Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ nữ Hàn Quốc mặc quần legging bị quay lén

Một người đàn ông bị kết tội quấy rối tình dục. Thẩm phán khẳng định việc quay lén cơ thể của người khác, kể cả khi nạn nhân có mặc quần áo, đều có thể cấu thành tội.

Một người đàn ông ở quận Uijeongbu, Hàn Quốc nhận án phạt 700.000 won (591 USD) và 24 giờ tham gia chương trình phòng chống bạo lực tình dục sau khi Tòa án Tối cao xét xử lại vụ án, theo Korea Times.

Người này bị bắt và truy tố vào năm 2018 vì quay lén một phụ nữ mặc quần bó sát (legging) từ phía sau trên chuyến xe bus.

Tuy nhiên, tòa án phúc thẩm xử anh trắng án bởi video không phóng to vào những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể, không đủ căn cứ chứng minh nạn nhân thấy bị làm nhục.

Song, trước áp lực dư luận, Tòa án Tối cao yêu cầu Tòa án quận Uijeongbu xét xử lại.

Tòa đưa ra phán quyết rằng đoạn clip trên có thể bị chỉnh sửa, chia sẻ lên mạng nhằm mục đích xấu.

Thẩm phán khẳng định việc quay lén cơ thể của người khác, kể cả khi nạn nhân có mặc quần áo, đều có thể cấu thành tội quấy rối tình dục.

Vì thế, tòa hủy bỏ phán quyết vô tội của người đàn ông này và buộc tội anh vì hành vi quấy rối tình dục, ghi hình khi chưa được sự đồng thuận của người khác.

Đây là lần đầu tòa án ở Hàn Quốc đưa ra phán quyết dựa trên định nghĩa mở rộng về tự do tình dục, từ "quyền không thực hiện hành vi tình dục khi chưa được sự đồng ý" thành "quyền không bị tình dục hóa bởi người khác".

Ở xứ kim chi, quần bó sát, hay quần legging, vẫn là trang phục gây nhiều tranh cãi. Dù doanh số bán quần legging vẫn tăng đều đặn, trở thành món đồ không thể thiếu trong tủ áo của phái đẹp, phụ nữ Hàn vẫn bị chỉ trích khi mặc chúng.

Trang phục này thường bị coi như hớ hênh, phản cảm, thậm chí còn bị gọi là "quần lót dài".

"Tôi thấy ngày càng nhiều phụ nữ diện legging ra đường. Họ có thể tự do lựa chọn quần áo, song tôi nghĩ một số người sẽ không thoải mái khi thấy phụ nữ mặc quần bó sát ở nơi công cộng", một người đàn ông 27 tuổi, họ Kim nói.

Yunkim Ji-yeong, Phó giáo sư Triết học tại ĐH Quốc gia Changwon, nói rằng quan niệm xã hội ở xứ kim chi vẫn cho rằng phụ nữ cần che đậy cơ thể dưới nhiều lớp quần áo.

"Cuộc tranh cãi liên quan đến quần legging là một ví dụ về việc phụ nữ buộc phải che giấu cơ thể mình. Những người nói rằng họ sẽ 'không bao giờ cho phép con gái, bạn gái mình mặc thứ này' cho thấy tâm lý muốn kiểm soát phụ nữ", cô nói.

Phân biệt đối xử dựa trên công việc ở Hàn Quốc

Trong khi phần lớn tầng lớp trí thức được trọng vọng, không ít người làm công việc tay chân ở xứ củ sâm vẫn chịu tình trạng bị coi thường, đối xử không công bằng từ người khác.

Ngọc Linh

Bạn có thể quan tâm