Nhắc đến ngành giải trí Hoa ngữ, hàng chục năm qua người ta nói đến những tượng đài như Thành Long, Chân Tử Đan, Hồng Kim Bảo, Trương Quốc Vinh, Trịnh Tú Văn, Mai Diễm Phương, Củng Lợi, Chương Tử Di. Danh sách những cái tên được gọi là “để đời” của thế hệ cũ dài đến mức chỉ thống kê thôi có lẽ cũng mất vài trang A4.
Chẳng lạ khi trong số những cái tên đó, 99% là ngôi sao Hong Kong. Ở thập niên 1970-1990, nghệ sĩ sinh ra tại Đại lục muốn tìm được tiếng nói ở châu Á, họ phải đến Hong Kong lập nghiệp.
Hong Kong đã ở đâu trong bản đồ phim ảnh châu Á? |
Như một sự trùng hợp khi phim ảnh Hong Kong đi xuống cũng là lúc showbiz Hoa ngữ đang mất dần tiếng nói ở châu Á. Những ngôi sao hàng đầu ngày ấy - người qua đời, kẻ đã già không có người kế cận. Có một ý kiến miêu tả “ngành nghệ thuật đang thoái trào, những ngôi sao cũng dần tắt như một người ở giai đoạn hấp hối”.
Cái nôi tạo ra siêu phẩm và ngôi sao
Nhiều năm trước, trong ký ức của khán giả thế hệ 7X đến 9X, ai cũng quen thuộc với những chiếc băng đĩa phim chưởng hay phá án TVB, xem phim hành động Chân Tử Đan, Thành Long.
Hong Kong có nền công nghiệp làm phim điện ảnh và truyền hình phát triển hơn hẳn so với Đại lục, Đài Loan. Các nhà sản xuất tự bỏ vốn đầu tư, tìm kiếm diễn viên và tạo ra những siêu phẩm trên màn ảnh. Mỗi năm trung bình Hong Kong có hơn 200 phim lớn nhỏ được ra mắt. Tờ Variety từng ngả mũ gọi Hong Kong là “Hollywood của phương Đông”.
TVB, đài truyền hình lũng đoạn Hong Kong, tự mở lớp đào tạo diễn xuất. Ngoài TVB, Hong Kong còn có công ty Gia Hòa, Cinema City, ATV, Anh Hoàng. Đây trở thành cái nôi chào đời của hàng loạt ngôi sao đẳng cấp châu lục.
Hong Kong một thời là nơi tạo ra những phim kinh điển, ngôi sao hàng đầu châu Á. |
Đó là một Trương Quốc Vinh được ví như “người tiên phong trong nhạc đàn và phim ảnh”, “Bách biến thiên hậu” Mai Diễm Phương, “ông hoàng võ thuật” Thành Long, Hồng Kim Bảo, Chân Tử Đan hay Tứ đại Thiên vương, Ngũ hổ tướng màn ảnh nhỏ. Tất nhiên, không thể thiếu “anh cả” Châu Nhuận Phát, vua hài Châu Tinh Trì.
20 năm trước, bạn sẽ bị cười nhạo đầy khinh miệt nếu phỏng đoán ngày lao dốc của điện ảnh Hong Kong và sự vắng bóng của những ngôi sao mới.
20 năm sau, dự cảm bất an tưởng như đùa lại thành thật. Hong Kong đang biến mất thực sự trong ảnh đàn, chứng kiến sự sụp đổ của những đế chế và phai nhạt bản sắc màn ảnh.
Những tên tuổi từng được quý mến như Thành Long còn bị người dân Hong Kong quay lưng. Họ sẵn sàng chào đón Edward Snowden cũng không cần "người con của Hong Kong". Họ dần ghét ông vì ông làm phim không còn mang màu sắc Hong Kong.
Rồng đổi màu hay cơn hấp hối?
Năm 1997, đài ATV ra mắt phim truyền hình Năm 97, rồng đổi màu. Đây cũng là năm Hong Kong được trao trả về Trung Quốc. Hai thập kỷ trôi qua đã kéo theo những sự thay đổi đầy tiếc nuối trong ngành công nghiệp điện ảnh.
Ngay khi trở thành đặc khu hành chính Trung Quốc, Hong Kong đối diện cơn suy thoái vì khủng hoảng tài chính châu Á. Tiếp đó là cuộc chiến đương đầu với dịch SARS. Nền kinh tế sụt giảm và các nhà làm phim dần thoái vốn sản xuất.
Đài TVB danh tiếng một thời đã phải cắt giảm chi phí, chấp nhận cảnh nghệ sĩ dứt áo ra đi. Đài ATV cũng trở thành quá khứ khi sụp đổ vào năm 2015. Từ những năm 1990 với con số 200 phim làm ra mỗi năm, đến năm 2004 chỉ còn 70 phim. Theo báo cáo mới trong năm 2016, Hong Kong trung bình ra mắt 30 phim.
