Sáng 21/5, lần đầu tiên sau gần 20 năm qua, một phó thủ tướng của Slovenia đã tới thăm Việt Nam.
Bà Tanja Fajon, người đồng thời là ngoại trưởng Slovenia, đã có chuyến đi đến cả Hà Nội và TP.HCM. Bà nói rằng chuyến thăm lần này nhằm tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác giữa Việt Nam với Slovenia, hai nước mà theo bà là có nhiều tương đồng và có "suy nghĩ giống nhau" (like-minded) nhưng hợp tác vẫn còn hạn chế.
Kim ngạch thương mại song phương trong năm 2022 là 573 triệu USD, tăng trưởng đều trong 3 năm đại dịch nhưng vẫn là một con số khiêm tốn. Về FDI, hiện Slovenia có 3 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 2,27 triệu USD, đứng thứ 90 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
Mời doanh nghiệp Việt dùng cảng Koper
- Xin bà cho biết một chút về chuyến thăm này?
- Đây là chuyến thăm cấp phó thủ tướng và ngoại trưởng Slovenia đầu tiên đến Việt Nam trong gần 20 năm qua. Tôi rất tự hào được đi cùng 10 lãnh đạo doanh nghiệp lớn ở Slovenia đến đây để thảo luận cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh doanh và chính trị giữa hai quốc gia...
Chúng tôi đã đến TP.HCM, trung tâm kinh tế và sau đó là Hà Nội, nơi tôi thảo luận cùng các đại diện chính phủ. Slovenia và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, là hai quốc gia có "suy nghĩ giống nhau" (like-minded), dù trao đổi thương mại vẫn còn khiêm tốn.
Vì vậy, tôi muốn tận dụng 3 ngày ở đây để thúc đẩy hợp tác kinh doanh. Đến tháng 10 này, chúng ta sẽ có một Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế được tiếp đón tại Slovenia.
Việt Nam và Slovenia chia sẻ nhiều điểm chung, "suy nghĩ tương đồng" nhưng trao đổi thương mại còn khiêm tốn.
Phó thủ tướng, Ngoại trưởng Slovenia Tanja Fajon
Một trong những tôi muốn đề cập là cảng Koper, nơi tàu thuyền có thể đến châu Âu theo đường ngắn nhất và sạch nhất. Slovenia cũng là một nước nhỏ nhưng có rất nhiều rừng, với công nghệ xử lý nước thải và rác tốt, một trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo dưới sự bảo trợ của UNESCO (IRCOA, tức Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo - PV).
Nếu chúng ta nói về việc chuyển đổi xanh, chúng tôi có gió, Mặt Trời, nước, số hóa. Số hóa là một trong những mục tiêu chiến lược của chúng tôi, đặc biệt là phát triển các kỹ năng số nhằm tạo ra một hạ tầng an toàn, hiệu quả, bền vững không chỉ cho kinh doanh mà còn cho các dịch vụ công.
Tại Slovenia, việc chuyển đổi xanh cũng đi cùng với tạo ra việc làm mới. Chúng tôi có rất nhiều kinh nghiệm, và hào hứng được mở rộng hợp tác kinh tế với Việt Nam. Tại diễn đàn kinh doanh hôm 23/5, tôi đã rất bất ngờ được thấy những kết quả về thành phố thông minh, môi trường, nâng cao năng suất.
- Bà muốn thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng cảng Koper của Slovenia. Đâu là các lợi thế bà có thể giới thiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam?
- Tất nhiên, đó là đường ngắn nhất để đến châu Âu từ châu Á. Nó nằm trên biển Adriatic, gần Italy, và chúng tôi có tuyến đường ngắn nhất đến các phần khác của châu Âu bằng thuyền. Đó còn là tuyến đường có thể giúp giảm thải xuống 1/2. Cảng Koper hiện nhận được nhiều quan tâm ở Nam Á.
Cảng Koper, cảng lớn nhất Slovenia. Ảnh: Port of Koper/Kristjan Stojakovic. |
- Nói về việc số hóa, Slovenia được xem là một trong những quốc gia số hóa nhất châu Âu. Đâu là bài học chúng tôi có thể học từ Slovenia, không chỉ trong kinh doanh mà còn trong vận hành? Các doanh nghiệp Việt Nam có thể đóng vai trò gì trong chiến lược số hóa của Slovenia?
