Mô hình thị trường răng cưa trong tháng 12 khiến các nhà đầu tư bắt đầu lo ngại. "Bởi chúng cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ hồi tháng 11 có thể đã đi quá xa và quá nhanh", Bloomberg nhận định.
Phố Wall mở đầu tuần này với sự sụt giảm của một số cổ phiếu và trái phiếu. Giới quan sát cho rằng thị trường có thể đã quá hưng phấn trong thời gian qua, trước những tín hiệu cho thấy Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong năm sau.
Các thị trường đang điều chỉnh khi bước sang tháng 12. Ảnh: Bloomberg. |
Quay đầu sụt giảm
"Trực giác của tôi mách bảo rằng thị trường đang đặt cược vào khả năng cắt giảm lãi suất nhiều hơn mức cần thiết, nếu xét đến những dữ liệu kinh tế của Mỹ ở thời điểm hiện tại", Bloomberg dẫn lời bà Amy Xie Patrick, Trưởng bộ phận Chiến lược thu nhập tại Pendal Group (Sydney), bình luận.
Khi thị trường điều chỉnh giảm, nỗi sợ lại bắt đầu bùng lên. Bởi nhà đầu tư đã đặt cược mạnh tay vào việc tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chậm lại, và ngân hàng trung ương có thể dừng chính sách siết chặt tiền tệ đã kéo dài nhiều tháng qua.
Trực giác của tôi mách bảo rằng thị trường đang đặt cược vào khả năng cắt giảm lãi suất nhiều hơn mức cần thiết, nếu xét đến những dữ liệu kinh tế của Mỹ ở thời điểm hiện tại.
Bà Amy Xie Patrick, Trưởng bộ phận Chiến lược thu nhập tại Pendal Group (Sydney)
Các ván cược hiện tại của thị trường thậm chí còn phản tác dụng, nếu cơ quan hoạch định chính sách của Fed chọn giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn.
Theo dữ liệu của CME Group, thị trường đang định giá khả năng Fed giữ nguyên lãi suất 5,25-5,5% trong cuộc họp tháng 12 lên tới 97,7%. Và 12,1% nhà đầu tư cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm ngay từ cuộc họp tháng 1 năm sau.
Đến cuộc họp tháng 3 năm sau, nhà đầu tư định giá khả năng lãi suất giảm xuống vùng 5-5,25% là 52%; khả năng giảm về 4,75-5% là 6,5%.
Đa số nhà đầu tư tin rằng đến cuộc họp tháng 5/2024, Fed đã cắt giảm lãi suất từ 0,5 đến 1,5 điểm phần trăm.
Kể từ tháng 3 năm ngoái đến nay, Fed đã tăng lãi suất điều hành tổng cộng 5,25 điểm cơ bản. Những đợt tăng lãi suất mạnh tay của ngân hàng trung ương Mỹ đè nặng lên các thị trường tài chính.
Một số rủi ro
Các tín hiệu cho thấy Fed có thể nới lỏng chính sách tiền tệ đang khiến Phố Wall cực kỳ lạc quan. Mức tăng 9,1% của chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI thậm chí tương đương tốc độ hồi năm 2020. Thời điểm đó, các ngân hàng trung ương đã tung ra một loạt biện pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch.
Tuy nhiên, điều này có thể đẩy thị trường vào tình trạng quá mua về mặt kỹ thuật, dẫn đến những đợt điều chỉnh mạnh trong thời gian tới.
Trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần, chỉ số S&P 500 đã lao dốc từ mức cao nhất kể từ tháng 3/2022. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq 100 thiên về công nghệ ghi nhận mức giảm 1% trong bối cảnh các công ty vốn hoá lớn đều giảm điểm. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm của Mỹ giảm 1 điểm cơ bản vào thứ Ba, sau khi tăng 10 điểm cơ bản trong ngày trước đó.
"Rủi ro ngắn hạn lớn nhất đối với thị trường có thể chỉ đơn giản là sau chuỗi tăng giá kéo dài một tháng, một đợt điều chỉnh giảm sẽ là điều cần thiết", Bloomberg dẫn lời chuyên gia Jason Draho tại UBS Global Wealth Management nhận xét. Ông cho rằng rất nhiều thông tin tích cực đã được thể hiện trong thị giá.
Một loạt báo cáo việc làm quan trọng sẽ được công bố trong vài ngày tới. Các nhà đầu tư có thể dựa vào những dữ liệu này để phán đoán các bước đi tiếp theo của Fed. Những con số này cũng sẽ tác động tới thị trường.
Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...