'Phố doanh nhân' Bạch Thái Bưởi sắp bị xóa sổ
Con phố nhỏ ở Thủ đô Hà Nội mang tên Bạch Thái Bưởi đang có nguy cơ bị xóa sổ chỉ vì một dự án xây dựng. Điều đó gần như đồng nghĩa việc xóa sổ các di sản hữu hình còn lại về doanh nhân yêu nước cách nay một thế kỷ.
Danh tiếng về Bạch Thái Bưởi thì nhiều nhưng quê quán đích thực của ông ở đâu, ông còn để lại gì cho hậu thế, dòng tộc nhà ông có ai vẻ vang như ông, thì không phải ai cũng tỏ tường.
Đình làng, đường làng, và cổng làng lát gạch được cho là do doanh nhân Bạch Thái Bưởi thuê thợ về làm. |
Hư hư thực thực
Bạch Thái Bưởi là ông tổ nghề tàu thủy Việt Nam, thuộc lớp doanh nhân lừng lẫy đầu tiên của nước ta thời hiện đại. Ông xếp thứ tư trong tứ đại gia giàu có nhất nước Nam vào những năm đầu của thế kỷ XX gồm những Sĩ, Phương, Xường, và Bưởi. Có người còn xếp hạng “nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Bưởi”.
Nhưng trong số tứ đại gia ấy, ông lại được dân gian nhắc đến nhiều nhất. Hỏi nhiều nơi, đâu đâu cũng chưa biết chắc ông ở đâu chỗ quê lụa Hà Đông xưa sát cửa ngõ thủ đô.
Thế mà gần đây, cựu hiệu trưởng một trường cấp ba danh tiếng Hà Nội vẫn chắc như đinh đóng cột: “Cứ qua hết đường Nguyễn Trãi, rẽ phải ngay khách sạn Sông Nhuệ, là đến quê Bạch Thái Bưởi”. Thì cứ đến thử xem sao.
Mộ Lao (quận Hà Đông) hay bị gọi nhầm là Mỗ Lao, nay là nửa chừng xuân giữa hiện đại với những nét quê mùa may mắn sót lại. Nó nằm ven sông Nhuệ đen ngòm đối diện làng lụa Vạn Phúc nổi tiếng một thời.
Phố Bạch Thái Bưởi. |
Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND Phường Mộ Lao, nhận ngay Mộ Lao là quê Bạch Thái Bưởi. “Đây là nơi họ Bạch nhiều nhất”, ông khoe thân mẫu của mình cũng mang họ Bạch.
“Thời kỳ hợp tác xã Văn Yên, sau đổi thành Văn Mỗ, có nhà truyền thống chứa các bộ tư liệu về Bạch Thái Bưởi. Nhưng giờ mất hết. Đến gặp cụ Bạch Đoàn nhé. Cụ chép sử họ Bạch đấy. Cả ông Bạch Huy Chủ nữa, giờ cũng là vua lốp đất Bắc đấy. Cứ đến đấy hỏi là có hết”.
Nhà ông Bạch Đoàn nằm trong khu dân phố số 9. Ông Đoàn phốp pháp, tóc bạc trắng, da dẻ hồng hào dẫn chúng tôi vào một chiếc bàn đá đặt ở góc sân dưới một cây cao. Tán lá cây xòe che nắng cho cả bàn.
Ông Đoàn nguyên là cán bộ văn hóa Hà Tây cũ: “Đó là Phú gia Địch quốc Bạch Thái Bưởi. Nhưng quê gốc ông Bạch Thái Bưởi ở phường Yên Phúc thuộc Phúc La bây giờ kia”.
Rằng phường Mộ Lao cũng có nhánh họ Bạch khoảng 10 đời và là nhánh lớn nhất. Nhưng là nhánh khác chứ không cùng nhánh với Bạch Thái Bưởi. “Nếu muốn tìm hiểu, phải sang bên đó mới biết rõ được”, cụ Bạch Đoàn chốt hạ.
Lại lần theo chỉ dẫn. Bí thư Phường Yên Phúc bệ vệ cho hay phường chẳng có gì liên quan đến cụ Bưởi. “Bạch Thái Bưởi chính gốc là họ Đỗ. Các bạn qua gặp ông Đỗ Tứ, bí thư chi bộ tổ dân phố số 4 nhé”.
Bí ẩn chữ Bạch
Nhà ông Tứ nằm gọn trong một ngõ sâu hút với chiếc sân toen hoẻn hình chữ nhật. “Đúng. Cụ Bạch Thái Bưởi gốc họ Đỗ. Nhưng nếu muốn hỏi về cụ thì phải sang gặp bà Đỗ Thị Ngoan là cháu cụ đang trông nom nhà thờ họ”, ông đon đả.
Vậy là ông Tứ vẫn chưa phải điểm đến cuối cùng. Nhưng người đàn ông ở tuổi 60 này cũng có chút dính dáng đến Bạch Thái Bưởi: “Trong Thanh Hóa, có một quả đồi mang tên làng Hà Nội. Năm 1911, dân Hà Nội, trong đó có dân làng Yên Phúc và cha tôi, vào đó làm tà vẹt gỗ đường tàu Bắc – Nam mà cụ Bạch Thái Bưởi thắng thầu. Tôi sinh ra ở Thanh Hóa chứ đâu”.