- Chúng tôi có chiến lược Digital Slovenia 2030 làm định hướng chuyển đổi số. Trong quá trình đó, việc quan trọng nhất là đặt con người lên đầu. Chúng ta phải để tâm đến quyền lợi của user, khách hàng, và tất nhiên là các quyền con người. Bên cạnh đó là khía cạnh môi trường.
Mục tiêu của chúng tôi đến năm 2030 là 80% người trưởng thành có các kiến thức số hóa cơ bản. Chúng tôi cũng ước tính sẽ có 20 triệu người làm việc trong lĩnh vực IT (trên toàn châu Âu - PV), cũng như nhiều cơ hội mở ra cho phụ nữ. Chúng tôi muốn thấy kết nối tốt hơn, với công nghệ 5G có mặt ở nhiều khu vực hơn, điều vẫn chưa xảy ra vào lúc này.
Chúng tôi cũng tính toán việc sử dụng AI tốt hơn. Như tôi đã đề cập, chúng tôi có một trung tâm nghiên cứu AI ở Slovenia, với mục đích kinh doanh.
Về dịch vụ công, mục tiêu chúng tôi hướng đến vào năm 2030 là mọi dịch vụ công đều có thể thực hiện online cho công dân, và tất cả sẽ được tiếp cận eHealth. 80% dân số sẽ sử dụng căn cước điện tử.
"Chúng tôi làm du lịch bền vững"
- Bà nói rất nhiều về nền kinh tế xanh, và Slovenia cũng được tuyên bố là Điểm đến Xanh cho du lịch. Vậy làm sao để cân bằng du lịch và bền vững?
- Chúng tôi không quảng bá du lịch đại chúng. Chúng tôi là một quốc gia với 2 triệu người, có cảnh quan rất phong phú, từ vùng núi Alpine đến bờ biển Arctic, nhiều trò chơi mạo hiểm, và khoảng cách giữa mọi thứ rất gần.
Khi quảng bá du lịch, chúng tôi hướng đến một phân khúc có thể quảng bá ẩm thực địa phương, các sản phẩm địa phương và sự bảo tồn thiên nhiên. ADN của chúng tôi rất "xanh", và chúng tôi có 60% dân số được bao phủ bởi rừng, một con số rất lớn so với các quốc gia khác.
Vì vậy, Slovenia thật sự là một trong những điểm đến xanh nhất toàn cầu. Số liệu tôi vừa nhận được là Slovenia là nước giảm phát thải lớn thứ hai EU, và chúng tôi rất tự hào về điều đó.
Cơ quan du lịch Slovenia đang triển khai một chương trình xanh quyết liệt để tăng cường tính cạnh tranh của các cơ sở địa phương, giúp chúng bền vững và thân thiện môi trường hơn. Vì vậy, chúng tôi rất hy vọng nhiều người Việt Nam đến để trải nghiệm.
- Slovenia còn là một nền kinh tế phát triển nhưng lại được đánh giá là bất bình đẳng ít nghiêm trọng nhiều hơn quốc gia khác. Đâu là bài học từ việc này?
- Là nước nhỏ, Slovenia cố gắng đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có thể nghiên cứu và đổi mới. Nền kinh tế của chúng tôi có định hướng xuất khẩu, chủ yếu với các nước láng giềng hoặc trong châu Âu. Chúng tôi đang tìm kiếm thị trường khác ở toàn cầu và đồng thời cố gắng thu hút FDI.
Slovenia có hệ thống tài chính ổn định, là một phần của thị trường chung châu Âu và là thành viên EU. Thị trường chung châu Âu dĩ nhiên mang lại những điều kiện thuận lợi, nhưng chúng tôi cũng muốn thu hút đầu tư từ những nơi khác. Đây chính là nhiệm vụ của tôi, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp để tìm kiếm thị trường mới.
Việt Nam là một nơi như vậy, nơi các công ty Slovenia nhìn thấy cơ hội. Họ đã yêu cầu Bộ Ngoại giao cũng như bộ phận kinh doanh của chúng tôi giúp đỡ.
Tại TP.HCM, bà Tanja Fajon đã tham dự diễn đàn doanh nghiệp và một tọa đàm về trao quyền cho phụ nữ. Ảnh: Chí Hùng. |
Doanh nghiệp Slovenia nhỏ nhưng có thế mạnh đặc thù
- Phần lớn doanh nghiệp Slovenia là doanh nghiệp vừa và nhỏ, và các doanh nghiệp Slovenia đang đầu tư vào Việt Nam cũng vậy. Bà có thấy đó là trở ngại khi họ phải cạnh tranh với các công ty đa quốc gia ở đây không?
