Xu Chunlin bước tới chạm vào tay vịn của cầu vượt, cũng là đáy tận cùng của chịu đựng.
Trước mắt ông, phía dưới 10 m là dòng xe cộ tấp nập của Thâm Quyến. Đằng sau ông là cảnh sát vừa đánh đập ông. Đứng cạnh ông là khoảng 80 người cùng cảnh ngộ.
Có nhảy hay không? Hay chờ tới khi phổi của ông lịm hẳn?
Con đường dẫn ông tới giây phút cận kề cái chết bắt đầu từ thập niên 90. Tất cả họ đều là thanh niên trai tráng từ vùng nông thôn tỉnh Hồ Nam lên Thâm Quyến, khi ấy là thị trấn đang lên, để làm công nhân xây dựng.
Họ làm việc nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, khoan và đào xuống lòng đất để xây đường tàu điện ngầm - nền móng của Thâm Quyến hoa lệ ngày nay.
Nhưng họ không hề biết bụi có chứa tinh thể silic (hay còn gọi là bụi silica - silica dust), từ việc khoan vào các loại đá, gây ra tổn thương không thể đảo ngược cho phổi, mà khẩu trang vải họ được phát không thể ngăn được.
Hơn 100 công nhân từ Hồ Nam đã chết trong vòng 10 năm qua từ bệnh bụi phổi nhiễm silic, bệnh mạn tính gây ra do hít phải bụi chứa tinh thể silic tự do trong một thời gian dài, khiến phổi bị tổn thương và xơ cứng. Khoảng 600 người khác đang chờ chết.
Căn bệnh này không chữa được và dẫn đến cái chết kéo dài, đau đớn.
Những ngôi làng ở Hồ Nam từng sống dựa vào tiền họ kiếm được, thậm chí khấm khá, giờ đây chìm trong nợ nần. Những ai còn sống sót vật lộn dùng số tiền dành dụm ít ỏi cho hành trình dai dẳng đi tìm công lý, theo phóng sự của Washington Post.
Xu Chunlin kiếm được tiền ở Thâm Quyến, xây được nhà to với cổng có họa tiết bằng đồng. Nhưng ông đang trả giá quá đắt: bốn anh em đã chết vì bệnh bụi phổi, chính ông cũng không còn nhiều thời gian. Ảnh: Washington Post. |
Hai câu chuyện trái ngược ở Trung Quốc
Một câu chuyện là của những dãy cao ốc hào nhoáng, tô điểm cho cảnh tượng các thành phố, của 400 triệu người dân ở đó.
Câu chuyện kia là sự khổ cực của tầng lớp nông thôn vẫn làm việc trong điều kiện tồi tệ, thiếu giấy tờ, không có cách nào đòi quyền lợi ngoài đụng độ với chính quyền.
Từ đầu năm 2018, những công nhân khoan đất đá ốm yếu của Hồ Nam, do ông Xu dẫn đầu, đã tới Thâm Quyến hơn chục lần để yêu cầu được hỗ trợ. Đầu tháng 11/2018, hàng trăm người cùng cảnh ngộ như họ chiếm một tòa nhà chính phủ, trước khi cảnh sát giải tán bằng hơi cay - lại là một thứ gây tổn hại đáng sợ cho những lá phổi đã quá nhiều tổn thương.
Chính sau vụ đụng độ đó mà các công nhân đe dọa sẽ tự tử bằng cách nhảy từ cầu vượt xuống đường cao tốc 8 làn.
Ông Xu đã sẵn sàng chết để phản đối trong ngày hôm đó.
Nhưng ông cũng cảm thấy phải có trách nhiệm với đồng đội của mình, ông kể lại với Washington Post. Ông là lứa thanh niên Hồ Nam đầu tiên đưa người cùng làng tới Thâm Quyến đầu thập niên 90, mang lại cho họ 25 năm đi từ khấm khá đến bi kịch.
