Cây táo nở hoa xứng đáng là bộ phim truyền hình Việt nổi bật nhất năm nay, với lượng người xem cao và bình luận sôi nổi. Tác phẩm được đầu tư lớn, thể hiện qua việc mời dàn diễn viên đình đám như Thái Hòa, Hồng Ánh, Nhã Phương.
Câu chuyện hấp dẫn nhờ khai thác tình cảm gia đình, mối quan hệ yêu thương lẫn xung đột giữa người thân. Diễn xuất của dàn sao Việt cũng là điểm cộng ở nhiều phân cảnh.
Song, từ hai tháng nay, bộ phim nhận phản ứng tiêu cực vì quá lê thê. Các tình tiết của phim bị bôi ra, mãi không giải quyết khiến người xem khó chịu. Chuyện Ngọc (Thái Hòa) bị ung thư gan nhưng giấu các em, mãi không chữa trị, kéo dài hơn mười tập.
Tính cách của các nhân vật anh em của Ngọc không có nhiều biến chuyển, trong khi anh luôn bảo bọc chúng thái quá. Một số đoạn lặp lại mô-típ cũ, như việc Báu (Nhã Phương) cứ mắc phải sai lầm cuộc sống.
Căn bệnh chung của phim Việt
Cuộc sống gia đình nặng nề trong Cây táo nở hoa. |
Sự lê thê của Cây táo nở hoa có thể thấy trước, khi bản gốc của phim (What’s Wrong, Poong Sang) chỉ có 40 tập, mỗi tập khoảng 30 phút. Bản remake của Việt Nam là 70 tập, mỗi tập 45 phút (có quảng cáo). Để lấp đầy khoảng trống, ê-kíp khó tránh việc sử dụng một số thủ pháp bôi thêm câu chuyện.
Đầu voi đuôi chuột là hiện trạng ở nhiều phim Việt gần đây. Trước Cây táo nở hoa, Gạo nếp gạo tẻ (2018 - 2019) của cùng đạo diễn Võ Thạch Thảo cũng bị chỉ trích dữ dội ở đoạn cuối. Các tập cuối, nhân vật chính Kiệt (Trung Dũng) giống như đang “câu giờ” khi thay đổi tâm lý liên tục. Hân (Thúy Ngân) lúc muốn níu kéo, lúc muốn tránh xa Kiệt. Bản gốc Hàn Quốc chỉ có 80 tập, nhưng ở Việt Nam được kéo lên đến 99 rồi 109 tập.
Một số phim truyền hình miền Bắc vướng nhận xét tương tự. Hướng dương ngược nắng (2020 - 2021) khởi đầu ổn định với diễn xuất của Thu Hà, Vân Dung, Hồng Đăng, Việt Anh. Nhưng mạch phim chặng cuối khai triển rối rắm, nhiều quan hệ phức tạp.
Hiện tượng phim truyền hình Quỳnh búp bê (2018) cũng đuối sức ở nửa sau, khi nhân vật chính Quỳnh (Phương Oanh) thoát khỏi tụ điểm ăn chơi và cố hòa nhập cuộc sống bình thường. Lúc này, kịch bản hơi cạn ý với nhiều tình tiết nặng tính sắp đặt, diễn biến tâm lý chưa mạch lạc.
Hướng dương ngược nắng kém thu hút về cuối. |
Loạt phim nổi tiếng nhất vài năm qua - Về nhà đi con (2019) - cũng bị tăng số tập. Ban đầu, nhà sản xuất thông báo phim có 68 tập, nhưng về sau nâng thành 85 tập. Một phần ba cuối phim bị nhận định thiếu cô đọng và không hấp dẫn như trước.
Vấn đề của phim này còn nằm ở việc “bôi” ra các sản phẩm sau, gồm ngoại truyện và phần phim đặc biệt Những ngày không quên (kể về việc chống Covid-19). Cách dàn dựng và tình tiết của chúng yếu hơn hẳn phần chính, đôi khi còn gượng ép như ở phần về chống dịch.
