- Các bài hát của ông đa dạng từ con người đến cuộc sống, thiên nhiên. Nhưng đâu mới là nguồn cảm hứng chính trong các tác phẩm của ông?
- Tất cả cuộc sống tươi đẹp, gian truân, bề bộn đều là đề tài cho các nhạc sĩ nhưng hình như thiên nhiên gợi cảm cho tôi nhiều nhất. Tôi có 5 bài về sông, 5 bài về hồ. Ngày xưa MC Lại Văn Sâm hỏi tôi hứa phải là ngũ hồ và đến bây giờ tôi có tới 6 bài.
Có lẽ âm nhạc của tôi giầu chất dân gian, thấm đẫm cái sâu lắng nhất của khu vực đồng bằng bắc bộ. Chất liệu dân gian ngấm vào tôi như mạch máu, hơi thở, nhịp đập của trái tim mình nên để đậm chất dân gian và xa hơn là chất tâm linh.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương hóm hỉnh kể về các bạn thân.
|
- Nhiều nhạc sĩ khi viết ra tác phẩm để thỏa mãn cái tôi của mình trước khi lan tỏa đến mọi người, ông có là trường hợp ngoại lệ?
- Một tác phẩm trước hết là gan ruột, nỗi niềm, phải là chính mình. Tôi ít khi chịu dừng lại ở sự đơn giản, tự hành, tự vật vã phải làm thế nào thật kỹ lưỡng, sâu sắc, khác biệt. Có người đặt Phó Đức Phương là nhạc sĩ chân quê nhưng âm nhạc của tôi từng bị nhận xét khó nghe. Điều này có lẽ bởi tôi muốn đến tận cùng câu chuyện để nảy ra những chi tiết, tình tiết. Âm nhạc của tôi chân chất, dân giã, thuần Việt nhưng nhiều tình tiết lắt léo.
- Nhạc sĩ Trần Tiến từng nói nhóm "Tứ quái sông Hồng" gồm Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Dương Thụ và Trần Tiến mà ngồi với nhau chỉ nói chuyện đàn bà, sinh lý, thực hư ra sao, thưa ông?
- Trước hết tôi muốn nói rằng nhóm nhạc sĩ mọi người hay nhắc đến gồm Nguyễn Cường, Trần Tiến, Dương Thụ và tôi là do những người yêu nhạc đặt. Hình như từ một bài báo. Thực ra chúng tôi rất khác nhau. Tôi với Nguyễn Cường cá tính, diện mạo, cung cách như nước với lửa như âm với dương.
Tôi với Trần Tiến như nước sông - nước biển. Người ta có thể bị chết khát trên đại dương, con cá biển được thả vào nước ngọt có thể chết cho nên tôi với Trần Tiến khác nhau như nước ngọt và nước mặn.
Tôi và Dương Thụ giống nhau trước hết đều là nhạc sĩ như cây cỏ hoa lá,nhưng một đằng trong công viên, vườn hoa một đằng của thiên nhiên, rừng già. Bốn chúng tôi chơi với nhau nhưng chẳng ai giống ai, vì vậy khi gặp chỉ tếu táo thôi.
Giai đoạn đầu cách đây 30 năm chúng tôi gặp nhau còn say mê bàn về tác phẩm sau khi đã biết nhau thế nào, mỗi người có thế giới riêng thì không thể nào đóng góp. Ông Nguyễn Cường sao đóng góp cho Dương Thụ. Tôi sao đóng góp cho Trần Tiến vậy đề tài thú vị nhất là tình dục đem ra giỡn nhau.
Nhóm này mỗi tôi uống rượu được, sau khi gạ các bạn không được chúng tôi xoay sang đề tài rượu và gái. Gái là chuyện hấp dẫn nhất, vui nhất, chuyện muôn thuở. Trần Tiến tâm sự chúng tôi nói chuyện tình dục đúng thôi, chuyện tồn tại của thiên nhiên, con người.
- Hơn 70 tuổi, dù có nhiều tác phẩm nổi tiếng nhưng tới đây ông mới có đêm nhạc riêng, tại sao là thời điểm này?
