Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phim truyền hình miền Bắc đã kiếm tiền tỷ trên giờ vàng bằng cách nào?

Những năm gần đây, phim truyền hình miền Bắc có sự chuyển mình về chất lượng nhờ được đầu tư về kịch bản, diễn viên và công nghệ làm phim.

Phỏng vấn Hoàng Dũng - ông trùm trong 'Người phán xử' Diễn viên chính của Người phán xử cho biết, cá tính nhân vật ông trùm có nhiều điểm Hoàng Dũng muốn học hỏi.

10 phút quảng cáo trong khung giờ vàng mỗi tập phát sóng Sống chung với mẹ chồng hoặc Người phán xử, các doanh nghiệp, nhãn hàng phải trả cho VTV khoảng 3 tỷ (chưa tính đến quảng cáo chạy banner). Làm phép tính đơn giản cũng có thể kết luận, hai bộ phim truyền hình dài tập này đã mang về cho nhà đài doanh thủ "khủng" như thế nào.

Trong khi phim truyền hình miền Nam đang "ngủ đông" vì thua lỗ, "thu không bù chi" thì phim truyền hình miền Bắc đã bắt đầu kiếm được vàng thật trong khung giờ vàng. Nhưng thành quả không ngẫu nhiên mà có. Để thu được tiền tỷ từ mỗi tập phim nhờ quảng cáo, VTV và VFC (đơn vị sản xuất phim truyền hình trực thuộc VTV) đã phải tìm cách vực dậy chất lượng phim truyền hình "made in Vietnam".

hanh trinh kiem tien ty gio vang anh 1
Hai phía chân trời - một bộ phim về cuộc sống người Việt ở nước ngoài. Ảnh: VFC.

Cuộc cách mạng vượt thoát của kịch bản

Thời điểm năm 2006-2013, phim truyền hình bùng nổ về số lượng với sự tham gia của nhiều đơn vị sản xuất phim tư nhân mà thực chất là những công ty truyền thông. Thế nhưng số phim đáng xem chỉ đếm trên đầu ngón lại, chất lượng nhìn chung ở mức trung bình, thậm chí "thảm họa".

Những kịch bản tình yêu cũ kỹ, quanh quẩn cuộc tình tay ba, tay tư. Những đề tài liên quan đến chân dài, đại gia, nhà lầu, xe hơi từng được lầm tưởng rằng sẽ kéo khán giả trở lại nhưng hóa ra lại càng đẩy phim truyền hình đến "bờ vực thẳm".

Khán giả quay lưng với phim Việt và tìm đến phim Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và cả game show, truyền hình thực tế. Để vượt thoát khỏi tình cảnh này, VFC - đơn vị sản xuất phim truyền hình lớn nhất ở miền Bắc - đã phải làm một cuộc cách mạng về kịch bản. 

Trao đổi Zing.vn, đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC cho biết việc nâng cao chất lượng nội dung kịch bản là yếu tố rất quan trọng.

Để làm cuộc vượt thoát khỏi sự tù túng của những đề tài cũ kỹ, VFC đã tìm đường ra các nước có phim truyền hình phát triển, tiêu biểu là Hàn Quốc. Loạt kịch bản Hàn Quốc được mua và Việt hóa trong đó có thể kể đến: Cầu vồng tình yêu, Tuổi thanh xuân.. Ngoài Hàn Quốc, VFC còn mua kịch bản của các nước Nhật Bản, Trung Quốc (đơn cử như Ngôi nhà trong nắng mai), để Việt hóa.

Bên cạnh việc tiếp cận những kịch bản nước ngoài, cách thể hiện câu chuyện của họ, phim truyền hình miền Bắc còn chú ý đa dạng hóa, phong phú hóa các đề tài thể hiện.

"Những năm gần đây, nhiều đề tài mới mẻ đã được thực hiện, không gian câu chuyện cũng được mở rộng đến các vùng miền, thậm chí khai thác cả đời sống của người Việt Nam ở nước ngoài", đạo diễn Đỗ Thanh Hải nhấn mạnh.

Hai bộ phim dậy sóng dư luận là Người phán xửSống chung với mẹ chồng là ví dụ tiêu biểu về cuộc cách mạng hướng ngoại kịch bản và đa dạng hóa đề tài tiếp cận.

Nếu Người phán xử được mua kịch bản từ Israel, thì Sống chung với mẹ chồng được chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết ăn khách Trung Quốc. Tất nhiên, để có thể lên sóng và được khán giả đón nhận, đơn vị sản xuất phải mất nhiều công sức trong việc Việt hóa. Người phán xử được cho là đã giảm yếu tố bạo lực, trong khi Sống chung với mẹ chồng được nhận xét là bớt khốc liệt so với bản gốc.

Nói như đạo diễn Trần Hoài Sơn sức hấp dẫn của một câu chuyện phụ thuộc vào việc câu chuyện ấy có gần gũi hay không. Sức hút của Người phán xử Sống chung với mẹ chồng nằm ở chỗ chuyển thể từ nước ngoài nhưng hồn rất hợp người Việt.

hanh trinh kiem tien ty gio vang anh 2
Sống chung với mẹ chồng là bộ phim được thu tiếng đồng bộ. Ảnh: VFC.

Kỹ năng, công nghệ làm phim được nâng cao

Chất lượng của một bộ phim truyền hình phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Do vậy, ngoài kịch bản, muốn nâng cao chất lượng phim còn phải nâng cao đồng bộ ở mọi khâu chuyên môn, trong đó có kỹ năng và công nghệ làm phim.

Vài năm trở lại đây, máy móc thiết bị làm phim truyền hình đã được đầu tư hơn. Nhiều yếu tố thay đổi dễ nhận biết, ví dụ như hình ảnh, từ chất lượng SD trước đây, các bộ phim hiện nay đã đạt được chất lượng full HD, thậm chí một số bộ phim gần đây của VFC còn đạt chất lượng 4K như Người cộng sự, Tuổi thanh xuân, Người phán xử.

NSND Hoàng Dũng cho biết trước đây mỗi lần anh đi làm phim truyền hình đều phải tập nhìn mặt trời, nhìn đèn cao áp cho mắt làm quen với ánh sáng trực tiếp cường độ cao để khi quay phim, mắt nhìn chằm chằm vào máy quay sẽ không bị đỏ hay chảy nước.

''Trước đây chỉ có một máy quay, chúng tôi thường phải nhìn chằm chằm vào máy quay và diễn với... máy. Giờ đây công nghệ làm phim đã phát triển vượt bậc. Ví dụ như với Người phán xử, tôi nhìn thấy sự tiến bộ mạnh mẽ. Cùng lúc có rất nhiều máy quay, có máy bắt hình toàn cảnh, có máy bắt hình cận, diễn viên diễn trực tiếp với nhau. Đạo diễn dựng phim có rất nhiều hình ảnh để lựa chọn, và diễn viên được hỗ trợ diễn xuất tối đa" - NSND Hoàng Dũng chia sẻ.

Sau những dự án phim hợp tác với nước ngoài, các đạo diễn miền Bắc như Khải Anh, Danh Dũng, Trọng Trinh... đã học hỏi được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm làm phim hiện đại.

Ngoài ra, một số phim truyền hình gần đây như Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng cũng đã tiến hành thu tiếng đồng bộ (thay vì lồng tiếng như trước đây).

Đây là xu hướng tất yếu, tiêu chuẩn trong việc xuất khẩu phim. Thu tiếng trực tiếp khiến phim chân thực hơn nhiều so với lồng tiếng, nhờ đó cũng chiếm được cảm tình của khán giả.

hanh trinh kiem tien ty gio vang anh 3
Người phán xử có sự tham gia của dàn diễn viên gạo cội, cùng những gương mặt diễn viên trẻ sáng giá. Ảnh: VFC.

Loại bỏ những "bình hoa di động"

Trong giai đoạn bùng nổ phim truyền hình với chủ trương xã hội hóa, dàn người mẫu - ca sĩ đã "đổ bộ" ào ạt vào màn ảnh. Một số nhà sản xuất nghĩ rằng việc mời những người nổi tiếng như ca sĩ, MC, người mẫu vào các dự án của mình sẽ lôi kéo người xem, tăng rating, bán được quảng cáo. Nhưng không ngờ lại nhận "quả đắng".

Những gương mặt hời hợt, nhạt nhẽo, vừa yếu về diễn xuất, vừa tệ về đài từ, chẳng những không làm phim truyền hình khởi sắc, thậm chí còn khiến nó rẻ rúng, dễ dãi hơn bao giờ hết. 

Một vài năm gần đây, tình trạng “bình hoa di động” vẫn nhan nhản trong tác phẩm điện ảnh nhưng vẻ như đã giảm bớt trong các dự án phim truyền hình. Đạo diễn của đơn vị sản xuất phim uy tín đã nhận ra được chân lý "vàng thau không thể lẫn lộn".

Nói như đạo diễn Đỗ Thanh Hải, nhu cầu thị trường cao, diễn viên mới khan hiếm nhưng công nghệ làm phim truyền hình cũng có sự thay đổi với những yêu cầu khắt khe hơn. Giờ đây, ngoài vóc dáng, ngoại hình, diễn viên còn phải có khả năng diễn xuất, đài từ, giọng nói vì phim được thu âm trực tiếp. Những yếu tố quan trọng đó không phải người đẹp nào cũng thực hiện được.

Hai bộ phim gây bão mạng xã hội thời gian gần đây là Người phán xửSống chung với mẹ chồng đều gây ấn tượng với dàn diễn viên chuyên nghiệp, được đào tạo về diễn xuất qua trường lớp, khóa học.

Khán giả gần như tìm lại được nhân vật “linh hồn” của phim truyền hình. Đó là NSND Lan Hương với vai bà mẹ chồng tai quái trong Sống chung với mẹ chồng và NSND Hoàng Dũng với vai ông trùm xã hội đen trong Người phán xử. Chưa bao giờ, người ta thấy thế hệ diễn viên gạo cội lại đắt giá và từng bị lãng phí đến thế.

'Người phán xử': Là quý tử nhưng Phan Hải lại lạc lõng giữa Phan Thị Sự ưu ái của ông trùm với Lê Thành, thêm việc Lương Bổng, Bảo "ngậu" đều giải quyết tốt công việc của tập đoàn khiến Phan Hải cảm thấy lạc lõng dù là quý tử của Phan Thị.

Phim truyền hình miền Bắc đã kiếm được tiền tỷ trên giờ vàng VTV

Sau thời gian dài được ưu ái trên giờ vàng, phim truyền hình Việt cuối cùng đã kiếm được tiền tỷ cho VTV nhờ "Sống chung với mẹ chồng" và "Người phán xử".



Quang Đức

Bạn có thể quan tâm