Ngày 29/11, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành, doanh nghiệp về việc sửa đổi Nghị định số 20 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Nghị định được ban hành nhằm mục tiêu khắc phục tình trạng vốn mỏng, chuyển giá, “tay không bắt giặc” của doanh nghiệp. Nhưng sau 2 năm triển khai, nghị định đã phát sinh một số bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp trong nước.
Phó thủ tướng nêu lên nhiều bất cập của nghị định đã được Bộ Tài chính chỉ ra như khống chế 20% chi phí lãi vay đối với tất cả doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chưa loại trừ trường hợp đặc thù; khống chế theo chi phí lãi vay gộp, không cho trừ doanh thu lãi từ tiền cho vay quy định tại khoản 3 Điều 8.
Đặc biệt, một số doanh nghiệp còn lúng túng trong việc xử lý lãi âm trong kỳ, nhất là những dự án chưa phát sinh lợi nhuận.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp. Ảnh: Thành Chung. |
Đại diện một doanh nghiệp chia sẻ việc điều chỉnh loại chi phí lãi vay làm tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể, không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Xuân Nam phản ánh quy định tại khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 dẫn đến EVN buộc phải nộp thuế tăng 500 tỷ đồng, trong khi bản chất liên kết giữa công ty mẹ EVN với các công ty con - tổng công ty phát điện không phải là cho vay lại để chuyển giá theo tinh thần Nghị định 20.
Theo ông Nam, EVN phải nộp thuế là không hợp lý. Tập đoàn đã có 3 công văn báo cáo Bộ Tài chính và Thủ tướng. Ông Nam kiến nghị điện là mặt hàng nằm trong phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước, do vậy cho phép EVN không phải là đối tượng áp dụng của quy định này.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng quy định như nghị định có thể dẫn tới “đánh thuế 2 lần trên cùng một giao dịch”, thuế chồng lên thuế, làm cản trở việc tiếp cận tăng nguồn vốn cho hoạt động của các tập đoàn.
“Cơ chế giải quyết vấn đề tín dụng rất có hiệu quả nhưng chúng ta chặt tay, chặt chân doanh nghiệp bằng cách khống chế 20% là rất khó”, ông Lộc nói và đề nghị bỏ hoặc tạm dừng thi hành khoản 3, Điều 8 để chờ đánh giá tác động, nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính có nghiên cứu, khảo sát, đánh giá những bất cập phải sửa và quá trình này cần làm khẩn trương nhưng phải thận trọng.
Theo ông Huệ, sửa đổi nghị định là cấp thiết và phải theo nguyên tắc công khai, minh mạch, không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu chống chuyển giá.
Phó thủ tướng lưu ý nên sửa đổi, bổ sung ngay, đồng thời đề xuất với Thủ tướng và Chính phủ cho thực hiện theo quy trình rút gọn. Nội dung sửa đổi tập trung vào các bất cập hiện nay như quy định khống chế mức chi phí lãi vay đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, phạm vi áp dụng, đối tượng đặc thù...