Vòng luẩn quẩn lợi nhuận và yếu tố chuyên môn
Quỳnh búp bê và Gạo nếp gạo tẻ là hai phim được người Việt tìm kiếm nhiều nhất năm 2018 (tính cả truyền hình lẫn điện ảnh). Ở báo giá của Trung tâm Dịch vụ và Quảng cáo truyền hình của VTV, Quỳnh búp bê có giá quảng cáo đến 140 triệu/30 giây. Mức giá của Gạo nếp gạo tẻ không được công bố nhưng doanh thu từ quảng cáo của phim chắc chắn cao, cộng thêm việc quảng bá thương hiệu trong phim.
Về nhà đi con và Về nhà đi con ngoại truyện dẫn đầu danh sách phim Việt thu hút năm 2019. Theo tính toán, Về nhà đi con có thể thu đến hơn 150 tỷ đồng nhờ quảng cáo.
Mỗi tập có khoảng 10 phút quảng cáo, với giá mỗi 30 giây được tăng dần từ 75 triệu đồng lên 100 triệu đồng rồi 120 triệu đồng từ tập 55. Như vậy, ở chặng cuối, mỗi tập có thể mang về đến 2,4 tỷ đồng tiền quảng cáo. Việc tính toán lợi nhuận hẳn được cân nhắc kỹ trong mỗi quyết định kéo dài các series.
Gạo nếp gạo tẻ là một vết xe đổ đáng tiếc cho việc phá hỏng thương hiệu. |
Về tay nghề, việc duy trì sức hút đến cuối là bài toán khó với nhiều nhà làm phim. Đạo diễn phim Cây táo nở hoa có khả năng chỉ đạo diễn xuất ổn ở từng cảnh, nhưng lúng túng về tổng thể. Phim này vốn nặng về bi kịch, nên khi kéo dài mà không có cốt truyện phù hợp thì dễ gây căng thẳng.
Nhà làm phim dường như đang muốn dùng nhiều tình tiết gây ức chế, nặng tính bi kịch nối tiếp nhau để giữ chân người xem. Nhưng một bộ phận công chúng đã bị bội thực bởi phong cách này.
“Càng xem phim càng bị trầm cảm” hay “Muốn mệt theo các nhân vật” là những bình luận thường thấy gần đây trên mạng xã hội về Cây táo nở hoa.
Về sâu xa, cách làm kiểu "bôi thêm" đạt cái lợi trước mắt nhưng gây ảnh hưởng xấu về sau. Về mặt nghệ thuật, nó làm chất lượng tổng thể các phim đi xuống. Khi nhìn lại, chúng gây nhiều tiếc nuối về một sản phẩm đáng ra đã phải chỉn chu, trọn vẹn hơn.
Với khán giả, điều này phá hỏng những tình cảm tốt đẹp ban đầu, làm mất giá trị thương hiệu phim. Đơn cử như phần hai của Gạo nếp gạo tẻ (ra mắt năm 2020) giảm sức hút hẳn. Tác phẩm này vừa lỏng kịch bản, vừa phải “gánh” các phản ứng tiêu cực cuối phần đầu. Nếu cảm giác đầu voi đuôi chuột lặp lại quá nhiều, người xem sẽ dần dè chừng hơn với phim truyền hình Việt. Thái độ đó vô tình trở thành rào cản cho sự phát triển chung của ngành.
Ở Hollywood, nhiều series xuất sắc có thể trụ được nhiều mùa, thậm chí càng lúc càng hay. Để đạt điều này, đơn vị sản xuất có chiến lược chặt chẽ, tính toán trước cho nhiều năm. Ở Việt Nam, phim truyền hình nội thăng tiến gần đây nhưng đều không phát triển hoặc duy trì sức hút nổi đến mùa hai. Cái vòng luẩn quẩn dường như là cứ phim hay thì bôi thêm, để rồi đuối sức và không thể đi đường dài.