Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phong cách đối lập của hai biệt phủ hàng đầu Việt Nam

Tọa lạc trên khu đất hàng nghìn m2, Việt Phủ Thành Chương và biệt phủ của đại gia xứ Nghệ đều khiến người xem trầm trồ trước mức độ đầu tư công sức cũng như tiền bạc của gia chủ.

Biệt phủ 8.000 m2 của họa sĩ Thành Chương

Nhiều năm qua, Việt Phủ Thành Chương (nằm tại địa bàn xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) được coi như bảo tàng tư nhân với phong cách kiến trúc độc đáo, đậm nét văn hoá dân gian Việt.

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km theo hướng quốc lộ 2, Việt Phủ Thành Chương được xây dựng trên diện tích 8.000 m2 vào năm 2001 và hoàn thành năm 2004. 

Biệt phủ được đánh giá
Tờ Telegraph chọn Việt Phủ Thành Chương là điểm đến thú vị nhất Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà.

Ý tưởng ban đầu của họa sĩ Thành Chương là tạo dựng không gian văn hóa, nghệ thuật, tâm linh thuần Việt dành riêng cho cá nhân và gia đình. Nhưng sự hấp dẫn của một mô hình bảo tàng ngoài trời đã thu hút hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến đây mỗi năm.

Tại đây, họa sĩ Thành Chương tái hiện được một không gian nhà sàn, nhà Tường Vân, nhà tranh vách đất, hồ sen, hồ sung, cùng những hàng cây cổ thụ rợp bóng. Ngay lối vào Phủ bên phải là một hồ nước, vắt ngang là chiếc cầu đá 500 năm tuổi. Giữa hồ là nhà hát, nơi biểu diễn múa rối nước – loại hình nghệ thuật dân gian Việt Nam. 

Nhà Tường Vân (5 tầng) là gian nhà cổ thời Nguyễn, tiêu biểu cho ngôi nhà của tầng lớp thượng lưu. Ngôi nhà không chỉ thể hiện địa vị xã hội mà còn cho thấy khả năng cảm thụ nghệ thuật của gia chủ.
Nhà Tường Vân (5 tầng) trong Việt Phủ, tiêu biểu cho nhà của tầng lớp thượng lưu thời Nguyễn. Công trình không chỉ thể hiện địa vị xã hội mà còn cho thấy khả năng cảm thụ nghệ thuật của gia chủ. Ảnh: Anh Tuấn.

Tại mỗi điểm dừng chân, du khách được chiêm ngưỡng bộ sưu tập cổ vật độc đáo, quý giá và những tác phẩm sơn mài của gia chủ - một họa sĩ hàng đầu của hội họa dân gian hiện đại Việt Nam.

Được nhiều tạp chí du lịch, văn hóa danh tiếng đánh giá cao, thành công của họa sĩ Thành Chương là đã tạo dựng lên một quần thể các công trình kiến trúc đậm chất truyền thống của người Việt. 

Biệt phủ xây bằng 2.000 m3 gỗ quý rộng 4.000 m2

Sau biệt phủ Thành Chương, biệt phủ rộng 4.000 m2 của ông Lê Đình Cường tọa lạc tại xã Nghi Phú, TP Vinh, Nghệ An cũng được coi là công trình kiến trúc đặc biệt. 

Khu nhà được xây dựng trong 5 năm (bắt đầu từ năm 2004) với khoảng 2.000 m3 gỗ quý như đinh hương, giáng hương cẩm lai...

Đại gia xứ Nghệ đã tuyển 50 thợ giỏi từ Bắc Ninh sang Trung Quốc tham quan, học hỏi để về xây dựng công trình.  Ảnh: Lê Hiếu - Mạnh Thắng.
Đại gia xứ Nghệ đã tuyển 50 thợ giỏi từ Bắc Ninh sang Trung Quốc tham quan, học hỏi để về xây dựng công trình. Ảnh: Lê Hiếu - Mạnh Thắng.

Toàn bộ khuôn viên gồm có 4 nhà, lầu bát giác và một hầm rượu. Riêng nhà khách được xây dựng trên 400 m2 đất, nền móng cao 2,8 m với 46 cột gỗ có đường kính hơn 1 m. Nhà dựng theo phong cách cổ 100% bằng gỗ, lợp ngói, chia thành 5 gian, 2 chái.

Giá trị của biệt phủ được ước tính lên tới 200 tỷ đồng. Riêng phần tường bao cũng tiêu tốn 2 tỷ đồng khi xây dựng công phu, ốp tới 5 loại đá. Đỉnh tường bao lợp bằng ngói vảy tráng men lượn sóng như con rồng. 

Mọi chi tiết trang trí trong nhà được rất nhiều thợ thủ công tay nghề cao chạm trổ công phu và tốn nhiều thời gian. Nội thất của biệt phủ đều được làm từ gỗ quý. 

Đặc biệt, nhiều vật dụng được làm từ gỗ nguyên khối như tấm phản rộng 3 m. Nhiều bức tranh trạm trổ băng gỗ nguyên khối mô phỏng nhiều khung cảnh trong tích truyện cổ. Toàn bộ tủ, kệ, sập được khảm trai. Ngoài ra, hầu hết xà ngang, bậc cửa đều có các họa tiết, từ "long, ly, quy, phụng" tới "tùng, cúc, trúc, mai" hay đủ loại chim thú, hoa lá cỏ cây.

Bên trong biệt phủ của đại gia xứ Nghệ. Ảnh: Lê Hiếu - Mạnh Thắng.
Bên trong biệt phủ của đại gia xứ Nghệ. Ảnh: Lê Hiếu - Mạnh Thắng.

Nếu như Việt Phủ Thành Chương được ghi dấu bởi kiến trúc đậm phong cách Việt thì biệt phủ của đại gia xứ Nghệ lại mang dấu ấn của kiến trúc Trung Hoa. Trước khi xây dựng, ông Lê Đình Cường đã tuyển 50 thợ giỏi từ Bắc Ninh sang Trung Quốc tham quan, học hỏi để về xây dựng công trình của mình.

Trong khi Việt Phủ Thành Chương đựơc coi là địa điểm thu hút du khách thì công trình của đại gia xứ Nghệ luôn kín cổng cao tường. Chủ nhân của biệt phủ là ông Lê Đình Cường cũng rất ít khi về nước vì kinh doanh gỗ ở nước ngoài.

Trao đổi với báo chí, họa sĩ Thành Chương cho biết: "Nếu có một cơ quan, một tổ chức nào đó có thể giữ gìn được Việt Phủ, phát triển, tôi sẵn sàng hiến tặng nó. Để họ có thể tiếp tục câu chuyện mà tôi đã bắt đầu".

Còn đại gia Lê Đình Cường chia sẻ, ông xây nhà chỉ cốt để ở, sau này làm của hồi môn cho con gái, chỉ đơn giản xây lúc nào xong và vừa ý thì thôi.

Biệt phủ xây bằng 2.000 m3 gỗ quý của đại gia xứ Nghệ

Khu nhà 4.000 m2 của một đại gia xứ Nghệ được xây dựng cầu kỳ trong 5 năm với vật liệu chính là nhiều loại gỗ quý như đinh hương, cẩm lai.

Khánh An

Bạn có thể quan tâm