villeneuve đưa trở lại màn ảnh phiên bản Deckard già nua, rệu rã dưới sự hóa thân của Harrison Ford tuổi 75. Nhưng phim chỉ dành vài giây cho nhân vật Rachael của Sean Young - được phục dựng bằng công nghệ đồ họa vi tính để có diện mạo trẻ trung thuở 23. Deckard và Rachael chia nhau vai trò nhân vật chính của bộ phim Blade Runner (1982).
Trong Ghostbusters: Afterlife - tác phẩm làm mới thương hiệu Ghostbusters từ thập niên 1980 - bộ tứ chuyên gia bắt ma đời đầu do Bill Murray, Dan Aykroyd, Ernie Hudson và cố diễn viên Harold Ramis thủ vai đã có màn xuất hiện đáng nhớ. Nhưng nữ chính Sigourney Weaver chỉ xuất hiện chóng vánh với vai trò diễn viên khách mời trong cảnh tiền danh đề.
Tiếp đến, Top Gun: Maverick - phần hậu truyện ra đời sau 36 năm của Top Gun (1986) - sẽ đưa Tom Cruise trở lại vai nam chính cùng tài tử Val Kilmer. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, vai nữ chính của phim không còn thuộc về Kelly McGillis.
Trong bộ ba phim làm mới thương hiệu Star Wars gồm The Force Awakens (2015), The Last Jedi (2017) và Rise of the Skywalker (2019), các nhân vật Han Solo (Harrison Ford), Luke Skywalker (Mark Hamill) và Công chúa Leia (Carrie Fisher) đã được đưa trở lại trong những vai diễn quan trọng. Nhưng, trong hai phần phim năm 2015 và 2017, sự xuất hiện của Công chúa Leia luôn có phần mờ nhạt hơn Luke và Han.
Áp lực tuổi tác với các nữ diễn viên
Theo phân tích của Adam White, sự quên lãng mà nữ chính của các thương hiệu bom tấn một thời đang phải gánh chịu đến từ nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là luật bất thành văn tài tử càng già càng phong trần nhưng minh tinh càng già càng mất giá trong các tựa phim được đầu tư kinh phí lớn. Phụ nữ trên 35 tuổi có xu hướng khó giành vai chính trong các series siêu anh hùng.
Sự thay đổi của các phiên bản dì May trên màn ảnh trong loạt phim về Spider-Man do Tobey Maguire, Andrew Garfield và Marisa Tomei thủ vai. Ảnh: Sony Pictures. |
Lấy ví dụ về Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Năm 2008, khi thủ vai Iron Man lần đầu tiên, tài tử Robert Downey Jr. đã 43 tuổi. Cùng năm, Edward Norton 39 tuổi khi đóng The Incredible Hulk. Bennedict Cumberbatch 40 tuổi năm anh đóng Doctor Strange (2016). Ngược lại, Brie Larson mới 30 khi đóng Captain Marvel (2019), Elizabeth Olsen tròn 26 lúc thủ vai Wanda Maximoff ở The Avengers: Age of Ultron (2015). Scarlett Johansson cũng ở cuối độ tuổi 20 khi xuất hiện lần đầu tiên trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel.
Áp lực tuổi tác không chỉ thể hiện ở cách Marvel Studios chọn những gương mặt trẻ trung để vào vai các nữ siêu anh hùng. Thời điểm Spider-Man: Homecoming (2017) ra mắt, khán giả từng bất ngờ khi nữ diễn viên Marisa Tomei được chọn thủ vai dì May của Peter Parker (Tom Holland). Tomei đảm nhận vai diễn khi đã 52 tuổi, nhưng trên màn ảnh, cô chỉ trông như một phụ nữ ngoài 40 gợi cảm.
Nguyên tác truyện tranh Spider-Man mô tả dì May là một bà lão với mái tóc trắng cước và làn da nhăn nheo. Trong bộ ba phim Spider-Man (2002-2007) của đạo diễn Sam Raimi, nhân vật do nữ diễn viên Rosemary Harris thủ vai khi đã 70 tuổi. Tới The Amazing Spider-Man (2012), đạo diễn Marc Webb chọn nữ diễn viên Sally Field thủ vai dì May ở tuổi 66.
