Các công tố viên New York, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng minh chính trị và đối thủ của ông đều đang chuẩn bị cho tuần lễ lịch sử, khi vị cựu tổng thống trình diện tại tòa và bị buộc tội tại phòng xử án ở Manhattan. Nhiều đối thủ tiềm năng cho vị trí ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa đã lên tiếng ủng hộ, thể hiện họ là đồng minh hơn là đối thủ của cựu tổng thống. Một số người lao vào bảo vệ ông Trump, bày tỏ lo ngại về tính hợp pháp của vụ án, và làm dấy lên câu hỏi liệu rắc rối pháp lý của ông Trump có làm xoay chuyển cục diện cuộc đua năm 2024 không.
Theo Richard Hasen - giáo sư luật tại Đại học California (Los Angeles, Mỹ), sẽ không có gì ngăn cản ông Trump tranh cử tổng thống. Trong ngắn hạn, điều này thậm chí có thể giúp ích cho cựu tổng thống nếu việc truy tố được coi là có động cơ chính trị.
Phó giáo sư David Alexander Bateman từ Đại học Cornell (Mỹ). Ảnh: Cornell University. |
Dẫu vậy, vị chuyên gia dự đoán sẽ có những bản cáo trạng nghiêm trọng hơn chống lại ông Trump trong những tháng tới.
Trong khi đó, Phó giáo sư David Alexander Bateman từ Đại học Cornell (Mỹ) nhận định suy cho cùng, việc cựu tổng thống bị kết án là động thái chống lại ông ấy.
“Rất nhiều thành viên đảng Cộng hòa muốn quên ông Trump và bỏ vụ việc này phía sau, nhưng nhóm ủng hộ trung thành nhất không thể hài lòng với quyết định này”, ông nhận định với Zing.
Nước Mỹ đã quá mệt mỏi vì ông Trump?
Trong khi nhiều đảng viên Cộng hòa và một số đảng viên Dân chủ đang đặt câu hỏi về vụ kiện dùng tiền bịt miệng, ông Trump phải đối mặt với vô số vấn đề pháp lý khác, bao gồm cả các cuộc điều tra của liên bang về nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử năm 2020, bạo loạn ở Điện Capitol và việc cất giữ trái phép tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng.
Vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ về việc các cáo buộc hình sự sẽ giúp ích thế nào cho ông Trump trong tổng tuyển cử. Theo Politico, ông Trump đã kiên cường một cách lạ thường trước bê bối trong những năm qua nhờ lòng trung thành không thể phá vỡ của các cử tri - những người coi ông là nhà vô địch trên đấu trường.
Những người ủng hộ như vậy chỉ chiếm một phần nhỏ ở Mỹ. Việc kêu gọi những người ủng hộ cá nhân ông Trump không đủ để giúp đảng Cộng hòa giữ quyền kiểm soát Hạ viện năm 2018 hay bảo vệ Nhà Trắng và Thượng viện vào năm 2020. Điều đó cũng không thể giúp đảng này có được làn sóng đỏ vào năm 2022.
Tuy nhiên, hiện tại, đúng như dự đoán, nhiều người đã bảo vệ ông Trump, gọi bản cáo trạng là hành động khiêu khích và sẽ chỉ khiến họ càng trung thành hơn với cựu tổng thống. Một số người khác bị đè nặng bởi sự mệt mỏi và linh cảm thời đại của ông Trump đã qua.
Richard Hasen là giáo sư luật tại Đại học California (Los Angeles, Mỹ). Ảnh: UCLA. |
Trong cuộc trò chuyện về bản cáo trạng của ông Trump với các cử tri Cộng hòa trên khắp đất nước, New York Times nhận thấy sự giận dữ, đôi khi bối rối và một loạt phản ứng trái ngược nhau, không khác với những bước ngoặt trước đây trong vở kịch cao trào kéo dài nhiều năm của cựu tổng thống.
Một số cử tri từng ủng hộ ông Trump cho biết với bản cáo trạng này, cựu tổng thống một lần nữa phá vỡ các quy tắc và gây ra sự hỗn loạn. Do đó, đảng Cộng hòa đã đến lúc tìm kiếm một ứng viên mới.
Theo nguồn tin, đội ngũ của ông Trump lại lập luận bản cáo trạng sẽ đưa nhóm cử tri có thiện cảm nhưng sẵn sàng đón nhận gương mặt mới vượt qua trạng thái “mệt mỏi vì Trump”.
Theo suy nghĩ này, nếu nhóm cử tri này coi cuộc điều tra ở Manhattan là sự tiếp nối của “cuộc săn phù thủy chính trị” của đảng Dân chủ như ông Trump cáo buộc, thì vụ việc có thể tạo ra đủ thiện cảm để khiến họ quay lại với cựu tổng thống.
Nhiều người bảo vệ ông Trump, gọi bản cáo trạng là hành động khiêu khích và sẽ chỉ khiến họ càng trung thành hơn với cựu tổng thống. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, giáo sư Bateman nhận định việc ông Trump bị truy tố khiến đảng Cộng hòa gặp khó khăn trong việc loại bỏ cựu tổng thống trong bầu cử sơ bộ. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ khác trong giai đoạn tổng tuyển cử, vị chuyên gia cho biết thêm.
