Tại Oscar 2020, phim Ký sinh trùng đã lập kỳ tích khi giành 4 tượng vàng danh giá. Đứng sau thành công của bộ phim không thể không kể đến vai trò đặc biệt của CJ Group, tập đoàn giải trí hàng đầu Hàn Quốc. Đơn vị này giữ vai trò phát hành Ký sinh trùng.
Nhân dịp này, Zing.vn đã có buổi gặp với ông Jung Tae Sun, Tổng giám đốc CJ HK Entertainment. Nói về tương lai của điện ảnh, vị tổng giám đốc có 6 năm gắn bó với Việt Nam liền nhắc tới huấn luyện viên Park Hang-seo: "Khi bóng đá được nhà nước, khán giả quan tâm, lại có người thuyền trưởng giỏi đã tạo nên những thành tích xuất sắc. Vì vậy tôi tin rằng nếu điện ảnh Việt được quan tâm và đầu tư đúng mức sẽ có sự chuyển biến tích cực".
Điện ảnh Hàn phát triển nhờ đào tạo, tập đoàn lớn đầu tư
- Phim "Ký sinh trùng" vừa có chiến thắng ấn tượng tại Oscar 2020. Theo ông, thành công của bộ phim có ý nghĩa thế nào với điện ảnh Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung?
- Sự thành công của Ký sinh trùng ở Hàn Quốc và thế giới là không đoán trước được. Thậm chí, khi phát hành ở Việt Nam, chúng tôi từng nghĩ đây là bộ phim có hơi hướm hàn lâm, có thể khán giả khó tiếp nhận. Nhưng phim lại được khán giả ủng hộ, khiến chúng tôi cảm thấy rất vinh dự.
Tôi nghĩ sự thành công của Ký sinh trùng khiến các nhà làm phim ở các nước châu Á có thêm niềm tin, sáng tạo ra nhiều đề tài, chất liệu mới hơn. Trước đây, chúng tôi từng cho rằng đề tài về sự chênh lệch giàu nghèo khó có thể làm hấp dẫn. Và cách làm của đạo diễn Bong Joon-ho không khiến người xem xúc động nhưng có thể khiến họ thấu hiểu.
Ông Jung Tae Sun tin rằng sự đầu tư cho điện ảnh là đáng giá. Ảnh: Bá Ngọc. |
- Để có sự phát triển mạnh mẽ như hiện nay điện ảnh Hàn đã xây dựng nền móng ra sao?
- Điện ảnh Hàn Quốc được sự quan tâm và hỗ trợ lớn từ nhà nước. Cục Điện ảnh thường mở các khoá đào tạo cho tất cả nhân lực liên quan đến ngành điện ảnh như diễn viên, đạo diễn hình, nhân viên hậu trường…
Không phải tất cả đều được hỗ trợ 100% kinh phí nhưng tùy vào khả năng mỗi người, mức hỗ trợ sẽ khác nhau. Các khóa đào tạo thường kéo dài 3-5 tháng hoặc 1-2 năm. Cục Điện ảnh cũng đưa nhân lực sang Hollywood học hỏi.
Ở Việt Nam, tôi nhận thấy khá thiếu thốn về nguồn lực, sự đầu tư của cơ quan quản lý. Đội ngũ biên kịch, đạo diễn ít ỏi vì thế ít có sự lựa chọn khi làm phim.
- Đứng sau thành công của điện ảnh Hàn là những tập đoàn lớn như CJ, Lotte, Samsung. Phải chăng để có sự thay đổi, phát triển cần phải có sự đầu tư từ doanh nghiệp?
- Ngoài sự đầu tư của chính phủ, Cục Điện ảnh thì điện ảnh Hàn Quốc có các doanh nghiệp lớn sẵn sàng đổ tiền đầu tư. Họ không ngại đầu tư một số tiền lớn để sản xuất phim bom tấn. Họ muốn tạo ra một tác phẩm để khán giả phải ồ lên rằng ở nước mình cũng làm được hoành tráng như thế.
Những tập đoàn lớn như CJ, Lotte, Samsung... đều không ngại bỏ số tiền lớn đầu tư cho các bộ phim bom tấn hay có đề tài, cách làm mới mẻ. Họ nghĩ đó là cơ hội kiếm tiền, kinh doanh. Họ cho rằng khi tạo ra một sản phẩm tốt thì có thể đem lại nguồn lợi lớn. Có thể nói đầu tư của các doanh nghiệp lớn đã giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của điện ảnh Hàn.