Sau 15 năm, từ Harris tới Tomei, dì May trên màn ảnh đã trẻ lại 18 tuổi và rũ bỏ tạo hình lão niên chậm chạp. Dì May của Vũ trụ Điện ảnh Marvel trẻ trung và năng động đứng bên cậu cháu Peter Parker tuổi mới lớn, thậm chí có thể ghép đôi với Tony Stark hoặc Happy Hogan. Một bình luận trên Internet từng viết phiên bản dì May này đã vỗ về những giấc mơ hoang đường nhất của fan Marvel.
Các bom tấn quay lưng với yếu tố lãng mạn
Sự biến mất của các bóng hồng một thuở cũng phản ảnh vấn đề mới nảy sinh tại Hollywood ngày nay. Điểm chung của các nhân vật do Dunst, Young, Weaver và McGillis thủ vai chính là họ đều bắt cặp cùng nam chính, tạo ra mối quan hệ lãng mạn trên màn ảnh.
Nụ hôn ngược trong mưa kinh điển của Spider-Man (2002). Ảnh: Sony Pictures. |
Chùm phim Spider-Man của Sam Raimi thuộc nhóm tác phẩm siêu anh hùng cuối cùng tập trung vào yếu tố lãng mạn. Trong phim, khán giả được thấy tam giác tình cảm phức tạp giữa Peter Parker (Tobey Maguire), Mary-Jane và một người thứ ba. Mối quan hệ giữa họ đã trải qua các giai đoạn từ làm quen, thầm yêu, tạm xa, tỏ tình, hiểu lầm, hàn gắn… 20 năm qua, khó có khoảnh khắc tình cảm nào trên phim siêu anh hùng đánh bại được nụ hôn ngược trong mưa giữa Spider-Man và Mary-Jane ở Spider-Man (2002).
Trong Ghostbusters, câu chuyện bắt ma chỉ là cái cớ cho chuyện tình cảm giữa cặp nhân vật chính thành hình. Câu chuyện lấy bối cảnh thế giới giả tưởng u hoài và mục ruỗng của Blade Runner được tô đậm bằng chuyện tình ngang trái giữa Deckard và người vô tính Rachael. Top Gun, tương tự, là khúc ca về tình yêu và tuổi thanh xuân mãnh liệt.
Ngược lại, Hollywood của ngày hôm nay đang dần thay thế yếu tố lãng mạn trong các bom tấn bằng câu chuyện về tổn thương tâm lý, ám ảnh quá khứ cũng như trận chiến với kẻ thù của các anh hùng. Khi người anh hùng không cần tình yêu, lẽ tất yếu, những bóng hồng ươm mầm cho quan hệ lãng mạn ấy cũng sẽ bị gạch bỏ.
Một xu hướng khác là đưa các nhân vật nữ chính trở lại để tiếp tục chịu cảnh bị tra tấn về thể xác và khủng bố tinh thần. Đó là câu chuyện của Sarah Connor (Linda Hamilton) trong Terminator: Dark Fate (2019), Laurie Strode (Jamie Lee Curtis) từ những phần phim Halloween gần đây và Sidney Prescott (Neve Campbell) ở hậu truyện Scream sắp ra mắt.
Terminator, Halloween, Scream, The Matrix là vài thương hiệu phim khước từ xu hướng gạt nhân vật nữ khỏi bản reboot của Hollywood. Ảnh: IMDb. |
Họ từng có những khoảnh khắc lãng mạn ngắn ngủi trong quá khứ. Nhưng sau tất cả, vận mệnh trên màn ảnh của họ là chiến đấu để sinh tồn. Giờ đây, năm tháng qua đi, người tình của Sarah Connor đã chết còn Laurie Strode sống cô độc xa lìa con cái, họ chỉ có một mục tiêu duy nhất là ngăn chặn kẻ đã ám ảnh mình cả cuộc đời.
Tuy nhiên, giữa làn sóng này, khán giả vẫn tìm được một ngoại lệ mang tên The Matrix Resurrections. Phần hậu truyện ra đời sau gần hai thập kỷ đưa trở lại màn ảnh cặp nhân vật Neo (Keanu Reeves) và Trinity (Carrie-Anne Moss). Thông qua câu thoại “Đâu đó trong tôi cảm thấy như tôi đã chờ anh cả một đời” của Trinity trong trailer, có thể thấy mối quan hệ lãng mạn giữa Neo và Trinity sẽ đóng vai trò quan trọng trong Resurrections.