Theo kế hoạch, phiên tòa xét xử ông Trump sẽ diễn ra vào ngày 9/2 (giờ địa phương) tại Thượng viện. Ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị luận tội tới hai lần, cũng là cựu tổng thống đầu tiên bị đưa ra xét xử trước Thượng viện.
Để có thể luận tội ông Trump, phe Dân chủ cần thuyết phục ít nhất 17 thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu kết tội cựu tổng thống.
Tháng trước, 45 trong tổng số 50 thượng nghị sĩ Cộng hòa đã bỏ phiếu ủng hộ kiến nghị đòi bãi bỏ phiên tòa, cho rằng xét xử một cựu tổng thống là trái hiến pháp. Con số ấy cho thấy nhiều khả năng ông Trump sẽ một lần nữa được tha bổng.
Vấn đề không đơn giản chỉ là ông Trump có tội hay trắng án, mà phán quyết, và quá trình dẫn tới phán quyết ấy, sẽ còn bị đánh giá nghiêm khắc trong nhiều thế hệ tới.
Dù kết quả phiên tòa ngày 9/2 thế nào, phiên tòa luận tội sẽ là bài kiểm tra liệu những lợi ích đảng phái có vượt lên trên giá trị của nền dân chủ và các nguyên tắc thượng tôn pháp luật, điều mang lại sự thịnh vượng mà người Mỹ tự hào trong hơn 300 năm, hay không.
Cuộc nổi loạn ở Điện Capitol hôm 6/1. Ảnh: CNBC. |
Không chỉ là có tội hay không
Tại phiên tòa ngày 9/2, các đại diện của Hạ viện, đến từ đảng Dân chủ, sẽ đưa ra những lý lẽ để luận tội ông Trump trước bồi thẩm đoàn 100 người là thượng nghị sĩ của Thượng viện, trong đó 50 người từ đảng Cộng hòa.
Các thượng nghị sĩ sẽ lắng nghe chứng cứ do Hạ viện trình bày. Đó là lúc họ phải đối mặt những câu hỏi về căn bản của nền dân chủ Mỹ.
Phiên tòa ở Thượng viện cũng trao cho người dân Mỹ cơ hội để tự đưa ra những đánh giá, phán xét của riêng mình về cách những người đại diện của họ ở cơ quan lập pháp cao nhất đưa ra quyết định.
"Với giới sử gia, phiên tòa sẽ cung cấp những bằng chứng và tài liệu sống động nhất về (cách hành xử) của những người đã tuyên thệ trước hiến pháp. Nó cũng giúp người ta hiểu thêm về sức mạnh và điểm yếu của nền dân chủ Mỹ", Carol Anderson, giáo sư từ Đại học Emory, bang Georgia nói.
Các thượng nghị sĩ sẽ xem xét bài phát biểu của ông Trump, khi cựu tổng thống kêu gọi người ủng hộ "không ngừng chiến đấu", trước khi vụ nổi loạn xảy ra ở Điện Capitol.
Nhiều yếu tố khác sẽ được xem xét và có ảnh hưởng nhất định tới kết luận của Thượng viện, như lời kêu gọi treo cổ cựu Phó tổng thống Mike Pence, hình ảnh cảnh sát Điện Capitol bị người biểu tình tấn công, hay chi tiết một sĩ quan bảo vệ Điện Capitol đã thiệt mạng.
Các thượng nghị sĩ sẽ phải đi tới quyết định ông Trump có phải gánh chịu hậu quả cho vụ nổi loạn hay không.
Nhưng ngay cả khi kết quả là cựu tổng thống được tha bổng, phiên tòa vẫn có giá trị.
"Luôn có khả năng không có bản án nào. Nhưng ảnh hưởng của phán quyết không bao giờ chỉ đơn thuần dựa trên điều ấy (có tội hay không có tội)", Val Demings, hạ nghị sĩ Dân chủ đại diện Florida, nói.
Theo một thăm dò dư luận do AP-NORC Center tiến hành, gần 2/3 người dân Mỹ tin rằng ông Trump phải chịu ít nhất là một phần nào đó trách nhiệm trong vụ bạo loạn ở Điện Capitol.
Hầu hết cử tri Cộng hòa muốn cựu tổng thống được miễn tội. Nhưng đến 3/10 người được hỏi nói rằng ông Trump là người có trách nhiệm trong sự kiện ngày 6/1.
Ông Trump là người đầu tiên bị luận tội hai lần. Ảnh: AP. |
Vẫn tranh cãi về tính hợp hiến
Lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đang dõi theo những diễn biến ở Washington. Họ muốn xem cơ quan lập pháp cao nhất của nước Mỹ có hành động theo các nguyên tắc dân chủ lập quốc hay không.
Các đối thủ của Mỹ nhanh chóng nắm lấy vụ nổi loạn hôm 6/1, cũng như tranh cãi quanh phiên tòa luận tội, để nói rằng Washington không có tư cách "lên lớp" người khác về sự tôn nghiêm của nền dân chủ.
