Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Philippines vỡ mộng với các dự án đầu tư 45 tỷ USD của Trung Quốc

Sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố “xoay trục” sang Trung Quốc, Bắc Kinh cam kết đầu tư 45 tỷ USD vào quốc gia Đông Nam Á. Nhưng đó chỉ là những con số ảo.

Theo Nikkei Asian Review, năm 2018 Sanya Group, một tập đoàn phát triển khu nghỉ dưỡng của Trung Quốc, cam kết đầu tư 298 triệu USD vào đảo Grand ở Philippines với tham vọng biến nơi đây thành “Maldives mới”. Thỏa thuận này được ký kết chính thức hồi tháng 4 bên lề hội nghị Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh.

Nhưng chỉ vài tuần sau, nó sụp đổ. Kế hoạch xây dựng “80 căn hộ siêu cao cấp trên mặt nước” của Sanya vi phạm luật pháp Philippines và thỏa thuận này cũng không được Cơ quan Đô thị Vịnh Subic (SBMA) thông qua. “Có quá nhiều vấn đề”, Nikkei Asian Review dẫn lời Chủ tịch SBMA Wilma Eisma cho biết.

Các tổ chức quốc phòng Philippines cũng phản đối thỏa thuận này. “Các quan chức quốc phòng đã công khai bày tỏ mối lo ngại của họ trên phương tiện truyền thông”, một quan chức Hải quân Philippines nói.

Trung Quoc dau tu vao Philippines anh 1
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte "xoay trục" Trung Quốc hồi năm 2016. Ảnh: Reuters

Quân đội Philippines phản đối các dự án Trung Quốc

Kế hoạch đầu tư của Sanya không phải dự án Trung Quốc bị tê liệt hoặc đổ bể do sự phản đối quyết liệt của quân đội Philippines. Dự án thành phố thông minh 2 tỷ USD do Công ty Fong Zhi của Trung Quốc đề xuất triển khai trên đảo Fuga ở miền bắc Philippines bị chỉ trích kịch liệt vì lý do an ninh.

Thỏa thuận mua lại xưởng đóng tàu Hanjin ở Vịnh Subic của một công ty Trung Quốc cũng bị chặn đứng hồi đầu năm nay sau khi Hải quân Philippines lên tiếng phản đối.

Theo Nikkei Asian Review, cái chết của những dự án đình đám này đã cho thấy hết những hạn chế trong chiến lược “xoay trục Trung Quốc” của Tổng thống Duterte. Ba năm trước, ông Duterte tuyên bố “phân ly” Mỹ, đổi lại Trung Quốc hứa đầu tư vào hạ tầng và nền kinh tế Philippines.

“Tôi cần Trung Quốc hơn bất kỳ ai khác tại thời điểm này. Tôi cần Trung Quốc”, Tổng thống Duterte nhấn mạnh trong một bài phát biểu hồi năm ngoái.

Nhưng rất nhiều người Philippines không đồng ý với quan điểm đó và không tin vào Trung Quốc, đặc biệt là giới quân sự quốc gia Đông Nam Á. Họ cho rằng các dự án đầu tư của Trung Quốc đều có ý đồ và liên quan tới tranh chấp Biển Đông.

Trung Quoc dau tu vao Philippines anh 2
Ông Duterte từng khẳng định "cần Trung Quốc hơn bất kỳ ai". Ảnh: Rappler

Và trong hai năm qua, các dự án đầu tư của Trung Quốc đối mặt với làn sóng phản đối ở Philippines, dẫn tới việc bị đình hoãn hoặc đổ bể. Đây là thách thức lớn đối với Tổng thống Duterte và chiến lược dùng tiền Trung Quốc để xây hạ tầng và thúc đẩy nền kinh tế của ông.

“Điều đó không ảnh hưởng đến quãng thời gian cầm quyền còn lại của ông Durterte, nhưng là bằng chứng cho thấy việc nhượng bộ Trung Quốc không đem lại lợi ích gì", chuyên gia Collin Koh thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng ở Singapore nhận định.

"Nó cũng sẽ tác động lớn đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2022, và sẽ tạo ra rủi ro lớn cho những ứng cử viên ủng hộ Trung Quốc”, chuyên gia Koh nhấn mạnh. 

Hi vọng lắm, thất vọng nhiều

Cú “xoay trục” gây tranh cãi của Tổng thống Duterte diễn ra vào tháng 10/2016. Quay lưng với đồng minh Mỹ, ông Duterte đến thăm Trung Quốc và hân hoan trở về Philippines khi được Bắc Kinh hứa sẽ đầu tư và cho vay 24 tỷ USD.

Bốn chuyến thăm tiếp theo của ông Duterte, bao gồm hai chuyến trong năm 2019, giúp đã nâng cam kết đầu tư của Trung Quốc vào Philippines lên 45 tỷ USD. Các doanh nghiệp Trung Quốc vẽ ra nhiều dự án xây nhà máy thép, trung tâm công nghiệp, đường sắt, cầu và nhà máy điện tại quốc gia Đông Nam Á.

Nếu được triển khai, rất có thể các dự án này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế 330 tỷ USD của Philippines.

Năm 2015, trước khi ông Duterte lên nắm quyền, đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Philippines chỉ đạt vỏn vẹn 570.000 USD. Năm ngoái, con số này tăng lên gần 200 triệu USD.

Thương mại song phương tăng từ 17,65 tỷ USD lên 30,83 tỷ USD vào năm 2018. Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà nhập khẩu chuối lớn nhất của Philippines.