Ông Tứ kể tiếp, con đường chạy dọc từ đầu đến cuối làng dài gần 1.000 m là do cụ Bạch Thái Bưởi xây. Cổng làng cũng do cụ công đức. Xưa cổng làm bằng gỗ lim. Nay xuống cấp, làng tu sửa bằng gạch, cố giữ dáng cũ. Đình làng, tường bao quanh cũng do cụ thuê thợ giỏi về xây.
“Thấy bảo cụ Bạch Thái Bưởi chết trên đảo ở Quảng Ninh. Nghe nói có vàng trong mộ. Ba người đến khai quật lấy vàng nhưng hai người phải quay lại trả”.
Theo ông Tứ, dòng họ này đã đề xuất lên quận Hà Đông đặt tên Bạch Thái Bưởi cho tuyến phố dọc phòng khám 16 nối dài tới khu chung cư Văn Quán. Hai năm nay vẫn chưa thấy hồi âm.
Rời nhà ông Tứ, chúng tôi sang nhà bà Ngoan cách một đoạn đường làng vẫn lát những viên gạch mà ông Tứ nói là do công cụ Bạch Thái Bưởi xây. Nhà bà Ngoan nằm trong ngõ cụt số 2.
Tóc bà bạc trắng, dáng nhỏ nhắn, chân đi đất. Bà đang lúi húi nấu cơm bằng bếp than ngoài khoảng sân khá rộng bên ngôi nhà hai tầng cũ kỹ. Tám mươi tuổi mà bà Ngoan hoạt như thanh niên.
Bà Đỗ Thị Ngoan, hậu duệ gần nhất và còn lại duy nhất của doanh nhân Bạch Thái Bưởi. |
Như đoán được ý của khách, bà Ngoan cười, khoe hàm răng đen nhánh: “Không làm thì lấy gì mà ăn. Nhưng bệnh viện chưa biết mặt tôi. Tôi khinh bệnh viện”. Bà Ngoan từng làm văn phòng ở thị xã Hà Đông. Chồng bà làm công an nhưng mất lúc bà 37 tuổi, để một mình bà nuôi bảy con.
Khách chưa kịp trình bày mục đích, bà Ngoan bốp luôn: “Muốn hỏi về cụ Bạch Thái Bưởi, đúng không? Cụ là bác ruột bố tôi. Cụ chính gốc ở đây. Cụ tổ Đỗ Văn Cót đẻ ra cụ Bưởi và cụ nhà tôi”.
“Bố tôi kể lại, tên chính của cụ Bưởi là Đỗ Văn Bưởi. Mẹ cụ Bưởi là họ Bạch ở làng La Khê. Ngày xưa nghèo lắm. Cụ Bưởi bảo đổi sang họ Bạch của mẹ là muốn chỉ rõ danh phận bạch đinh, để luôn nhớ mình nghèo mà quyết chí”. Vậy thực chất nguyên nhân đổi tên của cụ Bưởi sang họ Bạch là gì? Những gì bà Ngoan ngoại bát tuần kể lại chẳng như đồn thổi bấy lâu.
Bà Ngoan nhấp tiếp ngụm nước chè: “Đúng là cụ Bưởi có chí và học giỏi. Cụ được một ông người Pháp, chính cái ông làm cầu Long Biên, nhận làm con nuôi rồi làm thư kí cho ông ấy. Khi làm các hợp đồng, ông người Pháp rất tin cụ, cho cụ đứng tên trên hợp đồng. Ông Tây trở về Pháp thì đột tử. Từ đó, cụ Bạch tiếp quản xây cầu Long Biên, buôn bán bến tàu bến xe rồi đi lên”.
Hóa ra sự khởi nghiệp của ông vua tàu biển, một trong tứ đại doanh nhân cách nay một thế kỷ lại cũng không giống thêu dệt trên mạng.
Nom bà Ngoan chả có tí dáng dấp nào của một dòng họ giàu có. Chống một chân lên ghế rồi tựa lưng vào ghế, bà tiếp tục: “Cụ Bưởi làm mãi đâu đâu. Ở quê chỉ có ruộng đất thôi. Cụ có hai vợ. Mợ cả thì ở đây nhưng không có con. Mợ hai có mười con. Bạch Thái Đào, con thứ ba sống ở phố Hàng Bún đến năm 1953 thì chết. Còn ông Bạch Thái Tư sang Pháp học.
“Chả biết thế nào mà bác Tư nhìn thấy được lòng đất. Ui giời. Ông í giỏi lắm. Có than ở chỗ nào, mỏ bao nhiêu tuổi, ở đâu có mỏ đồng, mỏ cát, ông í biết hết. Thế nên cụ Bưởi mới có mỏ than ở Quảng Ninh”.
Theo Tiền Phong