Không chỉ khuyến khích bình đẳng giới, trao quyền cho phái đẹp, Standard Chartered còn đặt mục tiêu cụ thể về tỷ lệ phụ nữ quản lý trong hệ thống của mình.
Bình đẳng giới ở nơi làm việc đang là một trong những chủ đề được quan tâm trên thế giới. Theo đó, nữ giới chiếm đến một nửa lực lượng lao động trên toàn cầu, nhưng số lượng người nắm giữ các vị trí quản lý cấp cao lại rất ít. Đơn cử, trong lĩnh vực tài chính, con số này chỉ 15%.
Là một trong những ngân hàng chú trọng hoạt động cộng đồng và xã hội, Standard Chartered không ngừng thực hiện các dự án góp phần thúc đẩy bình đẳng giới. Theo đó, ngân hàng đặt mục tiêu đến hết năm 2020, 30% vị trí lãnh đạo trên toàn hệ thống là nữ giới. Bà Trịnh Như Quỳnh - Giám đốc Đối ngoại, Marketing & Thương hiệu , thành viên ban điều hành của Standard Chartered Việt Nam đã có những chia sẻ với Zing về mục tiêu này.
- Được biết, bà đã làm việc tại Standard Chartered khoảng 10 năm. Cơ duyên nào đưa bà đến với ngân hàng quốc tế này và gắn bó lâu đến vậy?
- Trước đây, tôi từng đảm nhiệm vị trí giám đốc truyền thông và marketing tại một ngân hàng trong nước hơn 5 năm. Khi ấy, ngân hàng này có khoảng 100 chi nhánh trên khắp cả nước. Mỗi lần triển khai các chiến dịch truyền thông hay marketing, chúng tôi đều gặp không ít trở ngại trong việc triển khai đồng bộ. Việc đảm bảo tính đồng nhất hình ảnh, thương hiệu của ngân hàng cũng khó khăn không kém. Khi đó, tôi luôn tự hỏi, với những ngân hàng đa quốc gia, hiện diện khắp nơi trên thế giới, họ phải làm thế nào để quản lý tốt thương hiệu và triển khai hiệu quả các chiến dịch marketing trên tất cả thị trường vào cùng một thời điểm.
Chính những câu hỏi đó đã thôi thúc tôi tìm kiếm cơ hội làm việc, học hỏi cách thức vận hành tại môi trường ngân hàng quốc tế. Việc đến với Standard Chartered là một duyên may, khi ngân hàng tuyển dụng vị trí giám đốc đối ngoại, marketing và thương hiệu, tôi đã tham gia phỏng vấn và gắn bó đến tận bây giờ. Một năm hay 10 năm, dù làm ở đâu, tôi cũng luôn cố gắng giữ cho mình niềm say mê với công việc. Mỗi ngày tôi đều học thêm được điều mới nào đó, nên với tôi, 10 năm trôi qua rất nhanh và chưa phải là dài.
- Là một phụ nữ Việt nắm giữ vị trí quản lý tại ngân hàng quốc tế, bà có gặp khó khăn trong công việc?
- Ở Standard Chartered Việt Nam, phụ nữ nắm giữ vị trí quản lý rất nhiều. Ban điều hành của ngân hàng có 15 người, thì 7 trong số đó là phụ nữ và đều là người Việt.
Tất nhiên ở bất cứ đâu cũng có những thử thách riêng, mỗi nơi đều có cái hay và chưa hay. Khi chuyển sang làm trong môi trường quốc tế, điều khác biệt lớn nhất tôi nhận thấy là văn hóa doanh nghiệp.
Tại Standard Chartered, tôi làm việc với nhiều người, đến từ nhiều quốc gia, dân tộc, giới tính, độ tuổikhác nhau. Chính sự đa dạng này đã giúp công việc hàng ngày của tôi thêm màu sắc và thú vị, đồng thời cũng là thử thách, đòi hỏi tôi phải liên tục tìm hiểu, học hỏi, mở rộng thế giới quan của mình.
- Ngân hàng đã tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ đảm nhiệm vị trí quản lý cao cấp như thế nào, thưa bà?
- Ở Standard Chartered, chúng tôi đặt mục tiêu về tỷ lệ nữ giới làm quản lý. Mà đã là mục tiêu, chúng tôi sẽ phải cố gắng tìm cách để đạt được. Mỗi năm, Standard Chartered đều đưa ra tỷ lệ quản lý, lãnh đạo là nữ và có những chương trình đào tạo, hỗ trợ nhân viên đủ năng lực đảm trách các vị trí này, như năm 2020, mục tiêu về tỉ lệ nữ giới nắm giữ các vị trí quản lý cấp cao là 30% trên toàn hệ thống. Riêng điều này đã là một niềm động viên, khích lệ lớn với các bạn nữ trong ngân hàng.
