Một mảnh vỡ của máy bay AF447 được lực lượng Hải quân Brazil trục vớt tại Đại Tây Dương. Ảnh: Reuters. |
Với nỗ lực của luật sư gia đình các nạn nhân trong nhiều năm qua, phiên tòa ngày 10/10 sẽ là lần đầu tiên các công ty Pháp bị đưa ra xét xử trực tiếp sau một vụ tai nạn hàng không, thay vì các cá nhân điều hành các công ty này, theo Guardian.
Phiên tòa lịch sử sẽ xem xét vai trò của những cảm biến tốc độ không khí và của các phi công trong việc dẫn đến tai nạn. Phiên tòa cũng sẽ phân tích kỹ lưỡng những chi tiết trong buồng lái vào những phút cuối cùng trước khi máy bay rơi xuống biển.
Trả lời AFP, Daniele Lamy, người đứng đầu của nhóm nạn nhân Entraide et Solidarité, cho biết: “Chúng tôi mong đợi một phiên tòa công bằng và mẫu mực để điều này không bao giờ xảy ra nữa. Và kết quả là hai bị cáo (hãng hàng không Air France và Airbus) sẽ ưu tiên an toàn thay vì lợi nhuận”.
Air France và Airbus có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 225.000 euro. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phiên tòa kéo dài 9 tuần này dự kiến không đặt ra các hình phạt tài chính đáng kể, theo Reuters.
Cả hai công ty đều phủ nhận mọi sơ suất liên quan đến tình tiết phạm tội hình sự. Năm 2019, các thẩm phán điều tra vụ việc cũng đã bác bỏ cáo buộc, cho rằng vụ tai nạn chủ yếu là do lỗi của phi công.
Gia đình các nạn nhân không đồng ý với phán quyết trên. Năm 2021, tòa phúc thẩm ở Paris đã ra phán quyết có đủ bằng chứng để cho phép tiến hành xét xử phúc thẩm vụ việc.
Mảnh vỡ của máy bay mang số hiệu AF447 được trục vớt và đưa về cảng Recife, Brazil. Ảnh: Reuters. |
Vụ tai nạn xảy ra vào ngày 1/6/2009 đã làm rúng động ngành hàng không thế giới khi chuyến bay mang số hiệu AF447 biến mất khỏi radar trong lúc băng qua một cơn bão trên Đại Tây Dương. Chiếc Airbus A330 đã biến mất giữa màn đêm mà không có dấu hiệu cầu cứu.
Nhiều ngày sau, các mảnh vỡ được tìm thấy giữa đại dương, nhưng phải mất gần hai năm để xác định vị trí của phần lớn thân máy bay và khôi phục dữ liệu hộp đen. Quá trình tìm kiếm diễn ra trên 17.000 km vuông dưới đáy đại dương, ở độ sâu lên tới 4.000 m trong hơn 22 tháng.
Chuyến bay chở 12 thành viên phi hành đoàn và 216 hành khách thuộc 33 quốc tịch khác nhau. Tất cả đều thiệt mạng.
Máy bay thường gặp nạn trên đất liền và vụ tai nạn trên biển của chuyến bay AF447 được coi là một trong số ít các vụ tai nạn làm thay đổi ngành hàng không. Vụ việc dẫn đến những thay đổi trong các quy định an toàn, đào tạo phi công và sử dụng các cảm biến tốc độ.