Là tác phẩm mới nhất trong chùm phim người đóng chuyển thể từ phim hoạt hình của Disney, Mulan được kỳ vọng sẽ thắng lớn tại thị trường châu Á. Tuy nhiên, hành trình này lại chẳng dễ dàng.
Dự án tiêu tốn của Disney tới 200 triệu USD kinh phí sản xuất đang phải đối diện tương lai mù mờ sau khi bị lùi lịch chiếu hai lần vì Covid-19. Tuy nhiên, lận đận trong khâu phát hành cũng chỉ là một trong số rất nhiều gian nan thử thách mà phim mới có Lưu Diệc Phi từng đối mặt.
Hai lần trắc trở tại thị trường Trung Quốc
Mulan (2020) được chuyển thể từ phim hoạt hình cùng tên của Disney ra mắt năm 1998. Bộ phim kể về Mộc Lan – một cô gái hiếu thảo đã giả trai, thay cha tuổi già sức yếu tòng quân ra trận. Sau khi ra mắt, bộ phim hoạt hình đã gây tiếng vang lớn ở phòng vé cũng như đẹp lòng giới phê bình điện ảnh. Tác phẩm nhận đề cử Oscars được yêu thích trên toàn thế giới, trừ… Trung Quốc – bối cảnh văn hóa của tác phẩm.
Tại Trung Quốc, phim bị xếp lịch ra mắt rất muộn, vào tháng 2/1999, hơn nửa năm sau khi phim phát hành tại Mỹ và ngay sau dịp Tết Nguyên đán. Vào thời điểm ấy, thanh thiếu nhi – đối tượng khán giả chính của phim – đều phải quay lại trường học sau nghỉ lễ. Cùng với nạn băng đĩa lậu lan tràn, Mulan thua đậm tại thị trường tỷ dân.
Từng thất bại một lần năm 1998, Mulan (2020) là lần thứ hai Disney mang câu chuyện Mộc Lan tới Trung Quốc. |
Sau 22 năm, khi phiên bản người đóng của phim hoạt hình năm xưa đã được lên kế hoạch kỹ càng để bùng nổ ở thị trường Trung Quốc, thì bóng ma Covid-19 xuất hiện, khiến dự định của Disney một lần nữa bị đảo lộn. Disney đã lên kế hoạch phát hành Mulan tại Trung Quốc cùng ngày với toàn thế giới. Ban đầu, phim được ấn định ra rạp vào ngày 27/3, nhưng sau đó lùi tới 14/7 và mới nhất là 21/8.
Dù hoàn toàn có thể đẩy Mulan lên nền tảng xem phim trực tuyến Disney+ hay các dịch vụ phát video theo yêu cầu khác, Disney vẫn kiên trì kế hoạch đưa Mulan ra rạp. Đây có thể là quyết định bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự thực Disney+ chưa tìm được con đường tiến vào thị trường Trung Quốc, giống như rất nhiều nền tảng xem phim trực truyến khác. Mà Disney thì cần thị trường Trung Quốc để “cứu” bộ phim của mình.
Tranh cãi ngay từ đầu
Mulan không chỉ là tác phẩm được làm dựa trên một truyền thuyết của Trung Quốc, nó còn là bộ phim được tính toán kỹ lưỡng để chiều lòng khán giả thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới.
Hollywood vốn đã có một lịch sử “tẩy trắng” nhân vật trên màn ảnh từ rất lâu, mà vụ việc gần đây nhất, khiến khán giả phẫn nộ, là lựa chọn Scarlett Johannson vào vai một nhân vật người Nhật trong Ghost in the Shell (2017).
Về phía Disney, hãng phim từng lựa chọn Tilda Swinton vào vai Thượng Cổ Tôn Giả (nguyên gốc là một người Tây Tạng) trong Doctor Strange (2016), để Johnny Depp vào vai một người thổ dân da đỏ Bắc Mỹ trong The Lone Ranger (2013) và trước đó là tuyển Jake Gyllenhaal vào vai chàng trai Ba Tư trong Prince of Persia: The Sands of Time (2010).
Nhưng với Mulan, Disney đã mời Lưu Diệc Phi, một gương mặt diễn viên Trung Quốc đại lục vào vai nữ chính Mộc Lan. Sánh vai cùng Mộc Lan Lưu Diệc Phi là loạt diễn viên đã gây dựng được tên tuổi và sự nghiệp vững chắc tại thị trường Trung Quốc gồm Chân Tử Đan, Lý Liên Kiệt, Củng Lợi, Trịnh Phối Phối… Ngoài Trung Quốc, họ cũng đều là những gương mặt được cả châu Á và Hollywood biết đến.