Khán giả Hong Kong tẩy chay nghệ sĩ nổi tiếng, các phim mới vì màu sắc địa phương đã không còn. |
Trong khi đó, ở bên kia bờ Đại lục, các nhà sản xuất nội địa sản xuất ào ào. Mất thị phần, nhiều nghê sĩ Hong Kong chạy sang Đại lục tìm cơ hội. Chỉ đáng tiếc, đóng phim nhiều nhưng tác phẩm điện ảnh của họ không còn tạo được tiếng vang như xưa. Điện ảnh Hoa ngữ mất dần thị trường vào tay Hàn Quốc - thế lực điện ảnh mới của châu Á.
Dàn ngôi sao năm đó vẫn không có thêm cái tên thực sự nổi bật. Nếu như trong âm nhạc, khán giả vẫn chỉ nhắc đến Trương Học Hữu, Trương Quốc Vinh là “ca thần” thì Tứ đại Thiên vương luôn nói đến Quách Phú Thành, Trương Học Hữu, Lê Minh, Lưu Đức Hoa.
Thời gian chuyển dời, nhưng Hong Kong vẫn chỉ có ngần ấy cái tên được nhắc đi nhắc lại. Họ đều đã ở tuổi ngoài 50, có người đã qua đời. Dù yêu quý đến đâu, những người hâm mộ trung thành nhất buộc phải thừa nhận: “Tài tử, giai nhân thế hệ này đang sống với hào quang quá khứ”.
Những tượng đài màn ảnh đã già nua. |
Họ đã không còn vẻ thanh xuân, sức trẻ để cống hiến hết mình cho từng vai diễn. Họ tiếp tục hoạt động nghệ thuật bằng một số vai cầm chừng không quên nhắc lại hào quang quá khứ. Hồi cuối tháng 6, Trương Học Hữu đốt cháy sân vận động tại Sơn Tây bằng những ca khúc “một thời để nhớ” vì đã lâu lắm rồi anh không có sản phẩm mới.
20 năm qua, Hong Kong có thêm một số phim điện ảnh gây chú ý như Tuyệt đỉnh Kung Fu, Mười năm, Tâm trạng khi yêu, Diệp Vấn, phim truyền hình có thể kể đến Thâm cung nội chiến. Nhưng ngần đó là chưa đủ với một nơi từng là đế chế điện ảnh châu Á.
Cái giá phải trả cho sự sáng tạo đã bị kiểm soát
Nói đến sự thất bại của điện ảnh Hong Kong không chỉ liên quan đến tiền và thị phần. Một nguyên nhân từng được mổ xẻ khá nhiều đó là sự “thao túng của Bắc Kinh”.
Hiệp định Hợp tác kinh tế giữa Hong Kong và Đại lục xóa bỏ hàng rào thuế quan. Đồng nghĩa phim do Hong Kong sản xuất được tự do phát hành tại Trung Quốc. Trần Khả Tân, Từ Khắc và nhiều đạo diễn Hong Kong đã tìm đến thị trường nội địa. Họ làm tốt nhiệm vụ mang về doanh thu.
Đánh giá từ Hiệp hội điện ảnh Trung Quốc cho hay trong 50 phim doanh thu tốt nhất có đến 15 phim do phía Hong Kong thực hiện.
“Các nhà làm phim tìm kiếm lợi nhuận, hợp tác sản xuất và chấp nhận việc gửi kịch bản để ban giám sát kiểm duyệt theo yêu cầu từ Đại lục”, nhà phê bình Freddie Vương nói.
Hong Kong: Bao giờ đến ngày trở lại? |
Như một logic thông thường, sự sáng tạo trong cách làm phim Hong Kong đã bị kiểm soát. Khán giả địa phương bắt đầu quay lưng với các tác phẩm này. Với họ, bản sắc phim Hong Kong đã bị bào mòn.
Đạo diễn 28 tuổi Hoàng Tiến, người vừa nhận giải Đạo diễn mới xuất sắc tại Kim Tượng nói: “So với 20 năm trước, phim Hong Kong bây giờ đã thiếu đi sự đa dạng, sáng tạo và lôi cuốn”.
“Thay vì tập trung vào thị trường Đại lục, chúng ta cần phải kể những câu chuyện cho khán giả toàn cầu”, anh nhấn mạnh.
Hoàng Tiến đắn đo về tương lai điện ảnh xứ Cảng thơm. “Đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ Hong Kong đang ở đâu trong bản đồ điện ảnh? Đã đến lúc chúng ta cần phải tìm lại chính mình”, anh trăn trở.