Ngày 30/9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình chủ trì buổi lễ công bố quyết định điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Đây là bước đầu tiên nhằm chuẩn bị cho sự ra đời của một đồ án quy hoạch TP.HCM tổng thể, thay thế cho quy hoạch TP năm 2010 đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Hai mục tiêu của bản quy hoạch
Tại buổi lễ, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã công bố toàn văn Quyết định số 1528/QĐ-TTg của Thủ tướng về phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Huyền Mai. |
Quy hoạch TP hướng đến 2 mục tiêu chính: Một là tạo động lực phát triển cho toàn vùng TP.HCM, xây dựng TP thành trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm văn hóa, tri thức, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực, trung tâm du lịch, tài chính, thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế. Hai là tạo điều kiện giải quyết các vấn đề của đô thị như nhà ở, hạ tầng giao thông, môi trường, biến đổi khí hậu và an ninh quốc phòng...
Yêu cầu quan trọng trong việc xây dựng quy hoạch là phải phân kỳ hợp lý, gắn với nguồn lực thực hiện. Lựa chọn những vấn đề bất cập ưu tiên giải quyết như vấn đề liên kết vùng, phân bố dân cư, nhà ở, chất lượng sống, giao thông đô thị, quản lý ngập, sử dụng tài nguyên…
Chia sẻ tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết TP đang đứng trước những thách thức do sự phát triển nhanh, hạ tầng đô thị chưa đồng bộ, đòi hỏi đồ án quy hoạch chung TP cần được nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.
Ông Lê Hòa Bình cho rằng sự xuất hiện của dịch Covid-19 đã cho thấy những vấn đề thực tiễn về công tác quy hoạch thành phố như việc chỉnh trang các khu đô thị hiện hữu với hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố.
Dịch bệnh đã làm nổi bật hơn không gian sống chật chội của nhiều người dân tại TP.HCM. Ảnh minh họa: Ngọc Tân. |
"Từ dịch bệnh, cần rút ra những bài học thực tiễn về quy hoạch và xây dựng các khu nhà ở cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động trong các khu công nghiệp và khu chế xuất; về huy động nguồn lực xã hội để phát triển mạng lưới công trình y tế rộng khắp, chất lượng cao", Phó chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ.
Ngoài ra, lãnh đạo TP cho rằng mạng lưới giao thông và hệ thống các cơ sở logistics cũng cần quy hoạch theo hướng gắn kết chặt chẽ với mạng lưới cung ứng hàng hóa thiết yếu của các địa phương lân cận.
Tương lai của TP Thủ Đức
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Lê Hoàng Tùng cũng công bố Quyết định 1538/QĐ-TTg của Thủ tướng về phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung TP Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040.
Theo định hướng quy hoạch, TP Thủ Đức sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ, tài chính quan trọng của TP.HCM và quốc gia.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Cũng như mục tiêu quy hoạch TP.HCM, đồ án quy hoạch TP Thủ Đức sẽ phải gắn với việc giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường... Hướng tới phát triển đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; có văn hóa đặc trưng trên cơ sở bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước.
Từ mục tiêu trên, yêu cầu trọng tâm đối với công tác lập quy hoạch TP Thủ Đức là rà soát quy hoạch chung TP.HCM và các quy hoạch chuyên ngành đã được triển khai thực hiện trên địa bàn TP Thủ Đức.
Quy hoạch TP Thủ Đức sẽ tập trung vào việc thực hiện các định hướng phát triển tại khu đô thị hướng đông TP.HCM với vai trò là trung tâm mới mở rộng của thành phố (Khu đô thị mới Thủ Thiêm) và Khu đô thị Khoa học Công nghệ, hạt nhân là Khu Công nghệ cao và Khu Đại học Quốc gia.
Quy hoạch TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060, được xây dựng trên cơ sở rà soát tổng thể quy hoạch chung đã được phê duyệt năm 2010, dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Sau 11 năm triển khai, đồ án quy hoạch tổng thể thành phố được phê duyệt vào 2010 đã bộc lộ nhiều hạn chế. Nhiều mục tiêu được vạch ra từ năm 2010 đến nay vẫn chưa đạt được như chưa hình thành được các cực hút theo quy hoạch, giãn dân nội thành chưa hiệu quả, hệ thống giao thông phát triển chậm...