"Nền dân chủ Mỹ rõ ràng đang lung lay. Nước Mỹ không có quyền xây dựng định nghĩa (về dân chủ), và càng không có quyền áp đặt nó lên các nước khác", Konstantin Kosachev, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga, công kích.
Rất ít đảng viên Cộng hòa công khai bảo vệ hành động của ông Trump.
Thay vào đó, đảng Cộng hòa tập trung chủ yếu vào những vấn đề kỹ thuật hiến pháp, cho rằng một tổng thống không thể bị đưa ra luận tội khi đã không còn nắm giữ chức vụ. Đây có thể là cách thức để bảo vệ ông Trump dễ dàng hơn, hiệu quả hơn.
Điều 1 Hiến pháp Mỹ trao quyền luận tội tổng thống cho Thượng viện, trong đó nêu rõ hình thức xử lý "sẽ không vượt quá việc cách chức, hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ" trong tương lai.
Một quy định khác ở Điều 2 nêu rõ "tổng thống, phó tổng thống, các quan chức dân sự của Mỹ sẽ bị cách chức nếu bị buộc tội phản quốc, tham nhũng, hoặc tội phạm và hành vi sai trái" khác.
"Hiến pháp coi luận tội là công cụ để chống lại một tổng thống khi còn tại vị, bởi mục tiêu của luận tội là cách chức chứ không phải trừng phạt", hai chuyên gia về luật hiến pháp Mỹ là Bruce Ackerman và Gerard Magliocca viết trên Washington Post.
Cựu thẩm phán liên bang Michael Luttig và giáo sư luật hiến pháp Philip Bobbitt từ Đại học Columbia có chung nhận định.
Ông Luttig cho rằng "nội hàm chính của thủ tục luận tội theo hiến pháp là luận tội, kết tội và cách chức một tổng thống đương nhiệm".
"Tôi nghĩ nhiều người tức giận trước viễn cảnh ông Trump sẽ thoát tội, đến mức sự giận dữ tước đi đánh giá về mặt pháp lý của họ", giáo sư Bobbitt nói, theo ABC News.
Nhưng phe Dân chủ không chấp nhận lập luận ấy.
Trong bản tóm tắt đệ trình trước phiên tòa, phe Dân chủ tuyên bố không có "ngoại lệ tháng 1" trong hiến pháp, ám chỉ việc nhiệm kỳ kết thúc không giúp ông Trump "thoát tội".
"Tổng thống không thể được miễn tội đối với những hành vi khi nhiệm kỳ gần kết thúc", bản tóm tắt của Hạ viện có đoạn.
Một số chuyên gia pháp lý cũng chỉ ra 3 trường hợp Thượng viện tổ chức phiên tòa luận tội các quan chức liên bang đã rời nhiệm sở trong quá khứ.
Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell. Ảnh: NBC News. |
Định đoạt tương lai đảng Cộng hòa
Phiên tòa luận tội ông Trump diễn ra trong bối cảnh đảng Cộng hòa vẫn đang vật lộn quyết định con đường tương lai, dù ông Trump ngày càng chiếm ưu thế trong cuộc đấu nội bộ đảng.
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, một trong các lãnh đạo quyền lực nhất của phe Cộng hòa, không ít lần bóng gió về khả năng loại bỏ ông Trump khỏi đảng.
Nếu ông Trump bị kết tội, Thượng viện có thể bỏ phiếu cấm ông Trump đảm nhiệm chức vụ chính quyền trong tương lai, vĩnh viễn đóng lại kế hoạch tái tranh cử năm 2024.
Kịch bản này sẽ giáng đòn mạnh vào ảnh hưởng của ông Trump trong đảng Cộng hòa.
Hồi tháng 1, CNN đưa tin Thượng nghị sĩ McConnell đổ lỗi cho ông Trump trong vụ bạo loạn ở Điện Capitol. Nhưng từ đó tới nay, đặc biệt sau khi Hạ viện khởi động tiến trình luận tội, Thượng nghị sĩ McConnell không công khai quan điểm đối với phiên tòa sẽ tổ chức ngày 8/2.
Hiện mới chỉ có một số ít thượng nghị sĩ Cộng hòa công khai quan điểm quyết luận tội cựu tổng thống, đối đầu với lực lượng ủng hộ ông Trump giờ đã chiếm đa số trong đảng.
Các thượng nghị sĩ Cộng hòa còn lại, hoặc đứng về phía ông Trump, hoặc vẫn giữ im lặng. Điều này không bất ngờ, vì những chính trị gia bảo thủ quay lưng với cựu tổng thống đã hứng chịu "bão" trừng phạt từ những người ủng hộ ông Trump.
Đối với ông Brendan Buck, cố vấn cấp cao của cựu Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, phiên tòa luận tội sẽ chỉ củng cố thêm hiểu biết của công chúng về nền chính trị Mỹ.
"Tôi muốn nói chúng ta quá bè phái và chia rẽ để có thể trao đổi với nhau, hay thể hiện những nguyên tắc dân chủ nền tảng", ông Buck nói.