Thông tin trên được trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an), đưa ra tại họp báo của Bộ Công an chiều 28/3.
Theo Cục phó A05, công nghệ deepfake (tái tạo lại khuôn mặt của người trong video nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo AI) ngày nay được sử dụng nhiều. Trong đó, tội phạm công nghệ cao sử dụng để giả hình ảnh và giả giọng nói.
"Tội phạm lừa đảo thường sử dụng để mạo nhận người quen, giả hình ảnh và giọng nói của người sở hữu tài khoản mạng xã hội nhằm chiếm được lòng tin, sau đó thực hiện giao dịch tài chính vay tiền hoặc chuyển tiền", trung tá Triệu Mạnh Tùng phân tích.
Ngoài ra, lãnh đạo Cục A05 cho hay gần đây đã xuất hiện một số vụ việc mà các bị hại bị lừa đảo qua công nghệ deepfake. Trước tình hình đó, A05 đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, thông báo đến công an các địa phương nắm tình hình, phổ biến cho người dân về phương thức thủ đoạn mới này.
Trung tá Triệu Mạnh Tùng. Ảnh: Hoàng Lam. |
Để phòng ngừa, Cục A05 phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, làm việc với Ngân hàng Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng về định danh các tài khoản điện thoại, tài khoản ngân hàng. Mục đích là làm sạch toàn bộ hệ thống dữ liệu tài khoản ngân hàng, đảm bảo tất cả tài khoản được mở chính chủ. Điều này còn hướng đến việc định danh thực hiện giao dịch, đảm bảo có thể kiểm soát tốt dòng tiền, có thể phong tỏa dòng tiền khi tội phạm lừa đảo xảy ra.
Phó cục trưởng A05 khuyến cáo người dân nên cập nhật thêm thông tin về phương thức, thủ đoạn lừa đảo nêu trên. Mọi người cần tăng cường chế độ bảo mật thông tin trên mạng xã hội, nhất là việc đăng nhập các ứng dụng của bên bên thứ ba, đây là nơi rất dễ bị mất quyền sử dụng tài khoản.
Theo vị này, trong nhiều vụ lừa đảo, tội phạm thường thông qua việc chiếm quyền sử dụng tài khoản, sử dụng công nghệ deepfake để tương tác với người thân của chủ tài khoản, từ đó thực hiện hoạt động lừa đảo.
Bên cạnh đó, người dân cũng cần đề cao cảnh giác khi có người quen trên mạng xã hội yêu cầu giao dịch về tài chính một cách bất thường. Lúc đó, mọi người nên kiểm tra qua những kênh chính thống, liên hệ trực tiếp với người đó trước khi thực hiện giao dịch.
Dữ liệu bị bán công khai khiến tội phạm lừa đảo dễ lợi dụng. Ảnh: Xuân Sang. |
Cũng tại họp báo, thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng (Phó giám đốc Công an TP Hà Nội) thông tin thời gian qua, lực lượng chức năng tiếp nhận nhiều đơn tố giác tội phạm lừa đảo bằng công nghệ cao, trong đó có hành vi giả danh. Dù tích cực điều tra xác minh, nhưng ông Tùng đánh giá đây là tội phạm không biên giới, có gắn kết ở nước ngoài.
Công an Hà Nội từng chủ trì một chuyên án, sau thời gian điều tra đã đấu tranh, bóc gỡ, bắt giữ ổ nhóm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan tới các nghi phạm ở Campuchia. Hiện CQĐT đã truy nã kẻ cầm đầu đường dây này.
Ngoài ra, Phó giám đốc Công an Hà Nội cho biết qua nhiều cuộc làm việc với lực lượng chức năng một số quốc gia, nhà chức trách xác định tội phạm này không còn nằm ở Việt Nam. Thời gian qua, Công an Hà Nội đã tích cực tuyên truyền về loại tội phạm này, nhưng nhiều người vẫn bị mắc bẫy.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…