Đền Sinh tọa lạc trên sườn núi Ngũ Nhạc nằm trong quần thể di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc xã Lê Lợi, huyện Chí Linh, Hải Dương. Người dân gần đấy cho biết, ngoài việc cầu tài lộc, bình an, may mắn thì khách thường tìm đến đây để cầu xin Đức Thánh Mẫu ban cho một mụn con.
"Sở dĩ có nhiều người dân đến đây xin cầu một mụn con là bởi tại ngôi đền cổ này, có thờ một phiến đá mang dáng hình của một người phụ nữ lúc lâm bồn và từ đó ngôi đền này có tên gọi là đền Sinh", một thủ nhang trong đền cho hay.
Theo thần phả ghi lại, đền Sinh thờ Đức Thánh Mẫu Thạch Bàn trong tư thế người mẹ sinh nở. Đền Hóa thờ Đức Thánh Hạo Thiên Phi Bồng - nguyên là một vì sao trong chòm sao Bắc Đẩu giáng hạ, nhiều lần giúp dân ta đánh giặc ngoại xâm, ban cho dân ta quốc phú, dân cường… Đền Sinh được lập ngay tại nơi Đức Thánh Mẫu Thạch Bàn hạ sinh Đức Thánh Hạo Thiên Phi Bồng.
Một góc của phiến đá. |
Ông Nguyễn Văn Gia, một thủ nhang đền Sinh cho biết thêm: "Trong thần phả có ghi lại chi tiết về Đức Thánh Hạo Thiên Phi Bồng được sinh ra. Hợp tam thanh chuyển động càn khôn sơn hà thảo mộc" có nghĩa là "3 tiếng nổ lớn rung chuyển đất trời làm lung lay sông núi cây cỏ. Sau tiếng nổ lớn thì xuất hiện một đứa trẻ thông minh, nhanh nhẹn nhưng chỉ trong một tích tắc, râu tóc mọc ra và đứa trẻ này biến thành ông già".
Nói xong, ông Gia dẫn chúng tôi vào hậu cung của đền để chúng tôi tận mắt được nhìn thấy phiến đá độc đáo có một không hai này. Qua quan sát, phiến đá ấy cao chừng 3m và rộng khoảng 5m, ẩn mình sau lớp voan màu vàng.
Theo như ông Gia lý giải: "Phụ nữ ai cũng kín đáo nên dù trong tư thế lâm, bồn họ cũng không muốn người khác nhìn thấy họ trong những tư thế "tế nhị" này.
Để bảo vệ, che chắn cho phiến đá, nhà đền đã cho xây dựng một ngôi nhà ba gian bao quanh nhưng vẫn để hở một phần nóc nhà cho cây đa vươn mình che chắn phiến đá.
Ông Vũ Đình Huy, Trưởng ban Quản lý đền Sinh cho biết: "Cây đa này có từ khi nào thì trong thần phả không nhắc tới nhưng chỉ biết rằng cây đa này có từ rất lâu rồi và nó mọc ngay sát bên phiến đá giống như chiếc ô để che mát bảo vệ cho Đức Thánh Mẫu Thạch Bàn".
Theo "Thần tích bia ký" tại đầu khu đất trang Chi Ngại, Yên Mô, huyện Phượng Nhãn có một hòn đá vuông như chiếc chiếu lớn, nơi đây địa thế sơn thủy hữu tình, linh chung tú khí. Bấy giờ là giờ Dần ngày 8/5 khi mặt trời gác núi, trẻ chăn trâu thường tụ tập ở chốn này. Hôm nay chúng chợt nghe thấy có tiếng trẻ nhỏ khóc ở dưới núi bèn gọi nhau đến đó, thấy một hài nhi dáng vẻ khôi ngô, thiên tư dĩnh ngộ, nằm trên chỗ lõm của khối đá mà khóc vang như tiếng chuông lớn.
Phiến đá sản phụ lâm bồn ẩn mình sau tấm vải voan. |
Bọn trẻ lấy tay làm kiệu, lấy nón làm lọng, lấy khăn làm cờ, bồng bế đón về. Bỗng nhiên mưa gió sấm chớp đùng đùng, cát bay, đá cuộn khắp nơi, hài nhi hét lên một tiếng rồi bay thẳng lên trời, chỉ nghe trên không trung có tiếng vọng lại "ta là Phi Bồng Hạo Thiên Đại tướng quân giáng hạ". Mọi người tụ họp ở nơi đó thấy hòn đá bị mài mòn khoảng hơn một thước rất lấy làm kinh ngạc liền lập miếu phụng thờ, từ đó anh linh hiển ứng, bảo hộ cho nhân dân khỏe mạnh, giàu có.
Nơi chữa bệnh tâm linh của các cặp vợ chồng hiếm muộn
Theo ông Vũ Đình Huy, ngoài thần tích trong bia kí thì trong "Ngọc Phả Thiên thần vị" còn có một tích khác đến nay được lưu truyền trong tài liệu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm - thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).
Ông Huy kể: "Vào thế kỷ thứ 6 có một cặp vợ chồng già là ông Chu Thức và bà Hoàng Thị Ba ở trang Phấn Lôi đã ngoài 50 tuổi mà vẫn chưa có một mụn con. Một hôm, hai vợ chồng ông Chu Thức rủ nhau lên đền sắm đủ lễ vật để cầu trời mong sinh được đứa con.