Ở Việt Nam rất ít nhà đầu tư bỏ ra số tiền lớn đầu tư cho phim. Họ thường đắn đo, liệu có lấy lại được vốn hay không. Nhìn vào thị trường phát hành phim của Việt Nam hầu hết là phim ngoại, rất ít phim Việt. Đề tài của phim Việt lại không đa đạng. Mọi người chủ yếu làm phim hài bởi kinh phí thấp, cơ hội có lãi cao hơn.
Ký sinh trùng làm nên lịch sử điện ảnh Hàn khi giành 4 giải Oscar. |
- Tiêu chí gì để những bộ phim Hàn nhận được đầu tư của các tập đoàn lớn?
- Không có một tiêu chí cụ thể nào để một bộ phim thu hút vốn từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tôi nghĩ việc đầu tiên là cần tạo ra nhiều sự quan tâm, hỗ trợ nền điện ảnh từ chính phủ, nhà nước, cục điện ảnh. Chẳng hạn mục tiêu của Cục Điện ảnh Hàn là phải có được Oscar.
Khi đã có mục tiêu, những ý tưởng sáng tạo, bộ phim có khả năng thành công thì tự nhiên có nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Biên kịch ở Hàn Quốc nhận lương 5.000 USD/tháng
- Thời gian qua, kịch bản phim của Hàn Quốc không chỉ bán được nhiều nước châu Á, thậm chí cả Mỹ. Làm sao để xây dựng được đội ngũ viết kịch bản xuất sắc như vậy?
- Ở Việt Nam, tôi thấy có rất ít biên kịch. Vì vậy rất khó tạo ra kịch bản hay. Ở Hàn Quốc, biên kịch cũng như các nhân sự khác có sự đào tạo chuyên nghiệp. Ngoài ra, người làm biên kịch có thu nhập khá cao.
Tôi nghĩ cần phải trả giá xứng đáng cho sáng tạo của biên kịch. Khi mức lương dành cho biên kịch cao, mọi người mới dám theo đuổi con đường này. Nếu viết kịch bản là nghề khó kiếm tiền sẽ khó khuyến khích nhiều người tham gia.
Tại Hàn Quốc, biên kịch ký hợp đồng với đài, công ty sẽ nhận lương cứng, với mức trung bình là 5.000 USD/tháng. Nếu biên kịch tự do, từng tác phẩm trung bình sẽ nhận được 50-100.000 USD. Nếu bộ phim thành công, họ còn nhận lợi nhuận.
Ông cho biết điện ảnh Hàn đã được đầu tư suốt 30 năm qua. Ảnh: Bá Ngọc. |
- CJ Group cũng như điện ảnh Hàn đã có chiến lược gì để đưa phim ra nước ngoài, đặc biệt đến Oscar?
- Từ năm 1996, CJ đã đầu tư vào điện ảnh. Trong quá trình đó, chúng tôi đã sản xuất nhiều phim, với số vốn lớn, rất nhiều nguồn lực, không thiếu thất bại thì hôm nay mới có thành quả là Ký sinh trùng. CJ luôn có tư tưởng, sản xuất một bộ phim Hàn để mang ra thế giới.
Sau khi sản xuất phim, các nhà làm phim ở Hàn sẽ đem đi các liên hoan phim, ở nhiều thị trường khác. Phim Hàn bán rất nhiều ở nước ngoài. Việc quan trọng làm sao sản xuất nhiều thể loại, mang đi quảng bá ở nước ngoài. Nếu thể loại này không thành công thì nhà làm phim sẽ thử sang thể loại khác. Hàn Quốc đã phải mất 10 năm quảng bá ở nước ngoài mới được công nhận.
Ở Việt Nam tôi chưa thấy có một doanh nghiệp nào có suy nghĩ như vậy. Phim Việt sau khi ra rạp, không bán ra nước ngoài, chủ yếu phát trên nền tảng tivi.
Việt Nam thiếu diễn viên
- Nhiều khán giả đặt câu hỏi vì sao phim Việt có doanh thu hàng trăm tỷ đồng nhưng không thể tham gia các giải thưởng quốc tế, phát hành ở nước ngoài. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Phim Việt trong top doanh thu cao nhất hiện nay chủ yếu thuộc thể loại hài, giải trí nên khó được dự các liên hoan phim nghệ thuật hoặc bán sang nước ngoài. Nhìn danh sách phim dự Oscar có thể thấy tất cả đều mang tính nghệ thuật cao. Tuy Việt Nam đã có phim hành động nhưng khá quen thuộc, chưa có sự mới mẻ, chưa đủ tính nghệ thuật để đưa tới các liên hoan phim.
