Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phô mai lừa 'cực phẩm' 1.000 euro một kilogam tại Serbia

Trắng mịn, đậm vị, loại phô mai lừa có một không hai của Serbia này không chỉ ngon mà còn rất tốt cho sức khoẻ, theo nhà sản xuất Slobodan Simic.

Kể từ năm 2012, Simic và những nông dân bạn ông đã nuôi một đàn lừa hơn 200 con để lấy sữa ở khu dự trữ thiên nhiên Zasavica, bắc Serbia.

Sữa của những con lừa này có đặc tính giống sữa người và được Simic quảng cáo có thể chữa lành nhiều loại bệnh, trong đó có hen suyễn và viêm phế quản. “Trẻ sơ sinh có thể uống liền loại sữa này mà không cần pha loãng”, ông chia sẻ. Simic gọi đây là “cực phẩm thiên nhiên”.

pho mai lua anh 1
"Cực phẩm thiên nhiên" phô mai lừa được bán tại Zasavica. Theo nhà sản xuất, loại phô mai này rất tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, giá bán của phô mai lừa lên đến 1.000 euro một kilogam. Ảnh: Andrej Isakovic/AFP.

Mặc dù chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh những công dụng dinh dưỡng của sữa lừa, một hàm lượng lớn protein đã được tìm thấy trong sản phẩm này. Liên Hợp Quốc cũng công nhận đây là lựa chọn thay thế sữa bò dành cho những người bị dị ứng.

Theo Simic, làm phô mai lừa không hề đơn giản. Ngoài ở đây, có lẽ không đâu khác trên thế giới có thể sản xuất loại phô mai này.

pho mai lua anh 2
Việc làm phô mai lừa là không hề dễ dẫn tới giá thành đắt của sản phẩm này. Ảnh: AFP.

Sữa lừa có hàm lượng casein, một protein quan trọng trong sản xuất phô mai, rất thấp. Tuy nhiên, bước ngoặt xuất hiện khi nhân viên ở Zasavica phát hiện tình trạng này có thể khắc phục khi pha chung với một ít sữa dê. Hỗn hợp hai loại sữa này còn giúp bù đắp cho việc một con lừa chỉ có thể cho chưa đầy một lít sữa mỗi ngày, trong khi một con bò có thể cho đến 40 lít.

Ở mức giá 1.000 euro (khoảng 26,5 triệu VND) một kilogam, có lẽ đây chính là dòng phô mai đắt đỏ nhất thế giới. Mỗi năm, trang trại chỉ bán được khoảng 6-15 kilogam, hầu hết là cho du khách, đặc biệt là người nước ngoài. Ngoài phô mai, họ còn làm xà phòng và rượu từ sữa lừa.

Với Simic, kinh doanh các mặt hàng từ sữa lừa là một cách để bảo vệ giống lừa Balkan trong bối cảnh máy móc đã thay thế vai trò của loài vật này trong sản xuất nông nghiệp.

“Chúng tôi đang cố gắng duy trì nhu cầu của người dân với lừa. Hiện nay, các doanh trại lừa đang xuất hiện ngày một nhiều và nhu cầu cũng đang tăng cao. Đây là một điều tốt không chỉ với chúng tôi mà còn cho cả khu vực”, Simic chia sẻ.


Đức Trần

Bạn có thể quan tâm