Báo cáo tại cuộc họp ứng phó với bão số 8 chiều 12/10, ông Phạm Đức Luận, Phó chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, cho biết bão Kompasu đổ bộ vào Philippines đêm 11/10 đã làm một người chết, 1.500 người phải sơ tán, 24 khu vực bị ngập lụt và 38 vị trí đường giao thông và 10 cầu bị hư hại.
Sau khi quần thảo trên Biển Đông, trưa 14/10, hình thái này có thể đi vào đất liền miền Trung ở thời điểm thủy triều tại Hòn Dấu lớn nhất trong tháng, đạt 3,7 m. Các tỉnh, thành phố Trung Bộ đang lên kế hoạch ứng phó với bão.
Bão số 8 gây mưa trên 300 mm
Theo ông Luận, trước diễn biến phức tạp của bão, các địa phương đã kiểm đếm, hướng dẫn hơn 53.000 tàu thuyền với trên 233.000 người biết diễn biến của bão. Hiện, 3 tàu Quảng Ngãi với 29 người còn hoạt động ở bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa. Những người này đã nắm được thông tin về bão và dự kiến tránh trú trên các đảo Đá Lồi, Linh Côn.
Bảy tỉnh, thành phố duy trì cấm biển gồm Quảng Ninh, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam. Trường hợp bão đổ bộ với sức gió mạnh cấp 9-10, các địa phương từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế dự kiến sơ tán hơn 65.400 hộ dân, tương đương gần 248.000 người dân.
Nhà chức trách cảnh báo khoảng 26.000 người di chuyển từ phía nam ra bắc có thể bị ảnh hưởng do bão, mưa lũ.
Hình ảnh vệ tinh của bão số 8 chiều 12/10 với hoàn lưu rất rộng. Ảnh: NICT. |
Theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, việc ứng phó với bão số 7 trong các ngày 8-11/10 được triển khai rất kỹ từ Trung ương đến địa phương nhưng vẫn còn trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Nhắc lại vụ tàu ở Thái Bình gặp nạn khiến một người chết và vụ 2 người chết ở Yên Bái do bị lũ cuốn trôi, Phó thủ tướng cho biết công tác ứng phó với bão số 8 cần được trao đổi kỹ để không mất cảnh giác, không chủ quan vì cơn bão này đi nhanh, cường độ mạnh.
"Thời gian gấp, chỉ còn khoảng 24 tiếng nữa để ứng phó với bão, địa phương cần quan tâm đến các khu vực cách ly tập trung. Khi cần di dời bà con, khu vực sơ tán cần tách khỏi khu cách ly", Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết do tác động của không khí lạnh, sau khi đi qua đảo Hải Nam (Trung Quốc), bão khả năng giảm 2-3 cấp khi tiến về phía đất liền Thanh Hóa - Quảng Bình.
Thời điểm áp sát đất liền, bão có thể đạt cường độ mạnh nhất cấp 8. Hình thái này sẽ ảnh hưởng trực tiếp, gây ra đợt mưa lớn cho các tỉnh đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Trị trong đêm 13 và ngày 14/10. Lượng mưa phổ biến 150-250 mm, có nơi trên 300 mm.
Từ ngày 15/10, vùng mưa lớn mở rộng ra Trung Trung Bộ.
Huy động 68.000 cán bộ, chiến sĩ ứng phó bão
Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nếu theo kịch bản bão đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh Bắc Trung Bộ gây ra lượng mưa lớn trên 250 mm, các hồ đập ở địa phương có nguy cơ mất an toàn. Thời gian qua, Nghệ An hứng lượng mưa trên 1.700 mm, tăng 5% so với trung bình nhiều năm.
Ông Hiếu lo ngại trong những tháng cuối năm, tổng lượng mưa tại khu vực này có thể cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 20-30%, gây nguy hiểm cho an toàn hồ đập nhỏ. Do đó, công tác bảo vệ hồ đập được địa phương đặc biệt ưu tiên.
"Địa phương cũng đang tổ chức cách ly tập trung theo quy định đối với người về từ phía nam, địa điểm tập trung được tận dụng từ các cơ sở dùng để sơ tán dân. Do đó khi mưa lũ xảy ra, Nghệ An sẽ phải lên kế hoạch cho người dân ở địa điểm sơ tán khác, cách xa khu vực đang cách ly tập trung để đảm bảo an toàn", ông Hiếu nói.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ lịch sử năm 2020 khiến Quảng Trị có nhiều khu vực nguy cơ cao sạt lở. Thiên tai những ngày tới có thể ảnh hưởng đến người dân miền núi ở các huyện Hướng Hóa, Đắk Rông...
Ông Đồng cho biết trước diễn biến phức tạp của thiên tai và xu hướng biến đổi khí hậu, địa phương đề xuất Trung ương tăng nguồn lực để đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị ứng phó với thiên tai cũng như bảo vệ công trình nông nghiệp, đê kè, hồ đập, hồ chứa...
Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 8 cùng các bộ, ngành, địa phương chiều 12/10. Ảnh: Ngọc Hà. |
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó cục trưởng Cục Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, cho biết đơn vị đã chỉ đạo lực lượng công an các địa phương hỗ trợ, khuyến cáo người dân về quê hạn chế di chuyển trong thời điểm mưa lũ. Lực lượng công an sẽ hỗ trợ lương thực, thực phẩm, xăng dầu cho người dân, bố trí lực lượng kiểm soát, phân luồng giao thông ở nơi nguy cơ sạt lở, ngập lụt.
Hiện, lực lượng công an đã chuẩn bị trên 5.000 phương tiện thủy ứng phó với lụt, trên 1.000 phương tiện ứng phó đường bộ và hơn 1.000 máy phát điện, 40.000 phao cứu sinh.
"Hơn 68.000 cán bộ, chiến sĩ công an đã được huy động để thực hiện nhiệm vụ, phối hợp tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu", đại tá Khương cho biết.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết trước diễn biến nhanh của bão, các địa phương cần triển khai các biện pháp ứng phó cấp bách, không vì khi bão vào gần bờ yếu đi mà chủ quan.
Trong thời gian ngắn, địa phương cần tiếp tục nắm chắc tình hình tàu thuyền, nhất là ngư dân chưa tránh trú được ở khu vực an toàn. Ông cũng nhấn mạnh phương án sơ tán dân là rất quan trọng. Người dân ở trong các khu vực nguy cơ ngập lụt, nhà xuống cấp và sạt lở phải được khảo sát và sơ tán khi nguy hiểm.
Với người dân về từ các tỉnh, thành phố phía nam, Phó thủ tướng yêu cầu địa phương đảm bảo khu cách ly kiên cố, nhất là khu vực vệ sinh, ăn uống, bếp núc, an toàn cho người dân.
"Chính phủ cũng chỉ đạo giao nhiệm vụ cho các địa phương, bố trí, phân công cụ thể lực lượng để đưa người dân về khu tập trung, đảm bảo sau cơn bão này bà con có thể di chuyển tiếp", Phó thủ tướng Lê Văn Thành nói.