Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với đội cứu nạn tìm kiếm máy bay rơi. |
Tại buổi làm việc, Phó thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia sẻ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cá nhân Phó thủ tướng về sự mất mát, thiệt hại và lo lắng của người thân, gia đình có cán bộ, quân nhân trong vụ máy bay Su-30MK2 và CASA 212 bị nạn trong những ngày vừa qua; gửi lời thăm hỏi và động viên của Thủ tướng và cá nhân Phó thủ tướng đến toàn thể các chiến sĩ, ngư dân, các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.
Tập trung cứu, tìm người
Thay mặt Thủ tướng, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự quyết tâm đầy trách nhiệm và những nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của các lực lượng tìm kiếm cứu nạn, trong đó lực lượng quân đội giữ vai trò nòng cốt, sự tham gia của các bộ ngành, địa phương và đặc biệt là sự vào cuộc của ngư dân.
Phó thủ tướng yêu cầu lực lượng cứu nạn quán triệt nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là phải tập trung cứu người, tìm cho được những người mất tích, đồng thời xác định cụ thể vị trí máy bay rơi để có phương án trục vớt, cứu hộ để đánh giá nguyên nhân và tổ chức rút kinh nghiệm về sau.
Phó thủ tướng yêu cầu tập trung cứu người, tìm cho được những người mất tích. |
Do khu vực tìm kiếm cứu nạn rộng, thời tiết những ngày tới có thể diễn biến phức tạp hơn, lại là khu vực giáp ranh quốc tế, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, phân vùng tìm kiếm cụ thể, tránh chồng chéo, đặc biệt là huy động và tổ chức các lực lượng tàu thuyền của ngư dân tham gia tìm kiếm cứu nạn nhằm đạt hiệu quả và bảo đảm an toàn.
Lực lượng cứu nạn tiếp tục phối hợp với lực lượng quốc tế để công tác tìm kiếm cứu nạn đạt kết quả tốt nhất.
Phó thủ tướng yêu cầu phải khẩn trương, quyết liệt và phối hợp chặt chẽ để cứu bằng được những phi công, quân nhân gặp nạn; yêu cầu Bộ Quốc phòng tổ chức tốt việc giải quyết hậu quả sự cố, làm rõ nguyên nhân và làm tốt công tác chính trị tư tưởng, động viên cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bộ Quốc phòng phối hợp với các địa phương liên quan tổ chức thăm hỏi, chia sẻ những mất mát với gia đình những chiến sĩ gặp nạn, làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội.
Danh sách 9 cán bộ, nhân viên trên máy bay CASA 212
1. Lê Kiêm Toàn - Đại tá Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918 (Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội)
2. Nguyễn Đức Hảo - Thượng tá, Phi đội trưởng Lữ đoàn 918 (Sơn Đà, Ba Vì, Hà Nội)
3. Nguyễn Văn Chính - Thiếu tá, Chính trị viên phi đội Phi công cấp 3 Lữ đoàn 918 (Mỹ Hà, Bình Lục, Hà Nam)
4. Nguyễn Ngọc Chu - Thiếu tá, phi công kiêm dẫn đường Lữ đoàn 918 (Thanh Hồng, Thanh Hà, Hải Dương)
5. Lê Văn Đình - Đại úy, nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918 (Hoành Bồ, Hạ Long, Quảng Ninh)
6. Đỗ Văn Mạnh - Thượng úy Phó Đại đội trưởng kỹ thuật hàng không e 918 Bồ Sao, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)
7. Lê Đức Lam - Trung úy, CN Cơ giới trên không Lữ đoàn 918 (Vân Hội, Ninh Giang, Hải Dương)
8. Nguyễn Văn Thái - Trung úy, CN Nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918 (Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu, Nghệ An)
9. Nguyễn Bá Thế - Trung úy CN, nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918 (Quỳnh Thọ, Quỳnh Phụ, Thái Bình)
* Trưa 16/6, máy bay CASA 212 mang số hiệu 8983 trong quá trình tìm kiếm tiêm kích Su-30MK2 gặp nạn đột ngột mất liên lạc.
* Vị trí máy bay rơi tạm xác định ở phía Đông đường phân định vịnh Bắc Bộ, cách 3 hải lý.
* Nguyên nhân ban đầu được xác định do thời tiết diễn biến xấu bất thường nên phi hành đoàn đã xin hạ độ cao và gặp nạn.
* Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918, lái chính. Trong số 9 người trên máy bay có 6 sĩ quan và 3 quân nhân chuyên nghiệp.
* Chiều tối 16/6, lực lượng tại thực địa đã vớt được một số mảnh vỡ của máy bay CASA 212.
* Trước đó, sáng 14/6, máy bay Su-30MK2 số hiệu 8585 gặp nạn trên vùng biển Nghệ An. Đến sáng 15/6, phi công Nguyễn Hữu Cường đã được ngư dân cứu vớt, phi công Trần Quang Khải vẫn còn mất tích.