Ngày 5/5, Thanh Niên nhật báo đưa tin giới chuyên môn Trung Quốc chỉ trích việc các diễn viên, đoàn phim lạm dụng chủ đề mang tính gây sốc, tung hô quá mức nội dung, diễn xuất trên mạng xã hội. Hiện tượng xấu này phổ biến ở các phim có sự tham gia diễn xuất của nghệ sĩ lưu lượng (ngôi sao có lượng fan đông đảo, chỉ số truyền thông cao).
Lên sóng được một tuần, bộ phim Cánh cửa trùng sinh do Trương Dịch, Vương Tuấn Khải đóng chính, gây sốc với hơn 800 lần xuất hiện trên bảng chủ đề hot Weibo, Douyin. Trong đó, chi tiết Vương Tuấn Khải ngồi bồn cầu xuyên không liên tục được chạy quảng cáo trên mạng xã hội.
Nạn PR quá đà
Cây bút Trang Tự Tu nhận định "cuồng hot search" - từ khóa đứng đầu lượt tìm kiếm, bàn luận trên Weibo - đang là căn bệnh của giới nghệ thuật xứ tỷ dân. Khi một tác phẩm lên sóng, loạt chủ đề mang tính chất tranh cãi đều được đoàn phim sử dụng để lôi kéo sự chú ý của khán giả. Tuy nhiên, đa số những từ khóa này đều bị chỉ trích là PR quá đà, không đúng sự thật.
Vừa qua, ê-kíp Phong khởi Lũng Tây trở thành tiêu điểm khi đưa nữ phụ Angelababy làm công cụ truyền thông. Từ khóa "Angelababy đóng vai Liễu Oánh vừa đẹp, vừa mạnh" vào top chủ đề nóng nhất trên mạng xã hội với hàng trăm triệu bình luận trái chiều. Khác với sự tung hô của ê-kíp Phong khởi Lũng Tây, diễn xuất của vợ cũ Huỳnh Hiểu Minh mờ nhạt, tạo hình cổ trang không xuất sắc.
Nhiều tác phẩm truyền hình Trung Quốc bị chê cười vì quảng bá thiếu chân thực. Ảnh: Sina. |
Ngoài loạt "hot search" khen ngợi diễn xuất quá mức so với thực tế khả năng của diễn viên, nhiều đoàn phim còn sử dụng những chủ đề mang tính thời sự, xã hội để tăng tương tác truyền thông cho tác phẩm như: "Vương Nhất Đinh mất khả năng sinh sản", "Chồng Phùng Hiểu Cầm đột ngột qua đời", "Cố Hân vào tù, "Lưu Đào bị xét nghiệm chất kích thích"... Theo Sohu, khán giả bức xúc, cảm thấy bị lừa vì nội dung hot search không đúng với thực tế mà là tình tiết của một phim nào đó.
Chuyên gia Hiểu Hiểu, Lạc Lạc cũng đồng tình với quan điểm của Trang Tự Tu. Họ đánh giá Bảng tin giải trí của Weibo không còn sạch, và đang bị lợi dụng để giúp đoàn phim chứng minh giá trị thương mại.
Tỷ lệ nghịch với độ hot truyền thông, chất lượng của đa phần tác phẩm mang mác "được tìm kiếm nhiều", "được xem nhiều" chỉ ở mức trung bình hoặc dưới trung bình. Sự thống trị của các tác phẩm kém, nhưng có nhiều tiền PR trên Internet làm lu mờ nhiều dự án chiếu cùng thời điểm.
Năm 2021, Lương ngôn tả ý, Nữ bác sĩ tâm lý, Phong khởi Lạc Dương có hàng trăm lần xuất hiện trên Bảng tin giải trí của mạng xã hội Weibo, song những tác phẩm này đều bị đánh giá kém, nhận từ 5 điểm chất lượng trở xuống trên Douban.