- Tôi tương đối nhiều tác phẩm nhưng cứ nghĩ làm chương trình riêng không đơn giản góp nhặt những tác phẩm mà phải làm thế nào phải thật đậm đà, hấp dẫn.
Bài Chảy đi sông ơi làm thế nào để khán giả thấy không hay hơn ít nhất nguyên vẹn tình yêu của khán giả với bài hát đó. Từ những suy nghĩ ấy nên tôi cứ trì hoãn nhiều năm, đến tận bây giờ bạn bè nhắc, mình còn nhiệt huyết cống hiến cho khán giả, say mê nên quyết tâm làm một đêm.
- Nhưng tại sao lại là Bằng Kiều và Thu Phương, 2 ca sĩ chưa hát nhiều âm nhạc của ông?
- Bằng Kiều sẽ đảm nhận bài Chảy đi sông ơi, Thu Phương hát Trên đỉnh Phù Vân. Có dám khẳng định Thu Phương hát trên Mỹ Linh hay không hoặc Bằng Kiều liệu hay hơn các ca sĩ từng hát Chảy đi sông ơi không, tôi chưa dám khẳng định. Nhưng ít nhất khán giả có thể hi vọng nó khác đi còn chuyện hay hay không tùy cảm nhận, góc nhìn, cảm thụ của từng người.
- Có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng như: "Trên đỉnh phù Vân", "Chảy đi sông ơi", "Hồ trên núi", "Không thể và có thể", "Một thoáng Tây Hồ"… nhưng những năm gần đây khán giả nhớ đến ông trong vai trò khác nhiều người gọi vui là "đi đòi nợ thuê” âm nhạc. Nhìn lại chặng đường đã qua ông thấy mình được gì và mất gì từ công việc thu phí bản quyền âm nhạc?
- Trước hết tôi phải giải thích rằng dường như mọi người không nhận ra việc chúng tôi đang làm về quyền tác giả không thể so sánh với "đòi nợ thuê" được. Đòi nợ thuê là biết họ nợ nhưng không chịu giả hoặc trốn nợ. Còn ở đây, còn nằm ở nhận thức quyền tác giả. Phải xác định đối tượng - anh /chị đang nợ nhạc sĩ chúng tôi sau đó mới rà soát để biết số tiền nợ là bao nhiêu. Việc này vô cùng phức tạp. Tất cả điều chúng tôi làm là thay đổi nhận thức xã hội chứ đâu phải chỉ đòi nợ thuê.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương trong buổi trò chuyện.
|
- Giới làm nghề đánh giá ông rất cao ở vai trò sáng tác, không ít người bày tỏ sự thương cảm đôi khi đến "nhục nhã" như lời ông từng tự ví khi đi đòi quyền tác giả cho các nhạc sĩ. Tại sao ông lại đưa mình vào công việc khó để làm mồi cho dư luận khiến nhiều người không yêu mến?
- Có một lần nhạc sĩ Doãn Nho hỏi tôi: "Phương ơi tại sao cậu đang sáng tác hay, dồi dào như vậy lại lao vào đòi quyền tác giả? Cậu có cái gì, được cái gì?". Câu hỏi ấy làm tôi hơi chạnh lòng.
Tôi phải giải thích với anh Nho, niềm vui sáng tạo vô cùng lớn, là động lực suốt cả đời của nhạc sĩ, nghệ sĩ nhưng thưa anh trong đời này không phải chỉ có mỗi nguồn vui sáng tạo mà còn niềm vui khám phá và dấn thân. Nó hồi hộp lắm, nên mới có người lên vũ trụ, xuống hang sâu, lên đỉnh núi,.. bỏ cả cuộc đời đi khám phá.
Việc dấn thân, đi khám phá gây trạng thái hưng phấn, hồi hộp hơn sáng tạo. Lúc đó anh Doãn Nho mới bảo: "Ừ, Phương nói thế mình yên tâm. Thế Phương cứ tiếp tục làm". Có lẽ nhạc sĩ Doãn Nho sợ ông em lạc mất niềm vui thực sự của một con người.