- Tất nhiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ có năng lực cạnh tranh rất khác với các công ty lớn. Ở Slovenia, chúng tôi có các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng sở hữu các công nghệ tối tân, đầu tư nhiều cho việc nghiên cứu, số hóa và rất cạnh tranh ở các thị trường nước ngoài.
Chúng tôi chủ yếu giúp đỡ họ mở rộng mối quan hệ, tìm kiếm cơ hội, chẳng hạn đi cùng tôi đến đây là các doanh nghiệp có thế mạnh về hạ tầng, hoặc các sản phẩm rất đặc thù, không phổ biến và chỉ họ có khả năng cung cấp. Đó là lợi thế của các công ty S&M ở Slovenia.
- Nói về đại sứ quán, có phải Slovenia đang cân nhắc mở đại sứ quán ở Việt Nam?
- Thật ra việc này đã được quyết định bởi các chính phủ trước rằng chúng tôi muốn mở đại sứ quán ở Việt Nam và tôi hy vọng mình có thể làm việc đó.
Trong lúc ấy, tôi cũng cần ghi nhận tầm quan trọng của sự giúp đỡ từ lãnh sự danh dự tại TP.HCM và các đại sứ quán trong vùng. Vào tháng 10 này, khi chúng tôi đón tiếp ủy ban liên chính phủ về kinh tế Việt Nam - Slovenia, tôi hy vọng bộ trưởng Ngoại giao có thể đến để chủ trì các cuộc gặp này.
Doanh nghiệp Slovenia chủ yếu là vừa và nhỏ nhưng chúng tôi có lợi thế công nghệ tối tân.
Phó thủ tướng, Ngoại trưởng Slovenia Tanja Fajon
- Sau Việt Nam, bà sẽ đến Indonesia, bà có thể nói gì về chuyến đi đến khu vực này nói chung và Việt Nam trong bức tranh lớn hơn?
- Tôi sẽ đến Indonesia, một phần trong nỗ lực để thắt chặt các mối quan hệ, cũng như để lắng nghe từ các đối tác.
Slovenia sẽ ứng cử cho vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2024-2025 và nếu trúng cử, chúng tôi muốn hiểu được các ưu tiên của các nước trong khu vực, làm sao đương đầu các thách thức.
Chúng tôi đang ở giai đoạn cuối của quá trình (tranh cử), đó là xây dựng lòng tin, và phụng sự với tư cách một nước nhỏ. Chúng tôi không có gánh nặng trong quá khứ, không có món nợ với ai, nhưng chúng tôi có thể là một bên lắng nghe tốt, một bên thương thảo trung thực trong các cuộc đàm phán phức tạp.
Chúng tôi đã làm vậy trong quá khứ và hy vọng có cơ hội đó lần nữa.
- Hiện nay, có thể có nhiều người Việt Nam chưa quá hiểu về đất nước Slovenia. Vậy đâu là điều bà muốn người Việt Nam biết về đất nước của mình?
- Khi một người nước ngoài đến Slovenia, tôi thường nghe họ nói rằng Slovenia là bức tranh bị giấu kín. Họ bị bất ngờ về những điều họ không biết.
30 năm trước, chúng tôi phải chiến đấu giành độc lập và trải qua những cuộc chiến đẫm máu. Ngày nay chúng tôi là đất nước độc lập đang tìm kiếm các đối tác và đồng minh.
Chúng tôi được biết đến rộng rãi vì từng là một phần của phong trào không liên kết, và nhiều nước kính trọng chúng tôi về kinh nghiệm quá khứ đó. Đó cũng là một kinh nghiệm tích cực của chúng tôi.
Khi bạn đến Slovenia, bạn còn sẽ thấy đó là nơi tuyệt vời với ẩm thực địa phương, với các nông trại nhỏ. Slovenia là địa điểm du lịch ngày càng phổ biến với người châu Á.
Bản sắc Liên minh châu Âu
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Bản sắc cộng đồng của liên minh Châu Âu những vấn đề lý luận và thực tiễn". Cuốn sách tập trung nghiên cứu bản sắc châu Âu trong tiến trình hình thành và phát triển của EU nhằm làm rõ khái niệm bản sắc cộng đồng mới, bản sắc khu vực và đánh giá thực tế vai trò của một bản sắc chung trong tiến trình hội nhập khu vực ở châu Âu.