Chiều 9/8, nhiều tài xế cho rằng vé sử dụng dịch vụ đường bộ tại BOT Tiền Giang không hợp lý khi so với cao tốc Trung Lương - TP.HCM nên họ dùng tiền lẻ mua vé qua trạm gây ách tắc giao thông qua khu vực nhiều giờ.
Trạm thu phí Cai Lậy, nơi phóng viên bị ném đá. Ảnh: Tùng Tin. |
Lúc này, phóng viên Phạm Hữu, báo Thanh Niên có mặt quay phim, chụp hình dòng xe xếp hàng dài cả hai chiều từ Mỹ Thuận về Trung Lương. Bất ngờ, từ trong đám đông, một người đã dùng đá ném về phía nam phóng viên khiến anh bị trầy xước, sưng vùng đầu.
Anh Phạm Hữu cho biết do đang tập trung tác nghiệp nên không biết người ném đá mình là ai. Tuy nhiên, sau khi anh bị ném đá, một người đàn ông mặc áo sơ mi ,quần tây vội vàng rời đi. Nhiều người dân cho biết tận mắt chứng kiến người này cầm đá ném về phía nam phóng viên.
Trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ Cai Lậy (BOT Cai Lậy) chính thức hoạt động từ ngày 1/8. Trạm đặt tại xã Bình Phú, huyện Cai Lậy (Tiền Giang).
Sau gần 10 ngày BOT thu phí qua trạm Cai Lậy, nhiều tài xế và doanh nghiệp vận tải phản ánh rằng phí nơi này cao hơn khi so với tuyến cao tốc Trung Lương - TP.HCM. Theo các tài xế, trạm đặt trên quốc lộ 1 nên xe đi đường tránh hay vào thị xã Cai Lậy đều phải qua trạm.
Cho rằng phí qua trạm hơi cao, nhiều tài xế đã dùng tiền lẻ để mua vé. Ảnh: Tùng Tin. |
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang, cho biết mức phí thấp nhất cho mỗi lượt ôtô qua trạm là 35.000 đồng (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại vận tải khách công cộng) và cao nhất 180.000 đồng (xe tải trên 18 tấn, container trên 40 feet).
Theo người đứng đầu ngành GTVT Tiền Giang, đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM dài 40 km, vận tốc cho phép 120 km/h nhưng giá vé thấp nhất là 40.000 đồng.
Trong khi đó, Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (BOT Tiền Giang) thực hiện dự án làm mới đường tránh Cai Lậy 12 km và tăng cường mặt đường quốc lộ 1 dài hơn 26 km (từ xã Mỹ Quý, thị xã Cai Lậy đến xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè) nhưng bán vé thấp nhất 35.000 đồng là "hơi cao".