Hệ lụy
Theo Nhân Dân Nhật báo, công tác quảng bá cho mỗi bộ phim, vai diễn là cần thiết và có ảnh hưởng tới thành công của dự án. Việc xuất hiện nhiều trên bảng chủ đề nóng cũng mang lợi ích lớn cho nhà sản xuất lẫn nghệ sĩ khi kích thích sự tò mò của dư luận về tác phẩm, từ đó nâng cao lượng người xem và danh tiếng.
Theo Sina, bảng xếp hạng từ khóa nổi bật Weibo hiện là kênh tiếp cận thông tin hàng đầu của người trẻ Trung Quốc. Vì vậy, nghệ sĩ và công ty sản xuất chú trọng quảng cáo ở vị trí này. Họ không ngần ngại chi tiền để ngôi sao, tình tiết phim trở thành từ khóa "tìm kiếm nổi bật", bất chấp chủ đề bị đánh giá nhảm.
Theo Lạc Lạc - chuyên gia trong ngành makerting - hành vi tiếp thị quá mức, không đúng sự thật sẽ dẫn đến sự phản cảm cho khán giả. Không chỉ vậy, hệ lụy của việc đánh giá chất lượng phim qua số lượng chủ đề nóng còn khiến vấn nạn chạy đua thành tích, làm giả số liệu và truyền thông bẩn cắm rễ sâu trong showbiz Trung Quốc.
Nhà sản Trần Tuấn cho biết các đoàn phim Trung Quốc hiện nay thường tổ chức họp báo qua loa. Tại sự kiện, thay vì chú tâm giới thiệu nội dung, quá trình thực hiện dự án, họ tạo điểm nhấn bằng những tình huống, phát ngôn gây tranh cãi để có tin tức giật gân leo bảng tin hot search.
Được đánh giá là bộ phim hay của Trung Quốc năm 2022, nhưng Khởi đầu mất điểm trầm trọng vì chiêu trò PR quá đà. Ảnh: QQ. |
Chẳng hạn tại buổi ra mắt phim điện ảnh Trái tim tôi bay lên, đạo diễn Vương Phóng Phóng khen Mạnh Mỹ Kỳ là "Châu Đông Vũ thế hệ mới", "một ngôi sao có tiềm lực vô hạn của điện ảnh Trung Quốc". Tuy nhiên, video hậu trường đăng tải cho thấy nữ thần tượng không biết cách diễn, thậm chí làm biểu cảm gương mặt chiến thắng của nhân vật cô cũng phải nhờ Vương Phóng Phóng hướng dẫn.
Theo Sohu, ngày nay, nhà sản xuất Trung Quốc phải chia nhỏ kinh phí sản xuất. Trong đó, chi phí marketing chiếm 1/3 tổng vốn dự án. Mỗi đoàn phim cần chuẩn bị ít nhất 1,5 triệu USD cho công tác quảng bá. Việc này khiến phim Hoa ngữ lao dốc chất lượng vì nhà sản xuất phải cắt giảm đầu tư sản xuất.
Trang tin cho biết tác phẩm chiếu mạng như Khởi đầu sử dụng số tiền gần 8 triệu USD vào quá trình PR cho 15 tập phim. Sau 5 ngày lên sóng, phim có 303 từ khóa, chủ đề (hot search) liên quan xuất hiện trên Bảng tin giải trí của Weibo.
Việc phim Khởi đầu chiếm trọn Bảng tin giải trí được đánh giá là hiện tượng chưa từng thấy, theo Sina. Chiêu trò quảng bá quá mức tác dụng ngược, khiến tình cảm của khán giả với Khởi đầu giảm sút, lượt xem đi xuống với lý do chỉ cần nhìn chủ đề hot search là nắm được toàn bộ mạch phim.
Cây bút Trang Tự Tu nhận xét với phương thức PR bất chấp của nhiều đoàn phim hiện nay, nạn nhân cuối cùng là ngành phim Trung Quốc và khán giả. Việc thế lực đen nhúng tay điều khiển và kiểm soát truyền thông làm rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến cảm nhận của khán giả về sản phẩm nghệ thuật. Điều này dẫn đến hiện trạng phim hay bị dìm mất tăm, phim dở lên ngôi chỉ nhờ chi bộn tiền quảng bá.