Tuy nhiên, hầu hết dự án hạ tầng lớn đều tê liệt. Đến nay, chỉ có ba dự án - bao gồm hai cây cầu ở Manila và một hệ thống thủy lợi tại miền bắc Philippines - bắt đầu được xây dựng. Một số dự án chết đứng ở giai đoạn nghiên cứu khả thi rồi bị hủy bỏ.

Một dự án nhà máy thép 700 triệu USD giữa Baiyin International Investment và Global Ferronickel - được ký kết trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2016 của ông Duterte - bị hủy bỏ. “Giá hàng hóa sụt giảm khiến đối tác Trung Quốc không muốn tiến hành dự án”, Chủ tịch Global Ferronickel Dante Bravo tiết lộ.

Trung Quoc dau tu vao Philippines anh 3
Sri Lanka đánh mất quyền kiểm soát hải cảng chiến lược quan trọng Hambantota vào tay Trung Quốc vì bẫy nợ. Ảnh: Xinhua

Cuối tháng 9, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. công khai bày tỏ sự thất vọng. “Chúng tôi ký kết nhiều thỏa thuận nhưng phần lớn không được thực hiện. Đầu tư và hỗ trợ của Trung Quốc không thấm vào đâu so với Nhật Bản”, ông Locsin Jr. khẳng định.

Nhiều chính trị gia Philippines cũng lo ngại việc vay Trung Quốc sẽ đẩy quốc gia Đông Nam Á vào “bẫy nợ” giống như số phận của các nước đối tác sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Phó tổng thống Leni Robredo mới đây nhắc lại việc chính quyền Sri Lanka không thể trả nợ Bắc Kinh và phải cho công ty Trung Quốc thuê một hải cảng chiến lược.

Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế xã hội Ernesto Pernia thanh minh rằng tình trạng chậm chễ xuất phát từ việc “thẩm định nghiêm ngặt”. Tuy nhiên Philippines không gặp nhiều vấn đề với các khoản đầu tư và hỗ trợ từ Nhật Bản. Năm 2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết hỗ trợ Philippines 9,35 tỷ USD trong vòng 5 năm.

Philippines từng gặp nhiều rắc rối với các dự án của Trung Quốc trong quá khứ. Năm 2012, Trung Quốc hủy bỏ khoản vay 400 triệu USD cho một dự án đường sắt tại Philippines sau khi đưa tàu đến xâm lấn bãi cạn Scarboroug.

Một dự án mạng băng thông rộng của ZTE cũng bị đình chỉ do cáo buộc tham nhũng. Năm 2011, Ngân hàng Thế giới (WB) cấm cửa Tập đoàn Xây dựng Viễn thông Trung Quốc trong 5 năm vì hành vi tham nhũng trong một dự án ở Philippines. 

Đầu tư có ý đồ

Trung Quốc chiếm giữ đóng bãi cạn Scarborough vào năm 2012. Tổng thống Philippines Benigno Aquino kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài ở The Hague vào năm 2013. Năm 2016, tòa ra phán quyết có lợi cho Manila.

Tòa án đưa ra phán quyết có lợi cho Manila vào tháng 7/2016, hai tuần sau khi ông Duterte nhậm chức. Từ đó đến nay, Trung Quốc tiếp tục leo thang căng thẳng trên Biển Đông khi bồi đắp bảy hòn đảo nhân tạo trái phép.

Hồi tháng 6, căng thẳng bùng lên khi một tàu Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá Philippines tại vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á.

Trung Quoc dau tu vao Philippines anh 4
Người Philippines không hề tin Trung Quốc. Ảnh: AFP

Theo Nikkei Asian Review, giới quân sự Philippines lo ngại Trung Quốc đầu tư vào nước này nhằm chiếm lợi thế chiến lược trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Cựu Phó đô đốc Alexander Pama khẳng định: “Ý đồ của Trung Quốc là rất rõ ràng. Chỉ cần nhìn vào bản đồ thôi là đủ lo lắng rồi".

Nhưng không chỉ có quân đội Philippines phản đối vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong nền kinh tế nước này. Theo khảo sát của Social Weather Stations hồi tháng 6, chỉ số niềm tin của người Philippines với Trung Quốc sụt giảm xuống -24%, trong khi niềm tin với Mỹ, Nhật Bản và Australia lần lượt là 73%, 45% và 46%.

Hàng loạt dự án khác của Trung Quốc cũng vấp phải sự phản đối quyết liệt của dư luận Philippines. Bất chấp điều đó, ông Duterte vẫn tiếp tục ủng hộ những thỏa thuận gây tranh cãi. China Telecom sắp bước vào thị trường Philippines thông qua công y liên doanh với Udenna. Công ty này còn được phép lắp thiết bị liên lạc trong các căn cứ quân sự của Philippines.

Hồi tháng 8, ông Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt thỏa thuận tiến hành một sáng kiến khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Trên thực tế, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Duterte vẫn tăng nhờ tăng trưởng kinh tế ổn định, các biện pháp cắt giảm thuế và chính sách miễn học phí tại các trường đại học công lập.

Tuy nhiên giới quan sát cho rằng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022, các ứng cử viên ủng hộ Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và phản ứng của cử tri.

Hơn 400 người Trung Quốc bị bắt tại Manila vì cáo buộc lừa đảo

Đã có hơn 500 người nước ngoài, trong đó có hơn 400 người Trung Quốc bị trục xuất khỏi Manila vì tội lừa đảo, theo Bloomberg.


Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm