Trang phục từ thập niên 1950
Mrs. Harris Goes to Paris không chỉ đưa khán giả đến Paris mộng mơ. Qua bộ phim, người xem được dịp chiêm ngưỡng những bộ đồ xa xỉ, nằm trong kho lưu trữ của Dior. Nhà thiết kế Jenny Beavan làm việc với ê-kíp nhà mốt Pháp để tái tạo lại loạt tác phẩm nổi tiếng của thập niên 1950. Bộ phim theo chân bà Harris (Lesley Manville thủ vai) - một phụ nữ làm công việc dọn dẹp ở London vào những năm 1950 - đến Paris để tìm kiếm chiếc váy Dior như mong ước. Trong lần đến show diễn của Dior, bà Harris gặp người mẫu của thương hiệu Natasha (Alba Baptista thủ vai), kế toán André (Lucas Bravo),... Harper's Bazaar cho biết bộ phim tái tạo lại buổi trình diễn Dior với sàn runway hoài cổ, những bộ đồ kinh điển. Năm 2019, Jenny Beavan đến kho lưu trữ của Dior. Bà chọn ra 20 thiết kế trong 128 bộ đồ thuộc bộ sưu tập di sản của thương hiệu Pháp. Ngoài ra, thương hiệu cao cấp cho nhà thiết kế mượn 5 mẫu váy. Khoảnh khắc bà Harris lần đầu nhìn thấy mẫu váy cúp ngực thêu hoa của nhà mốt Pháp là một trong những cảnh quan trọng trong bộ phim. Bên cạnh đó, giây phút người mẫu Natasha khoác lên mình mẫu đầm Temptation sải bước trên sàn diễn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem. Trong những cảnh quay quan trọng của phim, trang phục từ Dior luôn trở thành điểm nhấn, một phần không thể thiếu.
Quá trình tái tạo không dễ dàng
Nhà thiết kế Jenny Beavan và ê-kíp tái tạo lại trang phục của Dior bằng màu sắc nhã nhặn thay vì tông đen, trắng - những gam được trình làng vào thời điểm đó. Điều này khiến quá trình làm lại các mẫu váy không dễ dàng. Chia sẻ về quá trình cân bằng giữa việc miêu tả một câu chuyện hấp dẫn và sử dụng trang phục của nhà mốt Pháp, Beavan nhận định: "Điều này thực sự khó khăn". Nhà thiết kế bày tỏ thương hiệu mất hàng tháng để hoàn thiện một chiếc váy. Trong khi đó, bà và ê-kíp chỉ có "hàng tuần hoặc vài ngày". Beavan không dựa vào chuyên môn của các thợ may Dior. Bà tự mình đảm nhận quy trình sản xuất các bộ đồ cao cấp. Mặt khác, nhà thiết kế mất nhiều thời gian để nghiên cứu bản phác thảo, mẫu vải, ghi chú việc trình diễn trên sàn runway. Việc tìm được nguồn vải cũng trở nên khó khăn do đại dịch.
Những cuốn sách hay về ngành Công nghiệp Giải trí
Tủ sách Nghệ thuật - Giải trí giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp giải trí và các bộ môn nghệ thuật đại chúng tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách cũng đề xuất loạt tác phẩm đáng đọc về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, giúp độc giả hiểu hơn và biết thêm về những câu chuyện hậu trường, chưa từng được tiết lộ.