Ngày 25/2, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá để nghe báo cáo về kết quả công tác điều hành giá 2 tháng đầu năm và giải pháp trong những tháng còn lại.
Nhấn mạnh khó nhất là vấn đề giá xăng dầu, đại diện các bộ ngành đề xuất một số giải pháp quan trọng về quản lý giá và bảo đảm nguồn cung trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng liên tục, tăng rất cao.
Lo ngại buôn lậu xăng dầu qua biên giới
Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu thực tế vừa qua giá xăng dầu tăng rất cao, kéo theo tăng giá năng lượng. Ngày 24/2, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100 USD/thùng. Chỉ trong hơn một tháng từ 11/1 đến 21/2, giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu đã tăng 15,45-20,88%.
Về điều hành giá, đặc biệt với mặt hàng xăng dầu, Phó thủ tướng nhấn mạnh đây là mặt hàng thiết yếu, chịu tác động rất lớn của giá cả thị trường thế giới. Từ ngày 11/1 đến ngày 21/2, giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu tăng 15,45-20,88%, nhưng giá trong nước chỉ tăng 9,59-14,04%. “Điều này chứng tỏ chúng ta đã điều hành giá linh hoạt, giá tăng ở mức độ chịu đựng được, thấp hơn các nước trong khu vực”, ông Khái nhận định.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP. |
Tuy nhiên, ông Lê Minh Khái cũng cảnh báo việc giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá xăng dầu một số nước láng giềng có thể dẫn tới tình trạng buôn lậu mặt hàng này qua biên giới. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng thẩm lậu xăng dầu qua biên giới.
Trước tình trạng một số cơ sở kinh doanh xăng dầu găm hàng, Phó thủ tướng nói đây không phải là hiện tượng phổ biến. Ví dụ TP.HCM có 458 đầu mối nhưng chỉ có 8 cơ sở găm hàng, ngừng bán…
Ông Khái cho rằng hiện tượng này xảy ra không phải là do thiếu nguồn cung, hay doanh nghiệp cố tình găm hàng để đẩy giá lên (vì giá xăng do Nhà nước định giá theo kỳ điều hành, niêm yết theo quy định) mà là do nhận thức của người kinh doanh.
“Đây là hành vi kinh doanh không đúng quy định của pháp luật. Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người kinh doanh, khi cơ quan chức năng phát hiện hành vi sai phạm hoặc phát hiện thông qua phản ánh của báo chí sẽ phải xử lý nghiêm”, Phó thủ tướng nêu quan điểm.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục triển khai giải pháp bảo đảm đủ xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý ngay các hành vi sai và công khai thông tin để dư luận nắm được.
Lường trước tình huống xấu để xây dựng kịch bản điều hành giá
Về dự báo tình hình trong quý II và 10 tháng còn lại năm 2022, Phó thủ tướng nhận định áp lực lạm phát tăng cao, cần phải theo dõi chặt chẽ, phân tích, đánh giá và đưa ra các kịch bản ứng phó phù hợp.
Theo Phó thủ tướng, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng 3 kịch bản điều hành giá, tuy nhiên, các kịch bản này chủ yếu xây dựng theo giá dầu thô (dưới 100 USD/thùng).
Hiện nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100 USD/thùng và các dự đoán giá xăng dầu còn tiếp tục tăng thêm. Vì thế, Bộ Tài chính cần xây dựng thêm kịch bản, lường trước tình huống xấu hơn để có giải pháp ứng phó phù hợp.
Một cơ sở kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ông Khái đặc biệt lưu ý các cơ quan theo dõi sát diễn biến tình hình xăng dầu để có chính sách hỗ trợ phù hợp về giá, bảo đảm cân đối cung - cầu, không thể để thiếu hàng. Phó thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đầu mối nhập khẩu để nhập khẩu hợp lý, tiết kiệm ngoại tệ, bảo đảm nhu cầu trong nước.
Về giá, cần tính toán kỹ lưỡng, tăng giá xăng dầu phải sát với thị trường, tiết kiệm tối đa có thể, theo nguyên tắc sử dụng Quỹ bình ổn giá, tiết kiệm chi phí trong kinh doanh xăng dầu để hỗ trợ người dân, hỗ trợ nền kinh tế.
Đối với mặt hàng vật tư y tế phòng chống dịch bệnh, vừa qua, mặt hàng kit xét nghiệm SARS-CoV-2 có hiện tượng khan hiếm và tăng giá cục bộ ở một số thời điểm. Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch đã được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá.
Phó thủ tướng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương triển khai giải pháp để bảo đảm đầy đủ nguồn cung, triển khai các biện pháp quản lý giá, bình ổn giá, nhất là mặt hàng kit xét nghiệm Covid-19.