Không chọn cái chết, ông đã hét lên khẩn cầu các công nhân hãy lùi lại. Hãy bình tĩnh - ông nói - và chiến đấu tiếp ngày hôm sau.
Những ngôi nhà ma
Tang Thực là một huyện thuộc Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam, là nơi nhiều hẻm núi, không phát triển được công nghiệp hay thậm chí là nông nghiệp. Nhưng hai bên đường là các nhà cao tầng với ban công giống châu Âu. Đó chính là thành quả của công nhân đi làm tại Thâm Quyến, và cũng là “đài tưởng niệm” cho xương máu mà họ đánh đổi.
“Ai cũng xây nhà cao cửa rộng, rồi không ai ở”, Gu Zhongping, từng là công nhân khoan đất đá, nói với Washington Post khi lái xe, chỉ ra những ngôi nhà có những người trước làm công nhân, nay đã chết hoặc đang chờ chết.
“Ai cũng xây nhà cao cửa rộng, rồi không ai ở”, Gu Zhongping, từng là công nhân khoan đất đá, nói với Washington Post. Ảnh: Washington Post. |
Gu Hejian không còn sống được lâu. Zhong Yichuan chết hai năm trước. Wang Zhaogang chết hồi tháng 4, và được chôn cất bởi 10 công nhân khác cũng chỉ còn đếm từng ngày sống mòn.
Hơn 26 người từng làm công nhân đã chết ở Tang Thực do bệnh phổi kể từ 2009, và 100 người khác đang ốm nặng. Hai nơi khác ở Hồ Nam có 500 dân làng đã được chẩn đoán bệnh phổi.
Số ca bệnh phổi ở Trung Quốc đang tăng, trái ngược với các nước phát triển nơi bệnh phổi giảm, nhờ tiêu chuẩn an toàn được thắt chặt và số việc làm trong các ngành như khai mỏ giảm dần.
Công nhân hít nhiều bụi silica do khoan đất đá không cảm nhận triệu chứng ngay, nhưng sau nhiều tháng, thậm chí nhiều thập kỷ, mức tàn phá trở nên kinh hoàng.
Việc đi lại, thậm chí nói chuyện, trở nên khó khăn. Nằm xuống cũng cảm thấy bị ngạt, vì vậy hầu hết bệnh nhân phải ngủ ngồi bên cạnh máy thở ôxy. Tiếp đến là ho nặng, sụt cân, cảm và sốt. Viêm phổi và bệnh lao dẫn đến tử vong, nếu không thì sớm muộn, phổi cũng ngừng hoạt động.
Li Li, bác sĩ ở địa phương, cho biết phòng khám một gian mà bà cải tạo lại từ cửa tiệm tồi tàn không có đủ thuốc men hay thiết bị. Nhưng đối với các bệnh nhân ở xa xôi mà vẫn cần điều trị vài lần một tháng, đến đây vẫn hơn đi tới bệnh viện thành phố, hay tới bệnh viện tỉnh mất 6 giờ.
Cheng Xiangyong, 49 tuổi, ho ra đờm dày, tiếng ho tràn ngập gian phòng. Ông làm xây dựng ở Thâm Quyến 13 năm cho tới 2017, gần đây sụt 20 cân. Bạn ông đã chết ngày 14/8 chỉ vài giờ sau khi vừa nói chuyện. Ông Cheng lo lắng vì không đủ tiền mua quan tài, về người vợ và về mẹ già 82 tuổi.
“Đừng làm công việc này quá lâu”
Thâm Quyến, nơi được Trung Quốc thử nghiệm cải cách kinh tế, đã nhảy vọt từ làng chài trở thành xưởng sản xuất iPhone của thế giới, sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ tư châu Á, và nơi mà giới siêu giàu tới ở phòng khách sạn St. Regis giá 4.000 USD một đêm.