- Ông đánh giá thế nào về các phim Việt Nam trong top doanh thu hàng trăm tỷ đồng?
- Những bộ phim có doanh thu cao hiện nay tuy có đa dạng hơn ở thể loại, chất lượng đã tăng hơn. Tuy nhiên, phim hài vẫn chiếm đa số. Gần đây, xu hướng khán giả bắt đầu chán phim hài. Phim remake, kịch bản hay hơn nhưng câu chuyện không mới, đã được dựng rồi nên cũng không thể đi đường dài. Vì vậy phim Việt cũng cần đầu tư và phát triển hơn nữa.
Kịch bản trau chuốt, sản xuất phim được đầu tư lớn góp phần tạo nên thành công cho điện ảnh Hàn. |
- Một trong những lý do điện ảnh Việt khó tạo ra một tác phẩm ấn tượng có phải do khâu kiểm duyệt khó?
- 20 năm trước, ở Hàn Quốc cũng chỉ có những bộ phim hài, tình cảm, hành động và một số phim kinh dị. Tại Việt Nam, đôi khi nhà làm phim cũng có những ý tưởng thú vị nhưng khi đưa vào phim phải đem đi kiểm duyệt, bị cắt.
Như vậy bộ phim không còn nguyên vẹn với ý tưởng ban đầu. Khán giả khi xem phim bị cắt sẽ không hài lòng, cảm thấy khó hiểu. Vì vậy sự thoải mái trong kiểm duyệt cũng có tác động rất lớn đến sự mở rộng đề tài, sáng tạo của các bộ phim.
- Ông đánh giá thế nào về thị trường phim ảnh Việt Nam hiện nay?
- Tôi cảm thấy ở Việt Nam diễn viên rất thiếu, chỉ quanh quẩn vài gương mặt quen thuộc như Thái Hòa, Trấn Thành. Nhìn vào những cái tên đó, khán giả nghĩ lại phim hài. Những hạn chế như vậy khiến cho sự đầu tư cũng bị ít hơn.
Ngoài ra, việc đào tạo nhân lực cho đoàn phim cũng hạn chế. Tôi thấy phim Việt sử dụng khá nhiều các chuyên gia nước ngoài như đạo diễn hình ảnh, đạo diễn võ thuật. Nói chung Việt Nam cần được đầu tư, quan tâm hơn thì mới có thể phát triển.
Tôi cảm thấy có điều kỳ lạ, người Việt Nam cũng yêu nước, tự tôn dân tộc nhưng không đi xem phim, có sự kỳ thị với phim Việt. Phần lớn khán giả có định kiến phim Việt dở quá, chất lượng ngày càng đi xuống. Khán giả xem phim thấy tiếc số tiền mình bỏ ra.
Ở Hàn Quốc 20 năm trước cũng khá giống ở Việt Nam cũng chủ yếu là phim hài. Sau đó, đề tài đa dạng hơn, chất lượng cao hơn nên đã thu hút người xem. Hiện nay, phim Việt chỉ chiếm 20-30% số lượng phim ở rạp. Trong khi đó, phim Hàn là 40-50%, ngang bằng phim ngoại.
Sự khác biệt giữa điện ảnh Hàn Quốc, Việt Nam còn ở độ tuổi khán giả. Tại Việt Nam, mọi người đi xem phim chủ yếu là giới trẻ. Trong khi ở Hàn, người 70 tuổi vẫn đi xem phim đều đặn. Điều này không phải xuất phát từ việc ở Hàn kiếm được nhiều tiền hơn, mà xem phim trở thành thói quen của mọi người. Điều này cũng là khó khăn với điện ảnh Việt Nam.
- CJ Hàn Quốc đã tạo nên một "Ký sinh trùng" đoạt giải Oscar, vậy chiến lược của CJ ở Việt Nam là gì?
- CJ Việt Nam đã sản xuất khá nhiều bộ phim. Chúng tôi nhận thấy Việt Nam có nền điện ảnh, văn hóa khá giống với Hàn Quốc. Đây là thị trường tiềm năng. Hy vọng, chúng tôi sẽ sản xuất được nhiều phim hay, đưa nền điện ảnh Việt đi lên dù không biết mất bao nhiêu thời gian.