Cây đàn Stradivarius lừng danh mà ông Philip Johnson giấu dưới hầm. Ảnh: AP |
Thanh Tran cùng chồng, ông Philip Johnson, sống tại thành phố Venice, bang California, Mỹ. Johnson qua đời tháng 11/2011 vì ung thư tuyến tụy. Trước khi lìa trần, ông dẫn vợ xuống tầng hầm trong căn nhà, trao cho bà một hộp đàn violin mà ông giấu cẩn thận. Tuy nhiên, Johnson không nói với bà Thanh một lời nào về cây đàn.
Thoạt đầu bà Thanh tưởng rằng đây là cây đàn cổ mà bà từng mua cho chồng. Mãi 4 năm sau, bà mới biết vật trong hộp là cây đàn Stradivarius lừng danh của nghệ sĩ nổi tiếng Roman Totenberg. Ông Totenberg mất cây đàn vào năm 1980. Khi đó vị nhạc sĩ để đàn ở văn phòng sau khi vừa kết thúc buổi biểu diễn tại một nhạc viện ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts.
Totenberg qua đời vào tháng 5/2012. "Do vậy, điều khiến tôi day dứt nhất là không biết sự thật sớm hơn để trả cây đàn về với chủ nhân khi ông còn sống. Giá mà chồng tôi kể mọi việc trước khi qua đời", bà Tran nói với AP ngày 12/8.
Nhà chức trách trả cây đàn cho ba con gái của Totenberg. Nina, một trong 3 người con, cho biết ông Totenberg luôn nghi ngờ Johnson lấy cắp đàn nhưng chính quyền không có đủ bằng chứng để phát lệnh khám xét.
Vụ mất trộm đàn bí ẩn
Bà Thanh băn khoăn về lý do ông Johnson, vốn cũng là một nghệ sĩ vĩ cầm, sở hữu cây đàn Stradivarius quý giá. "Tôi vô cùng bất ngờ và đang buộc phải chấp nhận sự thật. Có thể ông ấy thấy cây đàn và thích vì nó quá hấp dẫn", bà bình luận.
Cây đàn Stradivarius đã trở lại với 3 con gái của chủ nhân thực sự. Ảnh: AP |
Lúc sinh thời, Johnson từng buộc phải bán một cây violin cổ từ thế kỷ 18. Cuối thập niên 90, bà Thanh đã chi 4.500 USD để mua lại nó cho chồng. Bà luôn nghĩ rằng ông không còn món đồ nào quý giá hơn.
Trong một lần dọn nhà hồi đầu năm nay, bà và con gái chợt nhớ ra hộp đàn nên đưa nó ra ngoài. "Cây đàn rất tuyệt nhưng tất cả các đây đều đứt. Do vậy chúng tôi đưa nó đến tiệm để thay dây mới. Lúc này tôi mới thấy dòng chữ Stradivarius bên trong. Ban đầu tôi cho rằng đây có thể là đàn nhái", bà kể lại.
Sau đó Thanh Tran và người chồng mới tham dự một buổi gây quỹ tại khách sạn ở New York vào tháng 6. Người chủ trì buổi tiệc xác nhận với họ rằng đó là đàn Stradivarius chính hiệu, nhưng họ cần phải thông báo với Cục Điều tra liên bang (FBI) về vụ việc.
Ban đầu Thanh lo sợ FBI sẽ bắt bà vì hiểu lầm bà đã lấy cắp cây đàn. Nhưng bà vẫn liên hệ với họ mà không tham vấn với luật sư. "Họ hỏi tôi rằng tôi sẵn sàng trả lại cây đàn không. Tôi nói chắc chắn như vậy vì nó không thuộc về tôi. Sau đó, họ đưa cho tôi một giấy biên nhận", bà Thanh kể.
FBI thông báo với bà rằng, người ta phát hiện Johnson gần hiện trường vụ trộm nên ông là đối tượng tình nghi duy nhất.
Sau khi nhớ lại tất cả sự việc, bà Thanh nêu lên một chi tiết đáng ngờ duy nhất: Johnson không bao giờ rời xa cây đàn quá lâu. "Ông ấy luôn mang theo cây đàn dù đi bất cứ đâu", bà nói.
Hồi giữa tháng 6/2011, một cây đàn Stradivarius trứ danh do nghệ nhân Antonio Stradivari chế tạo đã được bán với giá 15,9 triệu USD trong một phiên đấu giá nhằm gây quỹ hỗ trợ nạn nhân vụ thảm họa kép tại Nhật Bản.