Du khách nhìn ngắm đường chân trời Thâm Quyến từ tầng 69 của một tòa tháp. Ảnh: Getty Images. |
Tới Thâm Quyến năm 1989 ở tuổi 21, ông Xu làm việc ở công trường. Một lần về Tết, dành dụm được 5.000 tệ (tương đương 710 USD), ông dùng hết để mua 1.500 kg gạo chất trong kho, để gia đình ông có thể tăng cân, có mức cân nặng bình thường.
Sau bốn năm, ông Xu trở thành người môi giới, thường dành nửa số việc làm ở công trường cho các đồng hương. “Ai cũng muốn biết tôi vì tôi có mối đi làm”, ông nói.
Họ dùng búa khoan và thuốc nổ để đào đất, có thể sâu tới 50 m, để rồi đổ bê tông tạo thành cột chịu lực cho tòa nhà.
“Khi bắt đầu khoan, như là đại bác nổ ngay trước mặt”, Zhong Pinxie, một công nhân Hồ Nam nói với Washington Post, kể về những khi phải khoan vào đá granite. Ông chỉ được phát mặt nạ đơn giản, không đeo kính hay bịt tai, và hầu như không được tập huấn.
Chính thứ bụi đó trở thành những viên nhỏ, vẩn đục hiện lên trên phim chụp X-quang phổi của ông vào năm ngoái - triệu chứng của bệnh bụi phổi nhiễm silic giai đoạn sau. Nhưng Zhong không biết sẽ có gây hại như vậy, và cũng không ai biết. Các triệu chứng chỉ biểu hiện sau vài năm.
Một kỹ sư xây dựng từng đưa ông Xu một trang tài liệu về bệnh bụi phổi, và nói thầm: “Đừng làm công việc này quá lâu”.
“Tôi nghĩ ông ta chắc phải biết gì đó”, ông Xu nói. “Nhưng từ đầu tới cuối, không ai từ công ty hay chính quyền nói gì về nguyên nhân hay tác hại”.
Wang Quanlong là một trong khoảng 80 người từng làm công nhân khoan đất đá đã đe dọa tự sát trên cầu vượt vào năm 2018. Ảnh: Washington Post. |
Làm việc không hợp đồng
Tới năm 2009, bệnh bụi phổi nhiễm silic bắt đầu được truyền thông chú ý tới. Các nhóm công nhân kiến nghị, buộc chính quyền Thâm Quyến phải đồng ý hỗ trợ lên tới 15.000 USD cho những ai có thể chứng minh thời gian công tác.
Nhưng với đa số công nhân, đó là điều không thể. Một thăm dò toàn quốc của tổ chức Love Save Pneumoconiosis cho thấy chỉ 7% số công nhân nhiễm bệnh là từng ký hợp đồng.
Ngành xây dựng, gây ra 1/4 số ca tử vong do tai nạn lao động ở Trung Quốc, thường xuyên tuyển công nhân không qua hợp đồng, theo Eli Friedman, một chuyên gia về người lao động Trung Quốc ở Đại học Cornell.
Ông nói hệ thống này “đẩy mọi nguy cơ xuống tầng lớp thấp nhất”.
Bảo hiểm tai nạn lao động cũng chỉ đến được với 27% trong số khoảng 80 triệu lao động di cư, theo số liệu chính thức vào tháng 5.
Shelly Tse, giám đốc trung tâm nghiên cứu về an toàn lao động tại Đại học Trung văn ở Hong Kong, nói những người công nhân chịu thiệt vì bệnh bụi phổi không phát bệnh ngay lập tức.
“Đến khi họ cảm thấy ốm yếu 10 năm sau, họ không thể xác định mình đã làm cho công ty nào khi mắc bệnh”, Tse nói với Washington Post. “Công ty có thể đã phá sản”.
Nhà của ông Wang Quanlong đầy thuốc và túi ôxy để giảm các triệu chứng của bệnh bụi phổi. Căn bệnh này không chữa được và dẫn đến cái chết kéo dài, đau đớn. Ảnh: Washington Post. |
“Công lý không tồn tại ở xã hội này”
Tại làng của Xu, người công nhân sau chuyển sang môi giới, số người tử vong lên tới 70. 6 người đã tự tử. Gia đình của Xu có bốn anh em đã chết, đều đã từng làm xây dựng dưới hầm ở Thâm Quyến, người trẻ nhất mới chỉ 26 tuổi.
“Chúng tôi phải làm gì đó”, ông nói.
Thất vọng vì không có gì tiến triển, tháng 11/2018, 300 công nhân đã chiếm lấy một tòa nhà chính quyền và đòi gặp thị trưởng Thâm Quyến.
Tối 7/11, chính quyền quyết định đột kích. Video cho thấy cảnh sát chống bạo động dùng hơi cay để buộc người biểu tình phải đi ra.
Một số người tức giận, tiếp tục tụ tập, đi về phía một cầu vượt. Họ đe dọa sẽ nhảy xuống. Đó là canh bạc của những người không còn gì để mất.
Và chính quyền đã phải xuống nước. Tới nửa đêm, lãnh đạo thành phố tới đối thoại với ông Xu. Sau một tuần đàm phán, một thỏa thuận được đưa ra: Thâm Quyến sẽ trả từ 17.000-35.000 USD cho các bệnh nhân của bệnh bụi phổi nhiễm silic, và hỗ trợ viện phí trong tương lai.
Không có hệ thống tư pháp đủ mạnh ở Trung Quốc, nên các cuộc tranh chấp quyền lao động thường đi đến tình huống như vậy, Mary Gallagher, giáo sư chính trị tại Đại học Michigan, Mỹ, nói với Washington Post. Những người khiếu nại từ nông thôn tổ chức biểu tình, năm này qua năm khác. Quan chức muốn xoa dịu bằng một cục tiền.
“Nhưng họ không bao giờ thừa nhận sai sót mang tính hệ thống”, bà nói.
Đụng độ giữa những người khiếu nại từ Hồ Nam và cảnh sát vẫn tiếp diễn. Hàng chục người muốn trở lại Thâm Quyến hoặc Bắc Kinh nhằm đòi bồi thường nhiều hơn thường xuyên bị cảnh sát sách nhiễu.
Những ngôi làng bị ảnh hưởng bị theo dõi gắt gao. Cảnh sát đã đe dọa phóng viên Washington Post cũng như dân làng trả lời phỏng vấn tờ báo này.
Huyện Lỗi Dương, ở tỉnh Hồ Nam, nơi có nhiều người chết vì từng đi làm công nhân xây dựng ở Thâm Quyến. Ảnh: Washington Post. |
Một người đã nhận được 24.000 USD bồi thường vẫn đang lên kế hoạch khiếu nại ở Thâm Quyến và Bắc Kinh, vì số tiền không đủ để ông nuôi con.
“Công lý không tồn tại ở xã hội này”, ông nói. “Sự hào quang, giàu có, nhà cao tầng - tất cả đều được xây dựng trên xương máu của chúng tôi”.
Ông Xu, người công nhân sau trở thành người môi giới, đã bỏ tiền túi để hỗ trợ ăn ở cho những người đi Thâm Quyến khiếu nại, đồng thời tư vấn cho họ qua WeChat.
Dân cùng làng ông vẫn tiếp tục đổ bệnh. Một số người cầu xin ông giúp đỡ, một số khác chửi rủa ông vì đã đưa họ đến Thâm Quyến làm công nhân.
“Tôi đã làm điều đó một cách chân thành”, ông Xu nói. “Làm sao chúng tôi biết sẽ tới nông nỗi này”.
Bản thân ông vẫn tiếp tục khiếu nại. Ông không đòi tiền bồi thường, mà chỉ muốn chính phủ chính thức thống kê về căn bệnh.
Ông chỉ về phía căn nhà to của mình, trong đó là những căn phòng trống.
Ông nói nếu ông không đi làm công việc khoan đất đá, có lẽ những căn phòng đó không trống trải như vậy, mà sẽ tràn đầy tiếng cười của các anh em trai và các cháu.