Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ huynh kéo đến tố trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội thu phí rồi hoãn dạy

Trung tâm tiếng Anh Englishnow bị phản ánh nợ lương của nhân viên, giáo viên. Nhiều phụ huynh đóng chục triệu cho con nhưng việc học bị trì hoãn suốt nhiều tháng.

Sau một tháng chờ đợi, nhóm phụ huynh cùng những nhân viên bị nợ lương quyết định đến Egroup, công ty tổng của trung tâm Englishnow (Hà Nội), vào sáng 14/9 để yêu cầu ban lãnh đạo xử lý triệt để.

Trước đó, theo thông tin từ nhiều phụ huynh, trung tâm tiếng Anh Englishnow đã nhận tiền nhưng không tổ chức dạy học theo kế hoạch cho học viên. Nhiều tháng nay, việc học của trẻ bị đình trệ, không có giáo viên đứng lớp. Trung tâm này cũng không thông báo để nói rõ vấn đề với phụ huynh và các học viên.

Một số người là cựu nhân viên của trung tâm này cũng nói rằng khoảng 200 nhân viên bị nợ lương. Dù đã nhiều lần phản ánh và biểu tình đòi lương, nhiều người vẫn chưa nhận được tiền.

Zing nhiều lần liên hệ với phía trung tâm nhưng không nhận được phản hồi về vụ việc. Sáng 12/8, phóng viên Zing đến hội sở của Englishnow tại Lê Thanh Nghị nhưng không gặp được ban giám đốc.

Chiều 12/8, đại diện trung tâm Englishnow liên hệ với phóng viên, bày tỏ rằng họ sẽ giải quyết với phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, các phụ huynh phản hồi rằng thông qua số điện thoại phía trung tâm cung cấp, họ nhiều lần gọi điện để đòi hoàn học phí nhưng chỉ nhận được những lời hứa hẹn. Một phụ huynh đã đòi được tiền, các phụ huynh khác vẫn chưa được trung tâm giải quyết.

Englishnow no luong anh 1

Sáng 14/9, nhiều phụ huynh, nhân viên đến Egroup đòi tiền. Ảnh: Ngọc Bích.

Vào buổi sáng 14/9, có khoảng 40 nhân viên cũ của Englishnow cùng khoảng 20 phụ huynh có mặt ở trụ sở Egroup. Sau vài giờ đôi co, phụ huynh và nhân viên được mời vào phòng chờ để đợi ban lãnh đạo của trung tâm Englishnow đến làm việc. Trong lúc chờ, phụ huynh được yêu cầu điền thông tin vào danh sách, công ty hứa hẹn sẽ giải quyết và hoàn học phí.

Tiền học đóng đủ nhưng không có giáo viên dạy

Anh Tuấn Anh (phụ huynh tại Hà Nội) đăng ký cho con gái khóa học online trong 2 năm tại Englishnow với tổng học phí khoảng 54 triệu đồng. Do đăng ký cho con học trong thời gian dịch bệnh, anh chưa có dịp đến trực tiếp trung tâm để tìm hiểu về khóa học mà chỉ được tư vấn và làm thủ tục đăng ký học online.

Ban đầu, con gái anh Tuấn Anh được học thử miễn phí qua nền tảng trực tuyến. Nhận thấy việc học có hiệu quả, anh quyết định đăng ký cho con. Người cha đánh giá 6 tháng đầu việc học tiến triển khá tốt, con gái anh hình thành được thói quen tự học. Giáo viên cũng tương tác thường xuyên với phụ huynh. Thời gian đầu, anh Tuấn Anh đều nhận được email hàng tháng báo cáo tiến độ học tập của con gái, nhưng sau đó anh không nhận được thêm thông báo nào.

Englishnow no luong anh 2

Email xác nhận đăng ký học do trung tâm Englishnow gửi cho phụ huynh. Ảnh: NVCC.

3 tháng gần đây, việc học của con gái anh Tuấn Anh bị tạm ngừng do giáo viên nghỉ việc, trung tâm không sắp xếp giáo viên thay thế. Người cha nhiều lần liên hệ qua hotline nhưng không nhận được phản hồi. Trung tâm từng hứa hẹn sẽ cho trẻ chuyển sang học nhóm hoặc học trực tiếp, nhưng vẫn không sắp xếp. Trong khi đó, tiền học vẫn bị trừ do anh Tuấn Anh trả góp qua thẻ tín dụng.

“Ban quản lý đều đùn đẩy trách nhiệm không chịu giải quyết. Điều tôi bức xúc nhất là trung tâm lúc nào cũng hứa hẹn nhưng không thực hiện”, anh Tuấn Anh nói.

Chị Nguyễn Thu cũng gặp tình trạng tương tự anh Tuấn Anh. Được nhân viên của Englishnow gọi điện tư vấn và giới thiệu khóa học, chị cho con học thử 6 tháng đầu. Nhận thấy con có tiến triển tốt, chị đăng ký thêm khóa học 6 tháng cho con nhưng lại gặp vấn đề do giáo viên liên tục thông báo nghỉ việc, không còn ai đứng lớp.

Thời gian đầu, con chị Thu được hỗ trợ việc học khá sát sao. Mỗi tháng, trẻ được giao một bài nói và yêu cầu quay video để đánh giá. Cuối tuần, em được tham gia câu lạc bộ sách. Tuy nhiên, những hoạt động này bị cắt dần, hiện không còn hoạt động nào.

Mong muốn chữa mất gốc tiếng Anh cho con, chị Nguyễn Tâm đăng ký khóa học 2 năm với tổng chi phí 35 triệu đồng tại trung tâm này. Dù học online một thầy một trò, người mẹ nhận thấy việc học không hề hiệu quả. Việc học của bé thường xuyên gặp trục trặc do phải học qua ứng dụng, nhiều lần bé không tìm thấy bài tập của giáo viên giao.

