Thương ngày nắng về (đạo diễn Bùi Tiến Huy - Vũ Trường Khoa) được chuyển thể từ kịch bản phim Hàn Quốc Mother of mine. Bộ phim đề tài gia đình xoay quanh cuộc sống khắc khổ của một bà mẹ đơn thân. Chồng mất sớm, bà một mình tần tảo nuôi ba con gái khôn lớn.
Ở phiên bản Việt, ba nhân vật con gái là Vân Khánh (Lan Phương), Vân Trang (Huyền Lizzie) và Vân Vân (Ngọc Huyền). Trang là con nuôi, được vợ chồng bà Nga (NSƯT Thanh Quý) chăm sóc từ nhỏ. Mẹ của Trang bỏ cô ra đi vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nợ nần.
Con gái đau lòng khi đối diện mẹ đẻ
Khoảng 20 năm sau, Trang và mẹ đẻ gặp lại. Nhưng lúc này hai người đều đã sống dưới thân phận khác. Mẹ Trang - bà Kim Nhung - là Tổng giám đốc công ty Hoàng Kim. Còn Trang cũng là một trưởng phòng với năng lực giỏi của công ty này.
Vân Trang gặp lại mẹ đẻ sau hơn 20 năm xa cách. Ảnh: VFC. |
Thực tế, Trang đã âm thầm tìm hiểu về bà Nhung từ nhiều năm trước và biết đây chính là mẹ mình. Đó là lý do cô quyết tâm vào làm việc tại Hoàng Kim.
Ngày hội ngộ, Trang rưng rưng khi đối diện bà Kim Nhung. Cô cố tình mặc chiếc váy có gắn bông hoa màu trắng trên ngực (giống bộ váy mẹ đẻ từng may tặng hồi nhỏ) để gợi lại kỷ niệm. Nhưng trái với những gì Trang nghĩ, cảm xúc của bà Kim Nhung dành cho cô hoàn toàn xa lạ. Bà thắc mắc về bông hoa nhỏ trên váy, song tất cả chỉ dừng ở đó.
Việc bà Nhung tỏ ra không có một chút linh cảm đặc biệt nào đối với Trang khiến cô buồn, hụt hẫng. Chưa kể, trong một lần công ty Hoàng Kim tổ chức sự kiện, Trang để xảy ra sự cố. Phóng viên đặt loạt câu hỏi liên hỏi đến đời sống cá nhân của bà Kim Nhung. Bà nổi giận, nặng lời mắng Trang.
"Tôi nhắc để cô Trang nhớ, cô không những là người của Hoàng Kim, mà còn là một quản lý. Hãy cư xử văn minh lên, đừng quan tâm đến đời tư của lãnh đạo nữa. Hết lần này đến lần khác, cô hỏi về con gái tôi. Để tôi nói cho cô biết, nếu con gái tôi tồn tại trên đời này thì cũng không đến lượt cô quan tâm. Vì cô không có tư cách đó. Tôi mong đây là lần cuối chuyện này xảy ra. Đừng thách thức sự kiên nhẫn của tôi", bà Nhung nói.
Từng lời của bà Nhung giống như những nhát dao cứa vào lòng Vân Trang. Tủi thân, buồn rầu, Trang chỉ biết tìm về bên mẹ nuôi để được an ủi, vỗ về. Tất nhiên, Trang giấu chuyện đã gặp lại mẹ ruột.
Cô hỏi bà Nga: "Tại sao hồi đó mẹ lại giữ con lại hả mẹ". Bà Nga đáp: "Hồi ấy gia đình mình khổ nhưng con còn khốn khổ hơn. Đùm bọc nhau thì sẽ đỡ khổ hơn con ạ".
Diễn xuất ấn tượng của NSƯT Thanh Quý
Câu chuyện cuộc đời của Vân Trang được nhiều khán giả đồng cảm. Người xem xúc động với những phân cảnh bộc lộ tình cảm mẹ con nhẹ nhàng, gần gũi giữa bà Nga và Trang. NSƯT Thanh Quý diễn xuất mộc mạc, chân thực khi hóa thân vào hình ảnh bà mẹ tảo tần, khắc khổ, một đời sống vì các con.
Về phía Huyền Lizzie, trong Thương ngày nắng về, cô cũng có cách thể hiện chạm đến cảm xúc khán giả. Cô được nhận xét diễn xuất tiến bộ, chín muồi hơn so với những tác phẩm từng tham gia trước đây.
NSƯT Thanh Quý diễn xuất ấn tượng khi vào vai bà Nga. Ảnh: VFC. |
Khán giả Lương Phương bày tỏ: "Xem cô Thanh Quý diễn giống y như cách mẹ mình hay nói, ở với mẹ không bao giờ sợ đói. Xem xong lại nhớ mẹ. Mình không giỏi giang nhưng nhất định sẽ cố gắng, luôn hiếu thảo với bố mẹ". "Cứ xem đến cảnh tình cảm của Trang và mẹ Nga là cảm động rơi nước mắt" - một thành viên mạng chia sẻ trên fanpage phim.
"Xem cảnh này nhớ mẹ mình quá. Thật sự trăm vạn lần công sinh cũng không bằng công dưỡng. Người ôm mình vào lòng, che chở lúc thơ dại, cho mình tình yêu mới thật sự là người mẹ đáng kính nhất trên đời", khán giả tên Victoria Havan tâm sự.
"Thương Trang quá, gặp lại mẹ đẻ trong tình cảnh éo le. Mong đến ngày Trang trả lại chiếc vòng tay để bà Nhung nhận ra", "Nhân vật Nga nói câu nào thấm câu đó, vừa tình cảm, vừa sâu sắc"... là cảm nhận của những khán giả khác.
Bên cạnh đó, nhân vật Kim Nhung của NSND Minh Hòa đang phải đối diện với luồng ý kiến chỉ trích, trách móc. Đồng thời, người xem cũng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan, chẳng hạn lý do bà Nhung không đi tìm bà Nga hay tại sao bà không có linh cảm về tình máu mủ khi đối diện Trang.
“Bà mẹ bỏ đi khi con gái 10 tuổi. Sau 20 năm, cô bé lớn lên thì vẫn có những nét thời thơ ấu. Thái độ dửng dưng, xa lạ của bà Nhung thật sự khó hiểu. Tính cách của bà Nhung cũng khác hẳn ngày xưa, như hai người không liên quan”, tài khoản Mai Anh bình luận.
Khán giả Yến Nhi nêu ý kiến: “Cứ cho là bà Nhung tin con gái đã mất. Nhưng chẳng lẽ sau nhiều lần gặp và nói chuyện cùng Trang, bà không có cảm nhận gì đặc biệt. Dù sao sau bao nhiêu năm, con gái sẽ vẫn có nét giống mẹ. Ngược lại, bà cư xử rất lạnh lùng. Chẳng lẽ phải đợi đến lúc Trang trả chiếc vòng bạc, bà Nhung mới nhận ra đứa con gái từng mang nặng đẻ đau?”.