Chiều 30/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về triển khai nhiệm vụ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Phần lớn thời gian cuộc họp được dành để nghe lãnh đạo các bộ, phó thủ tướng báo cáo việc triển khai giải pháp phòng chống trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và Việt Nam đã có 3 người dương tính với virus corona.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định đối với dịch cúm corona thì các biện pháp Việt Nam đưa ra là những giải pháp cao so với các nước và dự phòng tốt.
Về ý kiến có đóng cửa biên giới hay không, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng đây là một mức độ khác. “Chúng ta có lẽ chưa nên đặt vấn đề đóng cửa biên giới vì tình hình chưa đến mức đó”, Phó thủ tướng nói.
Tuy nhiên, ông Minh đề nghị xem xét nhiều giải pháp như: Hạn chế, cấm du lịch đi lại giữa hai bên; tạm ngừng lưu thông hàng hóa qua các cửa khẩu cho đến 10/2; hợp tác chia sẻ thông tin, hỗ trợ giữa các nước trong ASEAN; tăng cường sản xuất các công cụ y tế, khẩu trang, đồ bảo hộ; cuối cùng là tuyên truyền làm sao cho người dân hiểu về cúm nhưng không để dân hoảng loạn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các phó thủ tướng tại cuộc họp chiều 30/1. Ảnh: Quang Hiếu. |
Từng là người có nhiều năm công tác trong ngành y tế và là Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long cho hay thực chất hiện không có khuyến cáo đóng cửa biên gới nhưng chúng ta có thể áp dụng các biện pháp mạnh tương đương. Ví dụ, ngừng tiếp nhận hành khách du lịch, kể cả đơn lẻ vào Việt Nam, cấm du lịch từ Việt Nam sang Trung Quốc và 31 địa phương của họ. Người vào Việt Nam với mục đích kinh doanh hay làm việc thì phải quản lý, giám sát thật chặt, yêu cầu họ tự cách ly tại nhà; nghiêm cấm người Việt Nam đi sang biên giới…
Theo ông Long, dịch bệnh này được dự đoán có thể kéo dài khoảng 2-3 tháng. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thì cho biết hiện nay, chính các chuyên gia y tế của Trung Quốc đánh giá 7-10 ngày nữa mới là đỉnh điểm của dịch. Có ý kiến lại cho rằng tháng 4, tháng 5 mới là đỉnh điểm. Như vậy là thời gian dịch bệnh còn kéo dài.
Nhân viên y tế ở Trung Quốc kiểm tra thân nhiệt của phụ nữ vào tàu điện ngầm ở Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images. |
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh việc phòng và chống dịch cúm là nhiệm vụ cấp bách, thậm chí có thể hy sinh về kinh tế. Cho biết Thủ tướng đã có chỉ đạo kịp thời, hiệu quả nhằm khống chế dịch bệnh lây lan nhanh hơn, song Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý tình hình trên thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, Việt Nam thì mới chỉ bắt đầu.
Về giải pháp chuyên môn, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Y tế chịu trách nhiệm, các bác sĩ phải thường xuyên xuất hiện trên truyền thông để khuyến cáo cho người dân. Một số giải pháp khác được Phó thủ tướng đề xuất như hạn chế tối đa việc đi đến vùng có dịch, dừng du lịch đến vùng có dịch, dừng tiếp nhận khách du lịch từ vùng dịch đến Việt Nam và có thông báo rõ. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ người lao động Việt Nam làm việc tại Trung Quốc và người Trung Quốc làm việc tại Việt Nam.
Phó thủ tướng lưu ý quản lý chặt chẽ các hoạt động thương mại qua biên giới. Theo ông, dừng hoạt động thương mại thì rất gay nhưng ta phải kiểm soát chặt.
Ông cũng kiến nghị không tập trung đông người, hạn chế, thậm chí không tổ chức các lễ hội, hạn chế hội nghị đông người. Thời điểm cần thiết phải xem xét cho học sinh nghỉ học.
“Trên tinh thần chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng, khi cần thiết đề nghị Thủ tướng giao các thành viên Chính phủ trực tiếp đi chỉ đạo ở các vùng được phân công”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Dịch cúm do virus corona đã lan ra 31/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc. Đến 7h sáng 30/1, nước này đã công bố 170 trường hợp tử vong; 7.771 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 12.000 ca nghi nhiễm.
Số ca nhiễm và tử vong tăng vọt trong 24 giờ, tăng 38 người so với ngày 29/1. Dự báo con số này còn tăng cao trong 24 giờ tới.
Trên thế giới, ngoài Trung Quốc, dịch bệnh đã xuất hiện ở 17 quốc gia, trong đó có Thái Lan, Singapore, Malaysia, Việt Nam. Tổng số mắc trên toàn thế giới là 7.819 người, 170 người tử vong đều ở Trung Quốc.