Sáng 26/6, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã trực tiếp thị sát tình hình, chỉ đạo khắc phục hậu quả tại Lai Châu - địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ quét, sạt lở đất.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ những khó khăn, mất mát của chính quyền và nhân dân các tỉnh, nhất là Lai Châu, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó. Ảnh: Xuân Tuyến. |
“Xin gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới các gia đình có người thân bị chết, mất tích. Chính quyền sẽ huy động lực lượng, phương tiện, sớm tìm kiếm người còn mất tích”, Phó thủ tướng chia sẻ.
Chủ động khắc phục hậu quả, khôi phục công trình hạ tầng hư hỏng
Nhằm khắc phục hậu quả, Phó thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Uỷ ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền các cấp của tỉnh Lai Châu và các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt công điện của Thủ tướng.
Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người bị nạn; hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo cho người bị thiệt mạng. Bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời, tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói.
Khung cảnh tan hoang sau trận lũ quét. Ảnh: Xuân Tuyến. |
Các địa phương cần chủ động khắc phục hậu quả, tập trung khôi phục công trình hạ tầng hư hỏng.
Đối với các cơ quan, bộ, ngành Trung ương, Phó thủ tướng yêu cầu Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 2 và các lực lượng đóng trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm người còn mất tích và hỗ trợ dân khắc phục hậu quả.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo thông tuyến nhanh nhất và an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ.
Bộ Y tế chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở bảo đảm cơ số thuốc dự phòng, tổ chức khám chữa bệnh và tập trung cứu chữa miễn phí đối với những người bị thương; hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân bảo đảm vệ sinh môi trường sau khi lũ rút, khôi phục cơ sở khám chữa bệnh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương việc bảo đảm an toàn cho học sinh, nhất là đối với các học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên địa bàn các tỉnh bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy lợi, khôi phục sản xuất nông nghiệp, phòng chống sạt lở sớm ổn định sản xuất, đời sống nhân dân sau khi lũ rút.
Phó thủ tướng đến thăm hỏi, động viên người dân xã Sơn Bình, huyện Tâm Đường, Lai Châu. Ảnh: Xuân Tuyến. |
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời để nhân dân biết chủ động phòng, tránh.
Lai Châu đề xuất hỗ trợ 170 tỷ đồng
Đến 10h sáng 26/6, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết lũ quét, sạt lở đất làm 17 người thiệt mạng, trong đó Hà Giang 5 người, Lai Châu 12 người; 11 trường hợp khác ở Lai Châu hiện vẫn mất tích.
Về tài sản, 83 ngôi nhà bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; hơn 1.400 căn nhà bị ngập nước, hư hỏng và di dời khẩn cấp. Thiệt hại kinh tế ban đầu ước tính trên 141 tỷ đồng, riêng Lai Châu là địa phương có tổn thất nặng nề nhất với 95 tỷ đồng.
Do thiệt hại lớn vượt quá khả năng cân đối của địa phương, chính quyền tỉnh Lai Châu đề nghị Thủ tướng và các bộ, ngành trung ương hỗ trợ cho 170 tỷ đồng để di dời dân đến nơi an toàn và sửa chữa, khắc phục các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.