"Chị ơi, ở đây người ta tặng đồ ăn phải không?".
"Anh vào đi, các cháu tặng rau, gạo và cả trứng đó".
8h ngày 27/6, tiếng hỏi han về "phiên chợ 0 đồng" xôn xao cả góc đường Lê Văn Linh, quận 4, TP.HCM. Những bà con có mặt tại đây mua sắm đều là người dân lao động khó khăn bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.
Phiên chợ hỗ trợ người lao động nghèo
"Phiên chợ 0 đồng" được Hội tình nguyện Chung tay vì cộng đồng phối hợp cùng UBND phường 13, quận 4 tổ chức.
Chia sẻ với Zing, anh Nguyễn Tiến Danh, Chủ tịch hội tình nguyện, cho biết đây là hoạt động nhằm san sẻ khó khăn với những người lao động khó khăn trên địa bàn phường 13, các phường lân cận và cả những người dân vãng lai.
Phiên chợ đầy ắp thực phẩm tươi sạch phục vụ bà con. |
"Khu vực này có nhiều người dân lao động nghèo. Mọi người càng khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng. Hội tình nguyện đã kêu gọi sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân, xin phép sự đồng ý từ UBND phường 13, quận 4 để tổ chức phiên chợ.
Mỗi bà con đến đây mang theo phiếu đã được phát từ trước. Mọi người được tặng số thực phẩm đủ dùng trong 2 ngày cho một gia đình từ 3-5 người. Thực phẩm mỗi ngày đều thay đổi đa dạng để phục vụ bà con", anh Danh nói.
Sáng 27/6, những chiếc bàn của “phiên chợ 0 đồng" đầy ắp các loại rau củ như bắp cải, cả ngọt, dưa leo, khoai lang... Cạnh đó còn là những kệ xếp gạo, mì gói, muối lạc, trứng và gia vị.
Bà con xếp hàng, giữ khoảng cách trước khi vào chợ. |
Mỗi "khách hàng" đến chợ đều được hướng dẫn xếp hàng giãn cách theo các ô được đánh dấu sẵn. Bà con vào lựa rau củ theo nhu cầu sử dụng của gia đình, sau đó sẽ được tặng thêm 3 kg gạo, 5 quả trứng, một chai nước mắm, một chai dầu ăn, nửa kg đường và một bịch khẩu trang y tế.
Cô Trần Thị Thân (68 tuổi, sinh sống tại phường 16, quận 4) biết đến "phiên chợ 0 đồng" nhờ được tổ dân phố tặng phiếu. Con gái cô Thân làm nhân viên vệ sinh môi trường, thu nhập bếp bênh kể từ khi đợt dịch mới bùng phát. Cô chia sẻ những thực phẩm được tặng tại phiên chợ rất thiết thực với gia đình mình.
"Các con tôi phải ngưng công việc nên không còn thu nhập nữa. Hôm nọ tôi cũng ghé đến những điểm tặng cơm nhưng tôi thấy tặng thực phẩm tươi sống như thế này thiết thực và cần thiết hơn", cô nói.
Cô Thân đến xếp hàng từ sớm để nhận thực phẩm. |
Chú Nguyễn Phước Dũng (63 tuổi) lại không có được phiếu để mua hàng tại phiên chợ. Lý do là bởi chú là người bán vé số vô tình đi qua, trước đó chưa được tặng phiếu từ tổ dân phố.
Nhưng khi chú Dũng định quay đi, một người dân của phường 13 đã tặng chú một phiếu đi chợ của mình.
"Tôi đi bán vé số qua đây, thấy người ta xếp hàng mà tôi không có phiếu. Nhưng có một chú cho tôi phiếu của chú ấy.
Số thực phẩm được tặng này chắc nhà tôi sẽ dùng được trong mấy ngày, chai dầu ăn và mắm thì dùng lâu hơn. Tôi mang đồ về sẽ chia cho những người quanh xóm tôi nữa, mọi người ai cũng khổ. Tôi cảm ơn các bạn trẻ ở đây", chú nói.
Chú Dũng là người vãng lai, được tặng phiếu để nhận quà. |
Hơn 500 phần quà mỗi ngày gửi tặng bà con
Anh Nguyễn Tiến Danh cho biết "phiên chợ 0 đồng" được tổ chức bắt đầu từ ngày 25/6, chia thành 2 khung giờ sáng và chiều mời bà con đến nhận quà.
Tuy nhiên sau 2 ngày đầu tiên thực hiện, Hội tình nguyện Chung tay vì cộng đồng quyết định chỉ hoạt động vào khung giờ 8h - 10h buổi sáng để thuận tiện hơn cho mọi người.
"Buổi chiều TP.HCM thường mưa nên chúng tôi quyết định chỉ mời bà con đến vào buổi sáng. Ban đầu lên kế hoạch mỗi ngày sẽ gửi tặng bà con từ 300 đến 500 phần quà. Nhưng 2 ngày qua, mỗi ngày đã tặng đến hơn 500 phần. May mắn là được sự ủng hộ, hỗ trợ rất nhiệt tình từ các mạnh thường quân", anh nói.
Mỗi tình nguyện viên làm việc trong phiên chợ đều phải đảm bảo nguyên tắc 5K. |
Anh Danh chia sẻ thêm phiên chợ dự kiến sẽ kéo dài trong 10 ngày. Tuy nhiên tuỳ vào tình hình thực tế, Hội tình nguyện có thể sẽ kéo dài việc tổ chức và mở thêm các điểm tặng quà tại nhiều khu vực khác.
"Nếu việc triển khai chợ giúp đỡ được cho nhiều bà con và đảm bảo được tiêu chí an toàn, Hội tình nguyện sẽ kéo dài thêm thời gian hoạt động và triển khai thêm các phiên chợ tại nhiều địa điểm khác.
Hiện có rất nhiều người dân đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Chúng tôi mong muốn là điểm kết nối giữa các mạnh thường quân để san sẻ phần nào khó khăn của bà con", anh Danh chia sẻ.