Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh chỉ đạo của Chính phủ "dịch xảy ra ở đâu thì khoanh vùng, giãn cách ở khu vực đó". Kèm với đó, quán triệt tinh thần không tập trung đông người.
“Nếu phong tỏa diện rộng thì không ổn vì sẽ gây hệ lụy xã hội ngay”, ông Sơn chia sẻ với Zing sau khi có nhiều ý kiến cho rằng nên phong tỏa toàn tỉnh Bắc Giang trước diễn biến dịch phức tạp với việc ghi nhận 444 ca mắc Covid-19, cao kỷ lục ở Việt Nam hôm 25/5. Đây cũng là địa phương có tổng số ca nhiễm lớn nhất với 1.454 ca.
Bắc Giang đang giãn cách xã hội 28 xã, phường, thị trấn, 17 thôn, tổ dân phố; cách ly xã hội 4 huyện; giãn cách xã hội TP Bắc Giang, trong đó xã Song Khê thực hiện cách ly xã hội. Ảnh: Quốc Nam. |
Với lo ngại dịch ở Bắc Giang sẽ lây lan, ảnh hưởng đến những địa phương lân cận, người phát ngôn Chính phủ khẳng định các ca nhiễm mới đều trong diện cách ly và nằm trong tầm kiểm soát nên không lo dịch sẽ phát tán ra những nơi khác.
Về việc áp dụng giải pháp cách ly xã hội ở Bắc Giang, dù chưa có quyết định cách ly xã hội toàn tỉnh, người phát ngôn Chính phủ cho rằng nhiều nơi trên địa bàn tỉnh khi có dịch cũng đã được giãn cách, cách ly theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng. Thậm chí, dịch được phát hiện trong khu công nghiệp trên địa bàn huyện thì cả huyện cũng đã phải cách ly xã hội theo tinh thần “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Tính đến 23/5, toàn tỉnh Bắc Giang đã cách ly y tế 141 thôn, tổ dân phố; giãn cách xã hội 28 xã, phường, thị trấn, 17 thôn, tổ dân phố; cách ly xã hội 4 huyện; giãn cách xã hội TP Bắc Giang, trong đó xã Song Khê thực hiện cách ly xã hội.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn khẳng định địa phương sẽ căn cứ tình hình thực tế để đưa ra quyết định phù hợp vì tỉnh Bắc Giang có ban chỉ đạo để nghiên cứu, dự báo và đánh giá tình hình. Nếu cách ly toàn tỉnh, địa phương sẽ báo cáo Chính phủ.
Hơn nữa, việc cách ly hay phong tỏa toàn tỉnh cần phải được tính toán kỹ lưỡng vì sẽ gây nhiều tác động, nhất là tình hình lưu thông và giao thương hàng hóa. Theo ông Sơn, nếu Bắc Giang phong tỏa thì không thể tiêu thụ nông sản cho người dân, đó là vấn đề lớn cần được tính tới.
Quan điểm của ông là khoanh vùng thật chặt ở những nơi có dịch, còn ở vùng an toàn vẫn phải đảm bảo các điều kiện để không ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân và việc phát triển kinh tế, xã hội.
Trong cuộc họp với Bộ Công Thương trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020). Thời gian thu hoạch vải dự kiến với vải chín sớm sẽ tập trung thu hoạch rộ 20/5-10/6; vải chính vụ sẽ thu hoạch rộ từ 10/6-20/7.
Bắc Giang mong Bộ Công Thương kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chính thức với các tỉnh, thành phố về việc tạo điều kiện cho nông sản Bắc Giang được lưu thông, tiêu thụ khi bảo đảm các điều kiện an toàn dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng khẳng định quan điểm: “Tiêu thụ vải thiều Bắc Giang hay Hải Dương, hỗ trợ bà con nông dân, luôn luôn là ưu tiên số một của Bộ Công Thương”.
Ông cho biết Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với địa phương để bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm cho nông dân.