Tài khoản Twitter của Phó tổng thống Ấn Độ Venkaiah N Nikol đã đăng những hình ảnh về chuyến thăm của ông tới Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Hải quân. Những hình ảnh đã vô tình tiết lộ thông tin về chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ mới của New Delhi, Forbes cho biết.
Các mô hình tên lửa, tàu ngầm và phương tiện không người lái dưới nước đã cung cấp manh mối đầu tiên về tàu ngầm hạt nhân chiến lược S-5 của Ấn Độ.
Vụ rò rỉ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh nhấn mạnh Ấn Độ sẽ tiếp tục duy trì học thuyết không sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên.
Tàu ngầm mới có thể đại diện cho bước nhảy vọt về khả năng răn đe hạt nhân trên biển của New Delhi. Hải quân Ấn Độ cùng với Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc là những quốc gia sở hữu tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN).
Mô hình tàu ngầm hạt nhân chiến lược S-5 (bên trái) bị rò rỉ trong chuyến thăm của Phó tổng thống Ấn Độ. Ảnh: Twitter Phó tổng thống Ấn Độ. |
Chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Ấn Độ tuy chậm, nhưng đang có dấu hiệu tiến triển tốt. Trọng tâm sắp tới của New Delhi là phát triển hạm đội tàu ngầm SSBN. Có nguồn tin nói rằng 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân sẽ được chế tạo để bảo vệ hạm đội tàu ngầm SSBN.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược S-5 sẽ phối hợp cùng với tàu ngầm hạt nhân INS Arihant, tàu ngầm hạt nhân chiến lược đầu tiên của Ấn Độ. S-5 có thể đi vào hoạt động cuối năm 2020, sau khi 4 tàu ngầm hạt nhân lớp Arihant được chế tạo.
Điểm mới đối với S-5 là nó có thể mang theo 12 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Trong khi tàu ngầm lớp Arihant chỉ có thể mang theo 4 tên lửa. 12 tên lửa vẫn là con số khiêm tốn so với tàu ngầm SSBN của Mỹ và Nga, nhưng tương đương với SSBN của Trung Quốc và Anh.
Khi tàu ngầm hạt nhân S-5 đi vào hoạt động, nó sẽ tăng cường đáng kể khả năng răn đe hạt nhân của Ấn Độ chống lại các đối thủ như Pakistan và Trung Quốc. Dự án SSBN S-5 được cho là cơ sở để New Delhi bắt kịp các cường quốc tàu ngầm hạt nhân trên thế giới.