Hồi đầu, chị Tâm được nhân viên trung tâm tư vấn về khóa học dạy theo chương trình chuẩn của Hàn Quốc, việc học thử cũng khá thuận lợi vì trẻ tiếp thu nhanh. Tuy nhiên, khi vào học chính thức, chị Tâm thất vọng vì kết quả không như mong đợi, việc học lại thường xuyên bị đình trệ do thiếu giáo viên.

Đỉnh điểm là trong tháng 7 vừa qua, con chị Tâm phải nghỉ học 4 buổi liên tiếp do giáo viên đổi giờ học, nhưng lại không sắp xếp được giờ học mới. Bất bình, chị tìm cách liên hệ với trung tâm và yêu cầu hoàn trả số học phí còn lại.

Tháng 11/2021, chị Thu Huyền bỏ hơn 30 triệu đồng để đăng ký khóa học 2 năm cho con tại Englishnow. Trong thời gian học, nhiều lần con chị Huyền được báo nghỉ đột xuất. Chị yêu cầu trung tâm gửi lịch điểm danh của con để nắm rõ về tiến độ học tập, nhưng trung tâm không gửi.

Khi đăng ký khóa học cho con, chị Huyền được trung tâm hứa hẹn sẽ gửi email báo cáo về kết quả, tình trạng học tập của trẻ. Nhiều tháng qua, chị vẫn chưa nhận được thông báo như lời trung tâm đã cam kết. Thời gian gần đây, Englishnow cũng không gửi cho phụ huynh lịch học hàng tuần.

Nói về việc học của con, chị Huyền buồn bã chia sẻ dù đã học được một thời gian, con vẫn không đạt được kết quả nổi bật so với các bạn học ở trung tâm khác. Thậm chí, do không có giáo viên giám sát, đốc thúc thường xuyên, con lại lười và không còn tinh thần tự giác học.

Nhân viên bị nợ lương nhiều tháng

V.H, cựu nhân viên của trung tâm Englishnow, cho biết cô bị trung tâm nợ lương từ tháng 4/2022. Cuối tháng 8 vừa qua, cô xin nghỉ việc và vẫn chưa nhận được lương. Bảo hiểm xã hội cũng không được công ty đóng theo quy định.

Không riêng V.H, gần 200 nhân sự khác tại trung tâm tiếng Anh này cũng rơi vào tình trạng tương tự. Một số người bị nợ lương và đã nghỉ việc gần một năm nhưng vẫn chưa được công ty chốt sổ bảo hiểm.

Nhiều giáo viên cũng không chịu được cảnh nợ lương, thiếu tiền trang trải cho cuộc sống nên quyết định nghỉ việc. Thiếu giáo viên dạy học, không có nhân viên phụ trách, trẻ không được học theo đúng lịch ban đầu trung tâm sắp xếp.

V.H thông tin thêm, vào tháng 5/2022, nhân viên trung tâm Englishnow đồng loạt đấu tranh đòi lương. Tại đây, các nhân viên đối chất trực tiếp với ban giám đốc và yêu cầu trung tâm xử lý triệt để vấn đề này. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1/3 nhân viên được trả tiền, số còn lại vẫn bị nợ trên 3 tháng lương và không được đóng bảo hiểm.

"Những nhân viên như mình chỉ trực chờ để khởi kiện vì đòi tiền lương mãi không được. Bản thân mình cũng thấy ngại với các phụ huynh vì họ tin tưởng cho con em đến học nhưng trung tâm lại không làm tròn trách nhiệm", H. nói.

Anh N.T.H., trưởng phòng Công nghệ thông tin của trung tâm Englishnow, làm việc từ năm 2019 đến hết tháng 8/2022. Anh cho biết công ty bắt đầu nợ lương từ đợt dịch Covid-19 bùng phát năm 2021. Nhân viên không được trả lương đủ mà chỉ nhận "lắt nhắt" nửa lương hoặc vài triệu đồng.

Anh nhiều lần gửi mail đòi tiền nhưng chỉ đòi được 1 tháng lương. Đến nay, trung tâm vẫn nợ anh H. hơn 4 tháng lương, kèm theo những khoản phí phát sinh trong công việc, ước tính là hơn 100 triệu đồng.

Bị nợ 4 tháng lương khiến anh H. không đủ tiền để chi trả cho cuộc sống. Nhà có hai con nhỏ đang ở tuổi đi học, mọi chi phí sinh hoạt, tiền học của các con buộc phải để vợ anh gánh vác.

Đầu tháng 9, anh H. bàn giao công việc để nghỉ. Nhưng từ 1/9 đến 15/9, anh vẫn tiếp tục hỗ trợ người tiếp nhận để bàn giao nốt trước khi nghỉ hẳn. Là một trong những người làm việc từ những ngày trung tâm mới thành lập, anh H. cảm thấy tiếc nuối vì công sức, tâm huyết bản thân đặt ra đã bị phá bỏ hoàn toàn.

Cùng nhiều đồng nghiệp khác đến Egroup vào sáng 14/9 để yêu cầu giải quyết vấn đề nợ lương, anh H. cũng kỳ vọng công ty sẽ có cam kết, lộ trình cụ thể để xử lý việc này.

Anh H. nói với Zing nếu công ty chỉ hứa hẹn mà không làm, anh sẽ nhờ cơ quan chức năng vào cuộc để bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Bộ GD&ĐT vào cuộc việc thiếu sách giáo khoa

Học sinh vào học chính thức đã được 2 tuần, nhưng sách giáo khoa (SGK) vẫn thiếu. Bộ GD&ĐT tiếp tục làm việc với các nhà xuất bản.

Thái An - Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm