Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, cho biết liên quan đến việc ký hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế được giao hơn 32 hiệu phó và 605 giáo viên ở địa phương, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có hình thức kỷ thuật, xử lý các tổ chức, cá nhân sai phạm.
Tại cuộc họp báo định kỳ tháng 4, bà Ngô Thị Minh Trinh thông tin về việc kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Sỹ Kỷ, nguyên Chủ tịch UBND huyện này. Ảnh: M.Hoàng. |
Cụ thể Tỉnh ủy kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Sỹ Kỷ, nguyên chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2011-2015 (nay là Phó ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk). Huyện ủy Krông Pắc cũng đã kiểm điểm tập thể Ban Thường vụ huyện ủy; tập thể, lãnh đạo phòng Nội vụ, phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học có giáo viên hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế sai quy định nhà nước.
Đau đầu 'tháo gỡ' tình trạng thừa giáo viên
Lý giải tình trạng này, ông Y Suôn Byă, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho rằng số giáo viên ký hợp đồng thừa này bị dồn lại từ nhiệm kỳ chủ tịch huyện trước. Địa phương đang đau đầu tìm cách tháo gỡ, xác định là sẽ phải chấm dứt hợp đồng rất nhiều giáo viên, quyết tâm sửa lại cho phù hợp. Dự kiến tháng 5 tới, huyện sẽ tổ chức thi tuyển 86 biên chế giáo viên mà ngành giáo dục đang còn thiếu. Những người không trúng tuyển sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Vị Chủ tịch huyện khẳng định sẽ không bổ nhiệm thêm lãnh đạo quản lý mới cho đến khi "tháo gỡ" 32 hiệu phó dôi dư. Sau nhiều tháng điều động hiệu phó từ trường dư về trường thiếu, đến tháng 2/2017 đã giảm 12 cán bộ quản lý ở các trường. Hiện vẫn còn dư 20 hiệu phó ở bậc tiểu học và trung học cơ sở.
Trường THCS thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) đang có 13 giáo viên diện hợp đồng. Ảnh: M.Hoàng. |
Ngân sách tăng gánh nặng vì tuyển thừa giáo viên
Theo lãnh đạo huyện Krông Pắc, việc hợp đồng lao động vượt ngoài chỉ tiêu quá lớn so với nhu cầu thực tế khiến các trường chật vật chi trả lương cho giáo viên. Chẳng hạn, Trường THCS thị trấn Phước An được giao 83 biên chế nhưng số giáo viên thực tế lên đến 96 người (13 giáo viên hợp đồng vượt chỉ tiêu), mỗi năm chi lương "đội" thêm gần 400 triệu đồng.
Thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, huyện Krông Pắc có 98 trường học, được giao gần 3.600 biên chế cán bộ, giáo viên. Từ năm 2012 đến 2016, huyện này đã ký hợp đồng hàng trăm chỉ tiêu giáo viên ngoài biên chế và bổ nhiệm thừa hiệu phó đã làm tăng gánh nặng cho ngân sách.
Quá trình thanh tra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk kết luận, ông Kỷ (nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc) đã bổ nhiệm thừa cán bộ cấp phó các cơ sở giáo dục công lập khi không có quy hoạch được duyệt; ký hợp đồng tuyển giáo viên, nhân viên ngoài biên chế số lượng lớn...
Trong đơn khiếu nại, ông Nguyễn Sỷ Kỹ, Phó ban Nội chính cho rằng đây không phải do lỗi cố ý, không gây hậu quả nghiêm trọng và không có tình tiết tăng nặng. "Cá nhân tôi tự nhận hình thức khiển trách... Tôi cảm thấy hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với mình như vậy là quá nặng", đơn khiếu nại ông Kỷ nêu. Tuy nhiên, mới đây do quá mệt mỏi nên ông đã rút đơn khiếu nại và đã được chấp thuận.