Chiều 29/5, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức giao ban báo chí. Nhiều nhà báo phản ánh tình trạng các phóng viên trẻ gặp khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Lãnh đạo một số Sở, ngành đưa ra các lý do để từ chối cung cấp thông tin.
Các phóng viên tác nghiệp tại hiện trường ở Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Một phóng viên đưa ra dẫn chứng, mới đây anh được tòa soạn yêu cầu tìm hiểu về tình trạng ô nhiễm môi trường ở thành phố. Sau khi đi thực tế, phóng viên liên hệ với ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cáo bận và yêu cầu phóng viên gửi câu hỏi qua email.
"Tôi gửi câu hỏi đã 2 tháng, nhưng vẫn không được Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường hồi âm", phóng viên nói.
Phóng viên của một tờ báo điện tử khác cũng cho biết đã gửi câu hỏi phỏng vấn ông Nam từ 2 năm trước, đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, thừa nhận có một số lãnh đạo chưa ý thức được quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí. Thậm chí, có lãnh đạo cố tình né tránh khi các phóng viên liên hệ, đề nghị cung cấp thông tin.
Bà Phượng dẫn chứng vừa qua, báo chí tập trung phản ánh về tình trạng bạo hành trẻ ở cơ sở Mẹ Mười (quận Thanh Khê) và 40 công chức xin nghỉ việc.
Để dư luận hiểu đúng vấn đề, Sở đã tổ chức buổi gặp cung cấp thông tin cho báo chí. Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông đã liên hệ với Chủ tịch UBND quận Thanh Khê (là người phát ngôn) nhưng không nhận được sự phối hợp.
"Tại buổi gặp mặt báo chí chiều 25/5, ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó chủ tịch UBND quận Thanh Khê, tham gia trao đổi thông tin là không đúng với vai trò người phát ngôn", bà Phượng nói và cho hay hậu quả là sau đó quận này đã phải ra một văn bản đính chính vì những thông tin ông Xuân phát biểu chưa đúng.
Bà Phương đề nghị lãnh đạo các Sở, ngành và quận huyện phải nghiêm túc thực hiện các quy định của luật Báo chí, Nghị định 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước.