Trước đây, “phong tục” tiếp đón quan chức tha hoá này dẫn đến một tệ nạn xã hội ai cũng biết nhưng hiếm khi được thảo luận công khai: nạn mua bán thiếu nữ vị thành niên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một vụ mua bán thanh thiếu niên liên quan đến cả quan chức và công an tại tỉnh nhà của ông Boonyarit khiến vụ việc được báo chí Thái Lan chú ý rộng rãi.
Người mẹ có con gái bị ép buộc hành nghề mại dâm trong buổi gặp cảnh sát. Ảnh: AFP. |
Dù Thái Lan nổi tiếng toàn cầu với các khu phố đèn đỏ chuyên phục vụ khách nước ngoài, ngành công nghiệp tình dục của nước này vẫn còn một nhóm đối tượng quan trọng: chính là những vị khách trong nước.
Phụ nữ như món hàng?
“Truyền thống này đã có từ rất lâu. Khi các quan chức cao cấp đến địa phương dự hội nghị hay đi thực tế, chúng tôi thường đưa các cô gái ra phục vụ họ. Chúng tôi được cho biết trước rằng các vị ấy sẽ thích kiểu phụ nữ như thế nào. Thỉnh thoảng chúng tôi đưa đến 5-10 cô gái rồi vị quan chức kia sẽ chọn ra một người”, ông Boonyarit nói với AFP.
Boonyarit là quan chức cấp huyện tại tỉnh Mae Hong Son, một tỉnh nghèo và hẻo lánh ở miền núi phía bắc Thái Lan. Ông trao đổi với báo chí một cách thoải mái về vấn đề này. Tuy nhiên, câu chuyện của ông là một phần quan trọng trong 41 cuộc điều tra vào những mạng lưới được cho là do cảnh sát điều hành ngay ở địa bàn tỉnh Mae Hong Son.
Các cuộc điều tra trên được tiến hành sau khi người mẹ của một nạn nhân chạy đến Bangkok, gặp gỡ báo chí để kể về việc con gái 17 tuổi của bà bị ép buộc phải bán dâm, phục vụ các quan chức và cảnh sát.
Theo người mẹ này, một số cô gái bị những kẻ cầm đầu đường dây xăm hình lên người, như cách đánh dấu “quyền sở hữu”.
Dưới sức ép của truyền thông, cảnh sát quốc gia đã bắt giữ một quan chức cảnh sát ở tỉnh Mae Hong Son bị cáo buộc bán các cô gái vào những động mại dâm, đồng thời buộc tội 8 cảnh sát khác vì quan hệ với trẻ em gái.
Người phụ nữ tố cáo trong buổi làm việc với cảnh sát. Ảnh: AFP. |
5 quan chức hành chính khác ở tỉnh Nonthaburi cũng bị buộc tội dùng ngân sách thuê thiếu nữ làm chiêu đãi viên trong chuyến công tác đến tỉnh Mae Hong Son.
“Từ khi chính quyền vào cuộc, chúng tôi cảm thấy nhẹ người vì bây giờ sẽ không còn phải tiếp đón họ như vậy nữa”, ông Boonyarit nói. Tuy nhiên, tệ nạn trên không chỉ xảy ra ở mỗi tỉnh Mae Hong Son.
Các chuyên gia về nạn buôn người nói đây là tình trạng phổ biến ở những quốc gia mà cấp dưới thường tìm cách lấy lòng cấp trên để mong được thăng tiến. “Khi chúng ta không được đánh giá dựa trên công trạng thì sẽ tìm cách hối lộ cấp trên của mình”, nhà báo Lakkana Punwichai nói.
Bà lên án việc đưa các cô gái vào bàn tiệc phục vụ khách. “Nó xuất phát từ nền văn hoá không xem nữ giới như con người mà là tài sản. Phụ nữ được xem như món quà, ngang ngửa như món ăn hoặc những trang phục đắt tiền, cho rằng phụ nữ cũng có thể định bằng giá”.
Chiến dịch nửa vời
Nhiều nạn nhân của tình trạng buôn người thường không dám lên tiếng do lo ngại những ông trùm quyền lực, đặc biệt ở những vùng nông thôn như Mae Hong Son thì mối liên hệ xã hội rất nhỏ bé.
Các quan chức đja phương thì tìm cách tự bảo vệ chính họ. Tại tỉnh Mae Hong Son, thoạt đầu cảnh sát cố tìm cách chôn vùi những cáo buộc mà người mẹ phanh phui (hiện bà đang được chính phủ bảo vệ tại Bangkok).
“Bà ấy đã bị một số cảnh sát ở quê nói là phải biết điều”, luật sư của người mẹ này nói với AFP.
Trong khi đó, Bộ Phát triển Xã hội Thái Lan tuyên bố “sẽ đi đầu điển hình” trong nỗ lực chống lại những tệ nạn “phục vụ rượu thịt cùng gái”.
Đơn vị cảnh sát chống buôn người cũng khẳng định sẽ thúc đẩy những chiến dịch triệt hạ những đường dây này.
Mới cuối tuần qua, một nhóm đặc nhiệm đã bắt 3 quan chức địa phương ở tỉnh Nakhon Ratchasima vì cáo buộc quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên. Trong số này, một số nạn nhân chỉ mới 14 tuổi.
Tuy nhiên, các chuyên gia nói thông thường chỉ có những quan chức cấp thấp mới bị trừng phạt. “Sau khi cảnh sát giải cứu các cô gái, họ không mở rộng thêm vụ việc. Họ không bao giờ điều tra ‘khách hàng’ là những ai”, Ronnasit Proeksayajiva, chuyên viên từ tổ chức chống buôn người Nvader, nói.