Tập tản văn Sài Gòn thương còn hổng hết của nhà văn Hoàng My ghi lại những cảm nhận, góc nhìn của tác giả về thành phố nhộn nhịp, sôi động nhưng đâu đó vẫn lắng đọng với những cảnh đời, phận người.
Những thanh âm quen thuộc của cuộc sống hay những câu chuyện bình dị, những kỷ niệm buồn vui nơi TP.HCM tác giả đang sống, được cảm nhận và nặng lòng thương quý. Được sự đồng ý của Công ty Cổ phần Văn hóa Truyền thông Sống và tác giả, Zing trích đăng gửi tới bạn đọc.
Ngày tôi còn bé, ở nhà ngoại bên Phú Nhuận, mỗi sáng đi học được mẹ cho năm trăm đồng. Tờ tiền màu hồng nhạt, vẫn còn tồn tại đâu đó đến tận bây giờ, thuở ấy to lắm. Đủ để ăn tô canh bún hoặc một gói xôi bắp, chứ chẳng đùa.
Nhưng đứa con gái gầy nhom ở độ tuổi tiểu học nhìn món gì cũng thấy thèm ấy vẫn nhịn bụng để dành, tiết kiệm đợi vài ba bữa thì ghé một trong mấy tiệm ở con đường sách cũ Trần Huy Liệu. Cơ man là sách, đủ để đắm đuối chìm vào trong cái thế giới toàn sách và sách đấy, mãi chẳng muốn về.
Hồi đó sách cũ (và có lẽ cả sách mới) đa phần đều có bề ngoài tầm thường, xấu xí. Giấy đen thui, hoặc ố vàng. Bìa có khi bị bung ra thành từng mớ, từng mớ kèm dây nhợ, nhưng sách vẫn được cưng yêu lắm. Tiệm lúc nào cũng có khách vào ra, tìm mua, dặn dò kiếm giúp...
Sách cũ luôn nhuốm màu thời gian, giấy đen hoặc ố vàng. Ảnh: T.Đ.B. |
Cuốn truyện cổ Andersen giá một nghìn rưỡi, chưa bằng một dĩa xôi gà ngon lành tươm mỡ vàng ươm bán ở lề đường. Tôi nhớ mình đã sung sướng ôm tập sách quý báu ấy bằng cả hai tay trên đường đi bộ, chỉ mong mau mau tới nhà để còn vội vàng ngấu nghiến giở đọc…
Rồi Cậu bé thoát nạn đắm tàu, Đảo châu báu, Hoàng tử bé, Không gia đình… Những giấc mơ màng đẹp đẽ bay bổng nhất của ấu thơ tôi có lẽ đều bắt nguồn từ mấy cuốn truyện dịch dày cộp mang từ phố sách cũ này về.
Thú vị nhất của việc đọc sách có lẽ chính là khoảng thời gian xế chiều, tôi trốn ngủ, nằm đấy và nhắm mắt, đợi những trang sách hay ho hấp dẫn mình vừa đọc được “dần tiêu hóa” bằng cách tưởng tượng. Tức là mới đọc về cái gì, tôi sẽ tưởng tượng về chính điều ấy. Đương nhiên, tôi phải là “nhân vật chính”.
Hoang đảo ư, mình sẽ sống sao nếu cũng đi lạc như trong truyện? Hai chị em hóa thành tí hon vì uống nhầm một thứ thuốc đang được nhà bác học thí nghiệm ư? Tôi thử nhìn quanh nhà bằng đôi mắt của một cô nhóc bé cỡ ngón tay xem sao nào! Ngoài hành tinh kia có người ở thật à? Nếu là mình, thì sẽ trồng trọt, chăn nuôi và đóng tàu vũ trụ to cỡ bao nhiêu để có thể quay về trái đất nhỉ?
Một tiệm sách cũ còn sót lại trên đường Trần Huy Liệu. Ảnh: T.Đ.B. |
Một dịp, tôi tình cờ phát hiện ra phía sau tòa cao ốc, nơi cơ quan mình tọa lạc có một tiệm sách cũ. Nhỏ thôi, nhưng cũng đủ để gây nghiện. Chủ nhà kiêm luôn chủ tiệm, xem buôn bán trao đổi sách là một cái thú chứ không phải cái nghề.
Cũng phải thôi, dăm kệ sách cũ thì lời lãi bao nhiêu so với cho người ta thuê mặt bằng kinh doanh, còn mình ung dung nghỉ khỏe, tháng tháng lãnh tiền…
Chủ sách chiều khách còn hơn “chiều huông”, nhưng chắc chắn không phải vì lợi nhuận. Nếu không vì mê sách, chắc hẳn là ông đã bỏ cuộc lâu rồi.
Khách dặn vu vơ là mê cuốn này, thích cuốn kia là ông chủ nhớ vanh vách, lần sau quay lại thể nào cũng nhận được hoặc cuốn sách trong mơ hoặc bao lời giải thích, vì đâu vẫn chưa có. Mà thậm chí khách còn không nhớ là mình đã nhờ ông chủ “lục tung thành phố” để tìm giùm nữa kìa…
Năm tháng vùn vụt, tôi mỗi lần hiếm hoi quay lại phố sách cũ thân thương của ngày còn bé ấy, đều thấy văng vắng, tiêng tiếc. Hôm rồi bạn chở tôi chạy tới, tới nữa, tới lúc bạn bảo “hết đường rồi” mới hụt hẫng vì chẳng còn tìm thấy một quán sách nào. Phải thôi, thời tấc đấc tấc vàng, mấy ai còn mặn mà với những cái tủ ngang dọc ngồn ngộn những sách là sách rẻ tiền nữa nào…
Nên đừng hỏi vì sao, tôi đã reo lên ngạc nhiên khi một lần tình cờ ngang qua Trần Nhân Tôn, thấy nơi đó nhiều cửa hàng sách san sát nhau của thì hiện tại chứ không phải trong mớ ký ức gần ba mươi năm trước. Người ta vẫn muốn bán sách cũ ư, giữa cái thời mà sách báo ngày càng rẻ rúng đến muộn phiền như này?
Khu sách cũ tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: T.Đ.B. |
Tôi dừng xe lại, muốn ghé tiệm này thì lại thương tiệm kia, tự dặn lòng lần sau nhất định sẽ dành thời gian la cà cả dãy cho “đã đời”, ủng hộ ít nhiều, với một niềm tin mong manh rằng, chủ tiệm sẽ vui, sẽ còn mở cửa đợi người yêu sách ghé lại hoài hoài…
Giờ thành phố đã có đường sách, xông xênh đẹp cả sách lẫn đường. Dăm ba lần tôi đưa con ra đó dạo chơi, gặp hàng quán đẹp đẽ tinh tươm, người ta mặc áo dài đi dự ra mắt sách mới, mỉm cười chụp hình với nhau, dịu dàng lịch sự.
Đi giữa con đường sách ấy, lòng dưng không lại nhớ tới những con phố sách năm xửa năm xưa, nằm trên mấy con đường trầm mặc nhiều bóng cây, dập dìu khách lại qua, nâng niu lắm lắm…