Ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ chia sẻ về nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục sự cố này.
- Xin ông cho biết mức độ và diễn tiến hiện tại của vụ sạt lở đến thời điểm hiện tại?
- Vụ việc bắt đầu từ giữa tuần trước, ban đầu chỗ sạt chỉ vài mét, sau đó lan rộng hơn. Cho đến thời điểm hiện tại, khu vực sạt lở đã kéo dài gần 100 m dọc bờ sông, chỗ ăn vào sâu nhất là hơn 20 m. Cho đến thời điểm này, dù vẫn có thể tiếp diễn nhưng hiện tượng sạt lở về cơ bản đã qua giai đoạn nguy hiểm nhất, quy mô sạt đang giảm dần theo từng ngày.
Ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đang chỉ đạo tại hiện trường. |
- Ông có thể cho biết nguyên nhân gây sạt lở tại khúc sông này? Dư luận cho rằng nguyên nhân có phần từ việc xây dựng công trình Vincom Xuân Khánh?
- Công trình Vincom Xuân Khánh được xây dựng bằng giải pháp khoan cọc nhồi, các cọc móng có độ sâu gần 80 m nên kiên cố và không ảnh hưởng đến địa tầng khu vực. Sạt lở tại sông Cần Thơ đã được xác định là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên. Đây vốn là khúc sông có nguy cơ sạt lở cao nhất trên toàn tuyến, khu vực sạt lở lại nằm ở bờ bên lở của sông Cần Thơ, đúng ở vị trí lõm cong vào, tạo thành điểm xung yếu nên nên nguy cơ bị sạt lở là rất lớn.
Thời điểm này, triều cường lại lên rất cao, cộng thêm lòng sông tại đây có nhiều hố xoáy ngầm. Theo khảo sát của các chuyên gia, có hiện đang có 3 hố xoáy lớn dưới lòng sông, mỗi hố dài khoảng 40 m, rộng 22-25 m, sâu hơn lòng sông từ 4-6 m; bên cạnh đó còn có rất nhiều hố nhỏ xung quanh, tạo nên những dòng xoáy chảy xiết, tác động vào bờ bên lở gây nên sạt đất. Do đó, việc sạt lở tại góc cong lõm nay là quá trình tự nhiên tất yếu chứ không liên quan gì đến Vincom Xuân Khánh.
- Như vậy có nghĩa là thành phố đã dự đoán được việc sẽ có sạt lở tại khu vực này, thưa ông?
- Sạt lở bờ sông là hiện tượng thiên nhiên bất thường, nguy hiểm và không có dấu hiệu điển hình. Tuy nhiên, căn cứ trên đặc điểm địa hình, địa chất, khúc sông này thành phố xác định có nguy cơ sạt lở cao, nên việc xảy ra là quá trình tất yếu, không tại khúc này thì có thể sẽ xảy ra ở khu vực lân cận Vincom Xuân Khánh.
- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về các giải pháp trước mắt cũng như kiên cố lâu dài cho bờ kè?
- Ngay khi xảy ra sạt lở, chúng tôi đã cùng chủ đầu tư Vincom Xuân Khánh chủ động tổ chức lấp chèn bằng bao tải cát, khảo sát đo đạc lòng sông, mời các chuyên gia tư vấn và tích cực phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để ngăn chặn và khắc phục.
Giải pháp tức thời là lấp toàn bộ các hố xoáy lở ở giữa sông bằng các bao tải cát. Các hố xoáy sau khi được lấp đầy bằng bao tải cát, trải vải địa kỹ thuật phủ mặt sẽ phủ tiếp các rổ đá chặn phía trên nhằm cố định chắc chắn. Mục đích là tạo lòng sông bằng phẳng để dòng chảy lặng đi, không tạo dòng xói lở vào bờ nữa. Đồng thời, phía sát bờ, chúng tôi cho ép cừ thép để ngăn khối đất phía trên sạt xuống.
Về lâu dài, chúng tôi sẽ khảo sát lại toàn bộ lòng sông, đo vận tốc dòng chảy, khảo sát địa chất cụ thể hơn tại khu vực xói lở để có biện pháp tối ưu nhất, tìm giải pháp đồng bộ cho toàn tuyến. Ngoài ra, khúc sông này thuộc dự án ODA kiên cố hóa 6 km đường sông có nguy cơ sạt lở cao đang được thành phố thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020. Hiện dự án đã có thiết kế và phương án kỹ thuật và sẽ triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 để giảm thiểu nguy cơ sạt lở như hiện tại.
Xin cảm ơn ông!
Đại diện Vincom Xuân Khánh: “Tòa nhà Vincom Xuân Khánh kiên cố, đảm bảo an toàn”
Hiện Trung tâm thương mại Vincom Xuân Khánh vẫn đang hoạt động bình thường. Tòa nhà có hệ thống móng là các cọc bê tông khoan nhồi có độ sâu gần 80 m nên kể cả xung quanh có bị sạt lở sâu 10-15 m thì vẫn không ảnh hưởng đến hệ kết cấu.
Ngoài ra chúng tôi đang vận chuyển về công trường các cừ bê tông dài 24 m để ép dọc bờ sông nên bờ sông sẽ có “bờ kè” sâu 24 m,đảm bảo sẽ không có sạt lở trong tương lai.
Hiện khu vực sạt lở cách Vincom Xuân Khánh một khoảng cách an toàn khá xa, cách một tuyến đường.