Tuy nhiên, quyết định lựa chọn Lưu Diệc Phi của Disney từng bị phản đối dữ dội. Tuy đạo diễn Niki Cairo của Mulan đã hết lời khen ngợi người đẹp, tin rằng cô là lựa chọn tốt nhất vì vừa giỏi tiếng Anh, vừa biết võ thuật lại bỏ túi kha khá vai diễn ấn tượng tại Trung Quốc, khán giả vẫn biết rõ sự thật Lưu Diệc Phi không biết diễn.
Dù diễn xuất hay đời tư, Lưu Diệc Phi luôn là lý do người hâm mộ muốn quay lưng với Mulan. |
Dù được đào tạo bài bản, nhưng biểu hiện của Lưu Diệc Phi trên màn ảnh sau 17 năm vẫn chỉ là một “thần tiên tỷ tỷ”, xinh đẹp như tượng tạc, và diễn xuất cũng ngay đơ như… tượng. Vai diễn nổi tiếng gần đây nhất của người đẹp trong Tam sinh tam thế thập lý đào hoa (2017) tiếp tục là một nỗi thất vọng lớn Lưu Diệc Phi mang đến cho khán giả. Loạt ảnh chụp các cảnh phim, hay trailer Mulan sau khi được công bố cũng không khiến khán giả yên tâm hơn về diễn xuất của Lưu Diệc Phi.
Tiếp đó, cơn bão đánh giá sớm bộ phim 1/10 điểm cũng nổ ra trên trang thông tin điện ảnh IMDb. Sự việc càng dự báo một tương lai sóng gió của bộ phim tại thị trường châu Á.
Thay đổi quá đà so với nguyên tác hoạt hình
Trong bản phim hoạt hình, Mộc Lan cải trang thành nam giới thay cha tòng quân. Trong quân ngũ, cô trở thành cấp dưới của tướng quân Lý Tường. Ban đầu cả hai ở thế đối đầu, nhưng rồi qua nhiều lần hoạn nạn có nhau, họ trở thàng bạn, trước khi nên duyên.
Tuy nhiên, phiên bản chuyển thể người đóng của Mulan lại ra đời vào thời điểm Hollywood vẫn sôi sục vì các vụ việc quấy rối, xâm hại tình dục, cưỡng dâm của những người đàn ông có quyền lực trong ngành công nghiệp điện ảnh với các nữ diễn viên mới vào nghề bị phanh phui.
Nhờ vào sự phát triển của phong trào #Metoo, Lý Tường từ chỗ một người thủ lĩnh, một người bạn của Mộc Lan trở thành ám chỉ của mối quan hệ không lành mạnh giữa một cô gái và cấp trên – theo lời giải thích của Disney. Nỗi lo sợ khó hiểu của Disney dẫn tới việc Lý Tường bị loại bỏ khỏi phiên bản chuyển thể người đóng.
Disney muốn Mulan là một bộ phim không mang màu sắc kỳ ảo, nhưng lại để nhân vật của Củng Lợi có khả năng hóa chim. |
Để khỏa lấp chỗ trống của Lý Tường, biên kịch của Mulan đã tạo ra hai nhân vật, ứng với hai vai trò của anh trong cuộc đời Mộc Lan: một người dẫn đường trong vai trò tướng Tung (chỉ huy của Mộc Lan trong quân ngũ) và một người tình trong vai trò Honghui (người yêu của Mộc Lan).
Không chỉ xóa bỏ Lý Tường, bản chuyển thể mới của Disney còn gạch bỏ hai nhân vật khác rất được yêu thích là rồng lửa Mộc Tu và chú dế con – bạn đồng hành của Mulan trong những ngày ở quân ngũ.
Chú rồng nhí nháu bị xóa bỏ khỏi bản phim mới vì nhà sản xuất muốn kể một câu chuyện chân thực, ít yếu tố cổ tích thần thoại hơn. Nhưng xét việc Disney đã thêm một con chim phượng hoàng, và một nữ phù thủy có khả năng hóa thành chim vào phiên bản Mulan người đóng “chân thực” của họ, lý do Mộc Tu bị xóa bỏ có lẽ là nhằm “chiều lòng” khán giả Trung Quốc.
Theo lời nhà nghiên cứu văn hóa Stanley Rosen, dù được lòng khán giả Âu Mỹ và nhiều quốc gia khác, nhưng Mộc Tu lại bị khán giả Trung Quốc ghét bỏ. Họ cho rằng hình ảnh con rồng bé xíu, lắm lời, làm công việc nâng khăn sửa túi cho một cô gái thể hiện sự bất kính với nền văn hóa Trung Quốc, nơi rồng là một sinh vật mạnh mẽ, huyền bí và linh thiêng.