“Ông Trump chưa bao giờ giành được đa số phiếu bầu, và giờ đây nhiều người Mỹ không còn bằng lòng và mệt mỏi với cựu tổng thống. Do đó, họ còn không hài lòng hơn nữa khi ông ấy bị truy tố”, ông nhận định. “Tôi cho rằng thật khó tin nếu bản cáo trạng sẽ đem lại lợi ích cho ông ấy trong tổng tuyển cử”.
Dẫu vậy, vị phó giáo sư từ Đại học Cornell cho rằng khả năng ông Trump thắng vẫn có thể xảy ra, bởi xét cho cùng, đất nước đang chia rẽ sâu sắc, còn tổng thống đương nhiệm đã cao tuổi và không được người dân ủng hộ nhiều.
“Nếu Mỹ suy thoái, đảng của tổng thống sẽ bị đổ lỗi. Tuy nhiên, việc ông Trump thắng sẽ vì cựu tổng thống đắc cử bất chấp bản cáo trạng, chứ không phải nhờ nó”, ông nói.
“Sẽ khó có ngày 6/1/2021 thứ hai”
New York Times nhận định ông Trump vốn luôn khát khao sự chú ý, và điều này trở thành nền tảng danh tính của cựu tổng thống suốt nhiều thập niên.
Vì vậy, giữa lúc không ai muốn bị truy tố, thì theo cách nào đó, ông Trump đang ở vị trí ông hằng ao ước: Trung tâm của sân khấu, với tất cả ánh đèn sân khấu đổ dồn vào ông. Cựu tổng thống đang tận hưởng sự chú ý này, điều mà không ai khác trong nền chính trị Mỹ hiện đại đã trải qua.
Ông Trump tung hàng loạt email gây quỹ, tận dụng lịch trình như đang vận động tranh cử. Ngày 3/4, ông bay từ Florida đến New York, sau đó trình diện tòa vào ngày hôm sau.
Trong trường hợp điều này chưa thu hút đủ sự chú ý, ông dự định bay về Florida và đưa ra tuyên bố mới tại Mar-a-Lago, với xung quanh là những chiếc máy ảnh và micro mà ông luôn mong muốn.
Cảnh sát dựng hàng rào gần tòa hình sự Manhattan, thành phố New York, ngày 1/4. Ảnh: Reuters. |
Khi vị cựu tổng thống tận hưởng những điều ông ao ước, thì New York Times cho rằng các động thái của ông Trump khiến nước Mỹ thêm chia rẽ.
Tờ báo dẫn lời Richard N. Haass - Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ - nhận định mối nguy hiểm hiện nay là “chênh lệch đảng phái”, khiến các bên ngày càng khó thống nhất với nhau trong các vấn đề quan trọng.
Dẫu vậy, có thể nước Mỹ đã chứng kiến quá nhiều “màn kịch” do ông Trump dựng lên trong những năm qua tới mức điều này trở thành điều “bình thường mới”. Cho đến nay, bản cáo trạng chưa dẫn tới các cuộc biểu tình rầm rộ như ông Trump kêu gọi.
“Tôi không lo ngại về ngày bạo loạn Điện Capitol 6/1/2021 lần thứ 2. Ông Trump kêu gọi biểu tình diện rộng và bạo lực, nhưng không có nhiều người quan tâm tới việc chấp nhận lời đề nghị của ông ấy. Tuy nhiên, điều này vẫn có thể thay đổi, khi không cần tới quá nhiều người mới có thể gây ra bạo lực và chết chóc tại quốc gia cho phép người dân trang bị vũ khí mạnh như Mỹ”, ông Bateman nhận định với Zing.
Vị giáo sư từ Đại học Cornell vẫn nghĩ tới khả năng biểu tình trở nên bạo lực nếu ông Trump bị kết án. “Ngày 6/1/2021 là minh chứng cho thấy diễn ngôn của ông Trump có thể dẫn tới bạo lực, vì vậy chúng ta vẫn cần chờ đợi”, ông nói.
Nếu không có bản cáo trạng nào, và vụ án chuyển thành kiến nghị và phiên điều trần thông thường, nó sẽ không còn trở nên hấp dẫn cho đến khi thực sự mở một phiên tòa. Một số chuyên gia cho rằng trong trường hợp đó, chính quyền đương nhiệm và Quốc hội vẫn có thể tập trung vào các chương trình nghị sự hiện tại.
“Mặc dù ông Trump cùng nhóm cố vấn sẽ tìm cách đưa mọi thứ xoay quanh mình, tôi tin tại Điện Capitol, vẫn có một liên minh cầm quyền đủ mạnh để xoay xở giải quyết những vấn đề cần thiết”, Jim Manley - cựu cố vấn cấp cao của đảng Dân chủ tại Thượng viện - nói với New York Times.
“Dù nhóm ủng hộ ông Trump tại Hạ viện sẽ gây ra nhiều rắc rối, tôi không nghĩ Quốc hội sẽ để Mỹ vượt quá trần nợ chỉ vì sự hỗn loạn do bản cáo trạng của ông Trump gây ra”, ông kết luận.
Tiết lộ về tổng thống Mỹ
Mục Thế giới xin giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.