Sau khi làm lễ, bước ra đến cửa bỗng thấy một vết chân người rất lớn, thấy lạ, người vợ ướm thử thì thấy vừa như in và đúng một năm sau đó bà sinh hạ một cậu con trai khôi ngô, tuấn tú và đặt tên là Hiện, tự là Phúc Uy. Điều kỳ lạ là trong lúc trở dạ sinh con thì trời đất bỗng nổi giông bão mịt mùng, mưa to gió lớn và trên người cậu bé có ánh hào quang sáng rực.
Năm Chu Phúc Uy 19 tuổi, quân phương Bắc tràn sang nước ta, lúc bấy giờ nghe vua Lý Nam Đế hiệu triệu, Chu Phúc Uy cùng với trai đinh trong làng tòng quân đánh giặc. Nhờ tài thao lược, đội quân của Chu Phúc Uy đánh đâu thắng đấy nên sau khi giặc tan ông được vua phong làm Vũ đại tướng quân và giao cho trấn giữ vùng Hải Dương.
Về sau, quân giặc phương Bắc lại kéo sang, vua Lý lại triệu Chu Phúc Uy cầm quân đánh giặc. Tuy nhiên, sau khi về nước, quân địch chỉnh đốn hàng ngũ, chuẩn bị quân trang, lương thực sang cướp nước ta lần nữa. Lần này Chu Phúc Uy dẫn quân đánh giặc nhưng do thế giặc mạnh nên ông đã hy sinh tại Việt Yên, Bắc Giang. Để tưởng nhớ công lao của ông, nhân dân trong vùng lập đền thờ ở đó.
Thủ nhang đền Sinh đang kể chuyện Đức Thánh Hạo Thiên Phi Bồng được sinh ra từ phiến đá. |
Từ ý nghĩa tên gọi của đền Sinh cùng với những thần tích được lưu truyền cho tận ngày nay nên những cặp vợ chồng hiếm muộn tìm đến đây ngày một đông. Trong lần lên tìm hiểu viết bài, phóng viên có dịp trò chuyện với chị Phí Thị Ngân nhà ở xã Văn an, huyện Chí Linh và được chị cho biết đã đi khắp các đền chùa, miếu đình để khấn vái nhưng vẫn chưa có hiệu quả. Cứ ở đâu mách chỗ nào có đền chùa thiêng là chị lại tìm đến biết đâu trời thương cho mình một đứa.
Tuy nhiên đã hơn 5 năm hết trong Nam ngoài Bắc nhưng chị vẫn chưa có tin vui. Vừa rồi nghe mách nước chị cùng chồng sửa soạn lễ mang lên đền Sinh để cầu xin Đức Mẹ thương tình ban cho một đứa con.
May mắn hơn trường hợp của chị Ngân, chị Dương Thị Lương, nhà ở huyện Yên Mô, Ninh Bình đã có đứa con hơn một tuổi. Chị Lương chạy chữa khắp nơi, kể cả dùng đông tây y kết hợp nhưng vẫn không mang lại hiệu quả. Nhờ có cô em họ ở Hải Dương mà chị tìm về đây làm lễ nên chỉ sau 3 tháng chị có tin vui và đến nay gia đình chị có một cậu con trai kháu khỉnh hơn một tuổi.
"Tôi lấy chồng 7 năm nhưng mãi mà chưa có con, cũng chạy chữa đủ kiểu, vái lạy khắp nơi nhưng bụng mình vẫn lép xẹp. Cũng may Đức Thánh Mẫu thương tình cho tôi và gia đình một đứa con khỏe mạnh, ngoan ngoãn nên hôm nay chúng tôi lên đây để làm lễ tạ", chị Lương cho biết.
Có rất nhiều người tìm đến đây đển cầu xin con và mỗi người đều có hoàn cảnh riêng của mình. Lật giở quyển sổ ghi danh sách các cặp vợ chồng hiếm muộn tìm đến đây làm lễ xin con khiến chúng tôi không khỏi giật mình. Ông Phạm Văn Được (79 tuổi) là người làm giấy sớ cho các cặp hiếm muộn cho biết nếu thống kê chính xác con số bao nhiêu thì không tài nào đếm được.
Ai đến đây cũng có một hoàn cảnh, số phận riêng và có nhiều người làm ông vẫn nhớ rõ. Đó là hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Hạnh nhà ở huyện miền núi Bá Thước, Thanh Hóa. Lấy chồng từ năm 20 tuổi nhưng đến 30 tuổi vẫn chưa có con. Người chồng chán nản bỏ bê công việc, suốt ngày tụ tập rượu chè cờ bạc sau đó về nhà đánh vợ. Từ ngày đó, mọi công việc lớn nhỏ một mình chị cáng đáng và sau một thời gian làm lụng vất vả, chị dành dụm xây được một căn nhà hai tầng. Sau đó chị xin đi xuất khẩu lao động và sau ba năm trở về nước thì căn nhà chị xây đã có một người đàn bà vào ở với chồng mình.
Trong thời gian đi xuất khẩu, ở nhà người chồng đã làm thủ tục ly hôn. Chán nản, chị đi làm ăn xa và được một người đàn ông thương yêu nên hai người nên nghĩa vợ chồng. Lần này chị vẫn không có tin vui sau một năm sống với người chồng thứ hai, nhưng ông trời không phụ lòng khi chị cùng gia đình chồng lên đền Sinh xin con và hiện giờ chị đã có một đứa con 5 tuổi. Và năm nào cũng vậy, vào những ngày chính hội, chị cùng với gia đình, con cái về đây làm lễ tạ ơn.