Sáng nay (23/4), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Vietinbank đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 để thông qua các kế hoạch kinh doanh năm nay.
Đại hội lần này của ngân hàng cũng sẽ bầu ra HĐQT và Ban kiểm soát mới cho nhiệm kỳ 2019-2024.
Danh sách các ứng viên tham gia HĐQT và BKS cũng được ngân hàng công bố vào sáng nay.
Theo đó, HĐQT Vietinbank dự kiến sẽ có 8 thành viên bao gồm các ông Lê Đức Thọ, Trần Minh Bình, Trần Văn Tần, Nguyễn Thế Huân, Hiroshi Yamaguchi, Hideaki Takase và hai nữ thành viên là bà Trần Thu Huyền, Phạm Thị Thanh Hoài.
Như vậy, danh sách thành viên nhiệm kỳ mới của Vietinbank không còn xuất hiện ông Phùng Khắc Kế, thành viên HĐQT độc lập và ông Cát Quang Dương, người đại diện 30% vốn của nhà nước tại Vietinbank.
Ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN. |
Đáng chú ý, danh sách ứng cử mới lần này xuất hiện ông Trần Văn Tần, người hiện là Phó vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước. Với việc ông Cát Quang Dương không có tên trong danh sách thành viên HĐQT thay vào đó là ông Tần, nhiều khả năng ông Tần sẽ là người thay thế đại diện cho 30% vốn góp của nhà nước tại Vietinbank.
Ngoài ra, bà Phạm Thị Thanh Hoài cũng là cái tên mới tham gia. Hiện bà đang là Trưởng phòng khách hàng FDI và nguồn vốn quốc tế, Khối khách hàng doanh nghiệp tại Vietinbank.
Trong khi đó, danh sách ứng cử BKS ngân hàng nhiệm kỳ này gồm 3 thành viên là bà Lê Anh Hà, Phó giám đốc Khối quản lý rủi ro kiêm Trưởng phòng Kiểm tra kiểm soát nội bộ; bà Nguyễn Thị Anh Thư, Trưởng phòng Kiểm toán nội bộ; và ông Nguyễn Mạnh Toàn, Trưởng phòng pháp chế, Khối pháp chế và tuân thủ.
Ngoài việc bầu ra HĐQT nhiệm kỳ mới, đại hội lần này của Vietinbank cũng sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2018.
Theo tờ trình mới nhất, Vietinbank dự kiến đưa ra 2 phương án phân chia lợi nhuận bao gồm chia cổ tức năm 2018 toàn bộ bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,03% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ nhận thêm 80,3 cổ phiếu mới). Với kế hoạch này, Vietinbank dự kiến giữ lại được 2.990 tỷ đồng lợi nhuận để bù đắp vào nguồn vốn. Phương án hai là ngân hàng xin giữ lại toàn bộ lợi nhuận gần 2.997 tỷ để tăng vốn điều lệ.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trước đó, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là phương án tốt nhất với Vietinbank hiện nay để tăng vốn.
Trong bối cảnh tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại ngân hàng đã xuống mức tối thiểu (65%), Vietinbank không thể phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông để tăng vốn. Trong khi kế hoạch phát hành cổ phiếu cho toàn bộ cổ đông hiện hữu lại chưa được NHNN thông qua.
Nếu được phép chia cổ tức bằng cổ phiếu, Vietinbank sẽ được chuyển một phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thành vốn điều lệ, điều này sẽ giải quyết một phần bài toán cân đối tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của nhà băng thời gian qua.
Hiện tại, vốn điều lệ của Vietinbank ở mức 37.234 tỷ đồng. Từng là ngân hàng thương mại có vốn điều lệ cao nhất hệ thống nhưng suốt từ năm 2013 đến nay, số vốn này của Vietinbank vẫn giữ nguyên.
Quý IV/2018 vừa qua, do không thể tăng được vốn nên Vietinbank đã buộc phải cắt giảm 26.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR). Đây là nguyên nhân chính khiến ngân hàng ghi nhận khoản lỗ ròng trong quý đó, đồng thời lợi nhuận trước thuế cả năm sụt giảm 25%.
Năm 2019 này, ban lãnh đạo Vietinbank kế hoạch thu về 9.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, trong đó, lợi nhuận riêng ngân hàng mẹ tối thiểu đạt 9.000 tỷ.
Tuy nhiên, kế hoạch này chỉ được thực hiện khi Vietinbank được phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận của năm 2017 và 2018 để bổ sung nguồn vốn.