Sáng 14/12, một lãnh đạo Sở Nội vụ Đắk Lắk cho biết theo quy định đối với chức danh Phó chủ tịch HĐND tỉnh là do Ban thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với chức danh này tối thiểu phải có bằng đại học và cao cấp lý luận chính trị.
Khai có bằng đại học là chưa đúng
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, người được bầu vào vị trí Phó chủ tịch HĐND tỉnh phải có năng lực và uy tín, phẩm chất đạo đức chính trị.
"Theo quy định chức danh lãnh đạo phải có bằng đại học nên ông Hiệp khai như vậy là chưa đúng. Việc xử lý đối với ông Hiệp do Ban thường vụ Tỉnh ủy quyết định”, vị này nói thêm.
Theo hồ sơ, ông Hiệp khai có trình độ chuyên môn nghiệp vụ là kỹ sư lâm nghiệp, được đào tạo tại trường Đại học Tây Nguyên. Thực tế, ông Hiệp có đi học tại đây nhưng chưa được cấp bằng.
Khi thông tin phản ánh về việc ông Hiệp chưa có bằng đại học, Ban tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk đã làm việc với trường Đại học Tây Nguyên.
Ông Hiệp trong buổi họp của HĐND tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Minh Lộc. |
Theo thông báo của Đại học Tây Nguyên, qua kiểm tra hồ sơ lưu trữ về việc cấp phát bằng tốt nghiệp của đơn vị, nhà trường xác nhận chưa cấp bằng tốt nghiệp đại học cho sinh viên Nguyễn Thanh Hiệp.
Ông Hiệp chưa hoàn thành thời gian tập sự 16 tháng theo quy định của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo - PV), kể từ thời gian bắt đầu tập sự là ngày 17/4/1989, vì vậy ông này chưa được cấp bằng.
Xem xét tờ trình của ông Hiệp, Đại học Tây Nguyên cấp cho cán bộ này giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đại học ngành lâm sinh.
Lâm trường giải thể khi đang thực tập
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Hiệp, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk, cho biết ông học đại học ngành lâm sinh tại trường Đại học Tây Nguyên khóa 1984-1988.
Theo ông Hiệp, thời điểm đó, sau khi tốt nghiệp, sinh viên được chính quyền phân công thực tập.
Sau khi học xong, căn cứ vào quyết định số 15 ngày 5/4/1989, của trường Đại học Tây Nguyên, Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã điều động ông Hiệp đến nhận công tác tại Lâm trường Krông Ana.
Theo quyết định, Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Đắk Lắk điều động học sinh Nguyễn Thanh Hiệp tốt nghiệp đại học ngành lâm sinh đến nhận công tác tại Lâm trường Krông Ana.
Quyết định điều động học sinh Nguyễn Thanh Hiệp đi thực tập của Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Minh Lộc. |
Quyết định này cũng ghi thời gian tập sự là 16 tháng được hưởng 100% lương khởi điểm. Qua thời gian tập sự, cơ quan chủ quản xem xét nếu đủ điều kiện thì đề nghị công nhận vào biên chế chính thức.
“Khi tôi mới thực tập được 4 tháng thì Lâm trường Krông Ana giải thể, nên không được xác nhận hoàn thành thời gian tập sự. Sau thời gian công tác tại xã Hòa Đông (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), tôi về trường xin rút bằng thì đơn vị này cho biết tôi chưa đủ thời gian tập sự nên không cấp”, ông Hiệp nói.
Theo lãnh đạo này, việc ông khai trong hồ sơ lý lịch có bằng kỹ sư lâm nghiệp là không sai. “Tôi chưa được cấp bằng là do yếu tố lịch sử để lại chứ không phải do lỗi cá nhân”, ông Hiệp nói thêm.
Theo cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk, từ 2011-2015, ông Hiệp là Ủy viên thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016), Ủy viên Đảng đoàn HĐND tỉnh Đắk Lắk.
Từ 2015 đến nay ông là Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk.