Philippines bắn chết ngư dân Đài Loan để cảnh cáo TQ?
Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines thừa nhận đã bắn vào một tàu cá Đài Loan, trong vụ việc mà giới chức Đài Bắc cho rằng một ngư dân đã thiệt mạng.
Tuyên bố của lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) tại cuộc họp báo cho biết, các tàu đánh cá Đài Loan nhiều lần cố gắng đâm vào chiếc tàu tuần tra MCS 3001, buộc họ phải bắn cảnh cáo.
"Chúng tôi đã không thể xác minh những gì đã xảy ra với tàu cá, và sau đó nhận được thông tin một trong những ngư dân Đài Loan đã thiệt mạng", Chuẩn Đô đốc PCG Rodolfo Diwata Isorena cho hay.
“Phía Philippines đã bắn vào máy để làm hỏng tàu… nếu ai đó thiệt mạng, họ đáng được gửi lời chia buồn nhưng không phải là lời xin lỗi”, người phát ngôn lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines, Trung tá Armand Balilo, nhấn mạnh.
Ông Balilo cho hay vụ việc xảy ra ở ngay phía bắc đảo chính Luzon, trên kênh Balintang và là một phần của lãnh thổ Philippines. Khi đó các nhân viên của họ đã thực hiện đúng nhiệm vụ là ngăn chặn đánh bắt trái phép.
Tranh chấp trên Biển Đông ngày càng quyết liệt. |
Giới phân tích nhận định, có nhiều lý do khiến “giọt nước bị tràn ly”, dẫn đến hành động Philippines. Dù là phần lãnh thổ tách khỏi Trung Quốc và được Mỹ “bảo trợ”, nhưng Đài Loan cũng tuyên bố một phần chủ quyền trên Biển Đông, khiến tình hình tranh chấp giữa các bên càng trở nên căng thẳng. Có thể nói, với hành động này, Manila đã một mũi tên trúng hai đích.
Trước các tuyên bố và hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông, Manila đã vô cùng tức giận, và ngư dân Đài Loan chính là “cái thớt” để Philippines “trút” hết sự căm phẫn của mình. Manila đã gửi đơn kiện lên Tòa án Quốc tế nhằm “dằn mặt” Trung Quốc, nhưng xem ra “cái lý thuộc về kẻ mạnh”, nên Trung Quốc vẫn “nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật”, và điều này có thể đã chạm đến lòng tự ái của Manila. Thứ hai, thông qua hành động này, Manila muốn dằn mặt, từ đó gửi đến Trung Quốc một thông điệp cứng rắn “đừng ỷ lớn bắt nạt bé”.
Có thể giới cầm quyền Manila đã tính toán rất kỹ những hệ lụy mà hành động này mang lại, vì nói gì thì nói, Trung Quốc vẫn mạnh hơn Philippines rất nhiều trong tương quan so sánh lực lượng. Nếu tranh chấp xảy ra thì Philippines vẫn sẽ là bên bị thiệt.
Liên quan tới tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc chỉ kiên trì quan điểm đàm phán song phương (riêng rẽ với từng quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền”, hành động này không khác nào muốn “chia tách bó đũa” ASEAN. Với động thái của mình, Manila cũng được cho đang “giương cao” ngọn cờ trong cuộc đấu tranh đòi chủ quyền trước tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Philippines muốn “nổ tiếng súng” đầu tiên nhằm “lên dây cót” cho các nước khác trong khu vực để chống lại “bá quyền” Trung Quốc.
Giới phân tích nhận định, hành động của Philippines ở cấp độ nào đó cũng sẽ khiến quan hệ song phương thêm căng thẳng. Bắc Kinh chắc chắn sẽ có thêm những hành động mạnh tay để “dằn mặt” Manila nói riêng và ASEAN nói chung thời gian tới. Chính vì vậy, ASEAN cần có thêm những hành động và cơ chế để tăng cường đoàn kết, có vậy mới có thể đối phó với một Trung Quốc ngày càng mạnh, xét trên cả lĩnh vực kinh tế và quân sự.
Thanh Hương
Theo Infonet