Chủ trì cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hà Nội khẳng định, TP tiếp thu mọi ý kiến đóng góp của người dân.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng kết thúc cuộc họp báo trong khi chưa trả lời bất kì câu hỏi nào của các phóng viên. Ảnh: Công Khanh. |
Tiếp đó, ông Hùng dành hơn 15 phút trình bày lại những nội dung đã có trong quyết định của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo về việc dừng chặt hạ cây xanh. Trong đó, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh việc chặt, thay thế cây "hoàn toàn không có lợi ích nhóm, tiêu cực".
Tuy nhiên, khi trao đổi về việc tiến hành một cách chóng vánh trên hàng loạt tuyến phố như Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Phố Huế, Hàng Bài, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, chặt cây nhanh "vì sự nôn nóng của một số nhà tài trợ".
Phó chủ tịch Hà Nội thông tin, kinh phí thực hiện đề án được là từ nguồn xã hội hóa. Trong đó, một ngân hàng đã huy động 30.000 đồng mỗi nhân viên, Công an TP Hà Nội vận động mỗi cán bộ đóng 15.000-20.000 đồng...
Đúng 15h, vị Phó chủ tịch Hà Nội tuyên bố kết thúc họp báo trong khi chưa trả lời bất cứ câu hỏi nào của các phóng viên. Ông Hùng hứa UBND TP tiếp thu và gửi những câu hỏi và chuyển tới các cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng sau đó rời cuộc họp, bước ra ngoài hành lang trong sự ngỡ ngàng của những người có mặt tại UBND Hà Nội.
Lúc này, ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh văn phòng UBND Hà Nội đứng dậy phát biểu cảm ơn những đóng góp của người dân, các nhà khoa học và các cơ quan báo chí. Ông Thành cho biết, TP sẽ tiếp tục lắng nghe và ghi nhận các câu hỏi của các nhà báo.
Cuộc họp báo kết thúc với hàng chục câu hỏi bỏ ngỏ.
Hàng chục câu hỏi bị bỏ ngỏ tại cuộc họp báo. Ảnh: Công Khanh. |
Trước đó, vào 13h30 ngày 20/3, hàng trăm phóng viên các báo, đài đã có mặt tại cổng UBND TP Hà Nội để chờ tới giờ khai mạc buổi họp báo của TP Hà Nội.
14h10, mở đầu cuộc họp, Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành thông tin, việc họp báo thể hiện tinh thần nghiêm túc cầu thị của TP Hà Nội sau khi nhận được ý kiến của nhân dân, báo chí.Nêu lại những quyết định như không xây dựng khách sạn tại vườn hoa 19/8, không xây khách sạn 5 sao tại công viên Thống Nhất, không xây dựng trên đường 19/2…, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, TP luôn luôn lắng nghe ý kiến nhân dân để xây dựng Thủ đô xanh, đẹp hơn.
"Với quyết định dừng không chặt hạ, thay thế cây xanh trên một số tuyến phố, Hà Nội vẫn làm theo phương châm lắng nghe ý kiến người dân", ông Hùng nói.
Những câu hỏi còn bỏ ngỏ về việc chặt hạ cây xanh
- Ai thẩm định cây sâu mọt để chặt, đã tiến hành như thế nào mà xác định được cây sâu mọt trong thời gian ngắn?
- Cho tới ngày 20/3, Hà Nội đã chặt hạ, thay thế bao nhiêu cây xanh? Việc dừng chặt hạ theo quyết định của Chủ tịch UBND TP là tạm dừng và tạm dừng trong bao lâu? Kinh phí chặt hạ 6.700 lấy từ ngân sách của TP hay xã hội hóa? Việc xã hội hóa có khiến đề án bị chi phối bởi các doanh nghiệp, đơn vị tài trợ?
- Báo cáo của UBND TP Hà Nội nêu hầu hết nhân dân ủng hộ, đã điều tra xã hội học cụ thể chưa, số liệu cụ thể như thế nào? Việc xin ý kiến của người dân mặt phố có đúng luật hay không, mà cây xanh thuộc toàn thành phố?
- Hàng nghìn m3 gỗ bị chặt hạ đã được bán đấu giá chưa? Số tiền là bao nhiêu và sử dụng vào mục đích gì? Nguồn cây thay thế, chặt hạ từ đâu, giá thành? Những doanh nghiệp nào đứng đằng sau việc chặt cây?
- Quyết định việc chặt cây ông Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng ký, vậy ông Hùng có chịu trách nhiệm hay không?...
Những câu hỏi trên không nhận được bất cứ thông tin phản hồi cụ thể tại cuộc họp.