Báo cáo do cơ quan nghiên cứu thị trường LookLook ở New York (Mỹ) công bố ngày 5/10 chỉ ra những người tiêu dùng giàu có ở xứ tỷ dân chủ yếu đến từ các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, Thành Đô và Thâm Quyến.
75% khách hàng của các thương hiệu cao cấp ở thị trường Trung Quốc là phụ nữ.
"Covid-19 thay đổi thói quen mua đồ hiệu ở mọi nơi, nhưng đặc biệt rõ nét ở Trung Quốc", bà Malinda Sanna, Giám đốc điều hành LookLook, nói với Sixth Tone.
Đa số khách nữ ở Trung Quốc chuộng ra nước ngoài mua hàng xa xỉ, hoặc thông qua các daigou. Ảnh: Financial Times. |
Theo công ty tư vấn Bain & Company năm 2020, đại dịch khiến thị trường hàng xa xỉ trên thế giới thu hẹp tới 23% trong hơn một thập kỷ tới.
Song, một vài thương hiệu vẫn báo cáo mức doanh thu tăng trưởng ở thị trường Trung Quốc vào mùa hè năm ngoái, khi người dân bị cấm du lịch nước ngoài.
Tuy nhiên, tới giữa năm 2021, con số này đã chậm lại, trùng khớp với sự suy giảm tổng thể của doanh số bán lẻ toàn quốc và thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng trưởng 7%.
"Việc tạm dừng chi tiêu này sẽ bị đảo ngược ngay khi nhóm siêu giàu và khá giả ở nước này được đi du lịch để mua sắm. Điều này có thể diễn ra rất sớm thôi", bà Sanna nói.
Đa số người tiêu dùng Trung Quốc chuộng mua sắm ở nước ngoài, dù là trực tiếp lựa chọn hay thông qua các daigou - người buôn hàng xách tay, chuyên bán lại sản phẩm ăn chênh lệch.
Báo cáo cũng ghi nhận xu hướng phổ biến của "Virtual Double" ở xứ tỷ dân, nơi người tiêu dùng có thể thuê hoặc mua các trang phục từ những thương hiệu cao cấp, hoặc thử đồ với hình thức trực tuyến.
"Tôi nghĩ xu hướng này có lẽ được dựa trên sự yêu thích của người dân với trò chơi điện tử. Tôi cũng cho rằng nước này sẽ đi đầu trong lĩnh vực thời trang ảo khi xu hướng này lan rộng trên toàn thế giới", bà Sanna nói.