Sáng 8/7, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp, chủ trì phiên họp đánh giá nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2019 của Ban chỉ đạo.
Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, dù công tác cổ phần hoá, thoái vốn đã có nhiều thay đổi tích cực về chất, tiến trình cổ phần hoá vẫn rất chậm.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Thành Chung. |
Cụ thể, cả nước mới hoàn thành cổ phần hoá 35 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong danh mục 127 doanh nghiệp, trong đó riêng Hà Nội còn 13 và TP.HCM là 36 DNNN chưa được cổ phần hoá.
Tiến độ thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng chậm so với kế hoạch đề ra từng năm. Trong khi Thủ tướng yêu cầu cả nước phải hoàn thành thoái vốn tại 405 doanh nghiệp từ 2016 đến 2020 thì tới nay chỉ được 88 DNNN (chiếm 21,8%).
Ngoài ra một số bộ, ngành địa phương gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện xác định giá trị sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp.
Nguyên nhân của việc chậm trễ này, theo Phó thủ tướng, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ hơn trong cổ phần hoá, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch nên thời gian thực hiện cũng lâu hơn. “Như việc đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán doanh nghiệp có quy mô vốn nhà nước từ 1.700 tỷ đồng trở lên cũng khiến quá trình cổ phần hoá kéo dài thêm 6-12 tháng”, ông dẫn chứng.
Bên cạnh đó, ông Huệ thẳng thắn đánh giá lãnh đạo các DNNN còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc nên thời gian triển khai chậm.
Nhắc đến việc từ năm 2016 đến nay chưa phát hiện sai phạm nghiêm trọng nào trong cổ phần hóa, thoái vốn, Phó thủ tướng nhấn mạnh tinh thần cẩn trọng là đúng. Song, vẫn cần phải làm nhanh.
“Đây là việc khó nhưng vẫn phải làm, không còn cách nào khác. Nếu cứ tròn vo đẩy công văn xin ý kiến vòng quanh thì không được”, Phó thủ tướng quán triệt.
Từ nay tới hết năm 2019, ông yêu cầu các bộ, ngành hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan tới cổ phần hoá, thoái vốn; trong đó tiếp tục rà soát toàn diện các văn bản pháp luật liên quan để ban hành hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn theo thẩm quyền, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi trong triển khai thực hiện. Trường hợp vượt thẩm quyền, Phó thủ tướng yêu cầu báo cáo lên người đứng đầu Chính phủ.