Chiều 19/6, UBND TP.HCM có văn bản khẩn về việc thiết lập vùng phong tỏa để tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại quận Bình Tân.
Theo đó, kể từ 0h ngày 20/6, thành phố thiết lập vùng phong tỏa đối với các khu phố 2, 3, 4 thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân, trong 14 ngày.
UBND quận Bình Tân chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan đảm bảo công tác phòng, chống dịch; đảm bảo an ninh trật tự, tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường, tuyến hẻm ra, vào các khu vực thực hiện phong tỏa; đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân tại khu vực phong tỏa.
Trước đó, ngày 18/6, Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt có tờ trình kiến nghị UBND TP xem xét, chấp thuận việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với khu phố nói trên.
Theo báo cáo, trong thời gian qua, địa bàn 3 khu phố xuất hiện 127 ca bệnh. Ngoài ra, phường có 26 ca bệnh liên quan đến địa bàn khác và có thể có những ca bệnh chưa phát hiện.
Tổng diện tích 3 khu vực này là 171 ha với gần 56.000 dân, 306 doanh nghiệp.
Khu vực có 4 đơn vị hành chính bị ảnh hưởng là Văn phòng Tiếp công dân của Trung ương Đảng, Tòa án nhân dân quận, Viện kiểm sát nhân dân quận, Chi cục Thi hành án dân sự quận.
Riêng UBND phường An Lạc sẽ bố trí một hướng di chuyển để cán bộ, công chức đến trụ sở và đi thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn.
Về biện pháp, UBND quận dự kiến tổ chức 22 chốt chặn tại các tuyến đường, hẻm. Mỗi chốt 3 người/ca. Tổng lực lượng tham gia là 198 người/ngày.
Đường Hồ Học Lãm, đoạn từ Kinh Dương Vương đến Võ Văn Kiệt sẽ được chốt chặn, cách ly. Riêng tuyến đường Kinh Dương Vương, Võ Văn Kiệt vẫn cho lưu thông nhưng không được dừng, đỗ.
TP.HCM trong tình trạng vắng vẻ kể từ khi giãn cách xã hội. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM ghi nhận hơn 1.300 ca mắc mới, cao thứ 3 cả nước, sau hai ổ dịch khu công nghiệp là Bắc Giang và Bắc Ninh. Sau khi kiểm soát được ổ dịch liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, gần đây, các ca mắc mới đều là người tiếp xúc của những chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây.
Sáng 19/6, TP.HCM bước vào đợt tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất lịch sử. Trong chiến dịch này, gần một triệu người thuộc nhóm ưu tiên tại TP.HCM được tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca.