Với thái độ ngày càng đa dạng về vấn đề giới tính và nỗ lực kiềm chế tội phạm tình dục, việc nam và nữ sinh tiểu học thay quần áo trong một phòng đang thu hút nhiều ý kiến thảo luận, theo Mainichi.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản đã ra thông báo yêu cầu các hội đồng giáo dục trên toàn quốc thực hiện "biện pháp phù hợp theo sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ em để tránh gây ra sự lúng túng, hoang mang cho các học sinh".
Còn theo Ủy ban giáo dục thành phố Takamatsu, học sinh các khối trên đã được chia phòng thay đồ theo giới tính, nhưng tại hầu hết trường tiểu học, nam sinh và nữ sinh vẫn thay đồ cùng nhau. Nguyên nhân là các lớp học bơi không có đủ phòng thay đồ cho hai lớp cùng một lúc.
Học sinh thay đồ, tham gia lớp học bơi ở trường tiểu học Nhật Bản. Ảnh: Chunichi Shimbun. |
Phụ huynh 37 tuổi của một nữ sinh lớp 2 phàn nàn: "Mỗi đứa trẻ và gia đình có suy nghĩ khác nhau, nhưng tôi muốn các lớp học ít nhất phải được ngăn cách bằng rèm".
Người này nói thêm vào năm ngoái, khi con gái cô đang thay quần áo tập thể dục, một cậu bé ngồi bên cạnh đã chế nhạo nội y của cô bé. Nữ sinh sau đó nói với mẹ rằng không muốn thay đồ chung nữa. Mặc dù phụ huynh đã nhiều lần đưa ý kiến lên nhà trường, vấn đề vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng.
Trong một phiên chất vấn chung tại hội đồng thành phố vào ngày 18/6, Yasuo Fujimoto, giám đốc giáo dục của Takamatsu, đã được hỏi về ưu, nhược điểm của việc cả nam và nữ sinh thay đồ chung phòng.
"Chúng ta phải tôn trọng quyền riêng tư của trẻ em. Tuy vậy, chúng tôi tin rằng các học sinh nhỏ tuổi vẫn chưa đạt đến giai đoạn nhận thức về điều này, bởi vì các em sẽ luôn cảm thấy an toàn khi ở cùng mọi người trong lớp bất kể nam hay nữ", ông Fujimoto nói.
Tuy nhiên, Mizuho Fukui (36 tuổi), phó chủ tịch của Dự án Ashita, nhóm cung cấp dịch vụ tư vấn cho LGBT và các nhóm giới tính thiểu số khác, chỉ ra rằng ngay từ những năm đầu, các em đã có nhận thức nhất định về giới tính. Cảm giác xấu hổ khi ai đó nhìn cơ thể của bạn không phụ thuộc vào việc bạn là nam hay nữ.
Tháng 4, bộ giáo dục đã kêu gọi hội đồng của các tỉnh thúc đẩy "giáo dục vì sự an toàn" như một cách để ngăn chặn tội phạm và bạo lực tình dục đối với trẻ em. Tài liệu giảng dạy còn nêu rõ: "Không để người khác nhìn thấy hoặc chạm vào bộ phận riêng tư của bạn (những bộ phận được che chắn bởi đồ bơi)".
Makiko Sento, người đứng đầu mạng lưới an toàn trẻ em Kagawa, hoạt động nhằm ngăn chặn tội phạm tình dục, cho biết: "Chúng ta nên tôn trọng mong muốn của trẻ em về việc cơ thể không bị nhìn thấy. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là các trường phải lắng nghe nguyện vọng của trẻ, đối thoại với người giám hộ và giải quyết các tình huống trong phạm vi có thể".