Một điều đặc biệt nữa là ngân hàng sẵn sàng đặt niềm tin, trao cơ hội và đào tạo cho các nhân sự trong lĩnh vực họ muốn theo đuổi. Khi cần tuyển dụng, nhất là những vị trí quản lý, chúng tôi ưu tiên nội bộ trước. Các bạn, đặc biệt là nữ giới được khuyến khích ứng tuyển và Ngân hàng sẵn sàng đào tạo ngay cả khi họ chưa có kinh nghiệm, kiến thức về lĩnh vực đó. Có thể nói, hiếm nơi nào dám đánh cược vào nhân viên của mình như thế. Tất nhiên, niềm tin phải đến từ hai phía, bản thân nhân viên cũng cần có những tố chất và cam kết của riêng mình, nhưng chính sách này vẫn thực sự đặc biệt.
- Nguyên tắc quản lý của bà là gì? Những nguyên tắc ấy hiệu quả như thế nào khi áp dụng vào công việc thực tế tại Standard Chartered?
- Nắm giữ vị trí quản lý đã hơn 20 năm, tôi nhận thấy người lao động làm việc hiệu quả nhất khi được tin tưởng và trao quyền. Tôi luôn cố gắng thực hiện điều đó với cấp dưới của mình.
Khoảng cách thế hệ là điều không thể tránh khỏi, có những nhân viên kém tôi rất nhiều tuổi, nhưng trong công việc không hề có rào cản tuổi tác. Phương châm của tôi là luôn trao quyền, đặt niềm tin vào nỗ lực, kiến thức và kinh nghiệm của các bạn. Tất nhiên, tôi cũng phải chấp nhận tỷ lệ rủi ro nhất định. Song đến giờ, tôi vẫn thấy phương châm đó đúng đắn. Các bạn trẻ đều cảm thấy mình có thêm trách nhiệm với công việc được giao và tự tin hơn rất nhiều khi được sếp tin tưởng.
Với mỗi dự án, chúng tôi đều có trưởng nhóm đảm trách. Cách triển khai, hướng đi của mỗi chương trình không phải lúc nào cũng từ tôi hay lãnh đạo cấp cao hơn đưa xuống, mà nhiều khi do chính các bạn đề xuất và thực hiện. Những giải pháp các bạn đưa ra thực sự sáng tạo và hiệu quả, thậm chí có phương án tôi chưa hề nghĩ đến. Lúc đó, tôi cũng có hoài nghi, nhưng vẫn lựa chọn tin tưởng, để các bạn thử sức. May mắn là đến giờ, hầu hết dự án của chúng tôi đều thành công và đạt hiệu quả tốt.
- Phụ nữ Việt làm tại các ngân hàng nước ngoài thường gắn liền với hình ảnh bận rộn và áp lực. Standard Chartered đã hỗ trợ những gì để nhân sự nữ có thể cân bằng công việc và cuộc sống?
- Như mọi ngành nghề khác, làm ngân hàng cũng có những khó khăn và thuận lợi riêng, nhưng cá nhân tôi cảm thấy Standard Chartered là môi trường rất tốt cho nữ giới. Chúng tôi luôn cố gắng tạo ra môi trường làm việc thoải mái nhất cho mọi người, đặc biệt là phái nữ.
Chúng tôi hiểu rằng phụ nữ vừa đảm nhận vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình, vừa xử lý công việc hàng ngày sẽ vất vả hơn nam giới rất nhiều. Do đó, ngân hàng thường xuyên có những chính sách, hoạt động hỗ trợ các chị em để họ có thể hoàn thành tốt cả hai vai.
Các nhân sự tại Standard Chartered, không riêng phụ nữ, được khuyến khích đăng ký “work from home” (làm việc tại nhà) nếu phù hợp, chỉ cần đảm bảo hiệu quả công việc, hoàn thành trách nhiệm được giao. Chính sách này tạo điều kiện cho các bạn nữ tự sắp xếp thời gian sao cho cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Ngân hàng có mạng lưới kết nối riêng cho các đồng nghiệp nữ, có tên là “Woman Internal Network” (WIN). WIN sẽ tổ chức định kỳ các buổi họp mặt cho đồng nghiệp nữ trong ngân hàng. Đó là nơi họ có thể cùng nhau chia sẻ về cuộc sống, công việc; cùng học các kỹ năng như trang điểm, nấu ăn, hay trao đổi về bí quyết cân bằng công việc và cuộc sống. WIN cũng thường mời những phụ nữ có ảnh hưởng trong xã hội đến nói chuyện để truyền cảm hứng, tạo động lực cho nhân viên nữ của ngân hàng.
Ngoài ra, với nhân sự nữ trong thời gian nghỉ thai sản, ngân hàng có chính sách cho các bạn hưởng nguyên lương 20 tuần, thay vì chỉ hưởng lương bảo hiểm như một số nơi khác. Standard Chartered cũng có nhiều tiện nghi hỗ trợ nhân viên nữ trở lại làm việc sau sinh như phòng vắt sữa chẳng hạn.
- Ngoài chính sách ưu tiên nhân sự nữ trong ngân hàng, Standard Chartered có các hoạt động gì để thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam?
- Với cộng đồng, chúng tôi cũng hướng tới những chương trình dành cho nữ giới, trong đó nổi bật nhất là “Goal” - dự án giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em gái. Chương trình được chúng tôi triển khai trên nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam. Tại đây, chúng tôi phối hợp cùng Women Win, một tổ chức phi chính phủ quốc tế. "Goal" đã và đang được ghi nhận rộng khắp, cũng như nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng.
Bản thân tôi thấy chương trình có nội dung rất hay, giúp trẻ em nữ vị thành niên có được những kỹ năng cơ bản như bảo vệ thân thể, phòng chống quấy rối tại nơi công cộng, đến kiến thức quản lý tài chính. Các em được khuyến khích đưa ra ý kiến cá nhân, lên tiếng phản đối những điều sai trái. Sau này, khi trưởng thành và đứng ở vị trí lãnh đạo, chắc chắn các bạn sẽ tự tin, dám bày tỏ quan điểm và vững vàng hơn khi đối mặt với thử thách.
Ngoài ra, chúng tôi cũng vừa ký kết chương trình hợp tác với Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC), nhằm hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Theo đó, các doanh nghiệp này sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp, từ đó có thể tái khởi động kinh doanh sau COVID-19 thuận lợi hơn. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức câu lạc bộ dành riêng cho nữ doanh nhân và lãnh đạo nữ ở các doanh nghiệp, giúp các chị em nắm giữ vị trí quản lý có cơ hội mở rộng mạng lưới nghề nghiệp, đem lại cơ hội phát triển sự nghiệp tốt hơn cho cả cá nhân lẫn doanh nghiệp
- Nhiều người cho rằng phụ nữ muốn thành công, phát triển sự nghiệp thì phải đánh đổi thời gian dành cho gia đình và sẽ không còn đảm nhận tốt được vai trò người xây tổ ấm của mình. Bà nghĩ sao về điều này?
- Quỹ thời gian của mọi người là như nhau. Ai cũng chỉ có 24 tiếng mỗi ngày, nếu thời gian dành cho công việc, thời gian ở công ty nhiều hơn thì tất nhiên thời gian dành cho bản thân và gia đình sẽ ít đi. Nhưng theo tôi, xây dựng tổ ấm là trách nhiệm của tất cả các thành viên trong gia đình, không thể chỉ đặt lên vai người phụ nữ. Nếu giữa các thành viên có sự thấu hiểu, cùng chia sẻ quỹ thời gian dành cho gia đình thì không ai phải đánh đổi điều gì cả.
Tôi luôn tập trung làm việc tối đa trong 8 tiếng ở văn phòng, nhưng khi về nhà, ưu tiên của tôi là gia đình, tôi sẽ không cầm điện thoại để làm việc. Làm quản lý không có nghĩa là phải bận rộn hơn nhân viên bình thường, tất cả phụ thuộc vào cách bạn sắp xếp, phân bổ thời gian.
Tôi thường đề ra những ưu tiên trong từng thời điểm. Ví dụ, trong 3 tháng tới, tôi cần tập trung hoàn thành một dự án quan trọng, nghĩa là tôi cần dành nhiều thời gian cho công việc hơn. Tôi sẽ trao đổi với các thành viên trong gia đình để có được sự thấu hiểu và ủng hộ từ mọi người. Đó là cách để tôi cân bằng giữa công việc & cuộc sống khi đảm nhiệm vị trí quản lý.
- Bà có lời khuyên nào cho các bạn nữ mong muốn phát triển sự nghiệp, trở thành lãnh đạo trong tương lai?
- Theo tôi, nữ giới có xuất phát điểm không thua kém gì nam giới, thậm chí, độ quyết tâm đạt mục tiêu đã đặt ra đôi khi còn cao hơn nhiều. Do đó, không có lý do gì mà vị trí của phụ nữ là ở phía sau, chúng ta hoàn toàn có thể đảm nhận tốt vai trò quản lý, dẫn dắt ở nơi công sở.
Điều tôi muốn nói với các bạn nữ, đặc biệt là những bạn trẻ, là một khi đã có đam mê, mong muốn và thiên hướng trở thành lãnh đạo, hãy cứ mạnh dạn theo đuổi. Bạn cứ thử đi, với tất cả tâm huyết của mình, thành công sẽ theo đuổi bạn.
Đây là video tương tác. Bạn có thể dừng video bằng cách chạm vào màn hình, sau đó nhấn vào các chấm xanh để có thêm thông tin chi tiết.
Bình luận